Sunday, September 2, 2018

Tập Cận Bình nên xin hòa

“…Tốt nhất là ông Tập Cận Bình nên chuẩn bị xin hòa, và nên đưa lời cầu hòa trước ngày dân Mỹ đi bỏ phiếu. Làm như vậy, sẽ giúp ông Trump có dịp khoe với dân Mỹ rằng chính sách mậu dịch của ông đã kết thúc mỹ mãn…”
ford_focus
Công ty sản xuất xe hơi Ford Motor đã quyết định chấm dứt dự án định nhập cảng về Mỹ nhãn xe Focus nhỏ mà họ chế tạo ở Trung Quốc. (Hình: China Photos/Getty Images)
Chính phủ Mỹ ngưng thương thuyết chuyện thuế quan với Trung Cộng, nêu lý do Bắc Kinh lơ là không giúp Mỹ ép Bắc Hàn giải giới bom nguyên tử.
Bom nguyên tử chỉ là một cái cớ. Thật ra lúc này nên ngưng nói chuyện thương mại, vì chỉ mất thời giờ vô ích. Cuộc “chiến tranh mậu dịch” Mỹ-Trung Quốc không thể giải quyết trước ngày bầu Quốc Hội Mỹ, đầu Tháng Mười Một.
Vì dân Mỹ sắp đi bỏ phiếu cho nên Tổng Thống Donald Trump phải tỏ ra cứng rắn hơn trong bất kỳ cuộc thương thuyết mậu dịch nào. Ông cần bảo vệ lòng tín nhiệm trong khối cử tri “nền tảng” của mình, bảo đảm họ sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà ông ủng hộ. Thái độ này tỏ rõ trong cuộc thương thuyết NAFTA với Canada và Mexico, cho tới vụ đánh thuế nhập cảng xe hơi của hai nước đó và Châu Âu. Nhưng đặc biệt nhất là trong cuộc chiến quan thuế với Trung Cộng.
Trong tuần tới, chính phủ Trump có thể liệt kê những món hàng trị giá tổng cộng $200 tỉ nhập cảng từ nước Tàu. Trước tin này, Cộng Sản Trung Quốc vẫn găng, đe dọa sẽ đánh thuế tương tự trên $60 tỉ hàng hóa nhập từ nước Mỹ. Ăn miếng trả miếng như thế là vô ích. Bởi vì chính phủ Trump không quan tâm.
Đánh thuế trên $200 tỉ hàng hóa không chỉ tấn công trên các nhà buôn Trung Quốc mà còn khiến nhiều nhà kinh doanh và người tiêu thụ ở Mỹ chịu ảnh hưởng. Ngày 6 Tháng Chín là hạn chót cho các công ty và mọi công dân Mỹ trình bày ý kiến về danh sách các món hàng sẽ bị đánh thuế, có thể lên tới 25%. Nhưng các ý kiến chống đối sẽ không lay chuyển được bộ tham mưu của ông Trump.
Trong chính quyền Trump, ông Robert Lighthizer, phụ trách ngoại thương, và ông Peter Navarro, cố vấn Tòa Bạch Ốc, đều thúc đẩy hành động nhanh chóng sau khi cuộc tham khảo ý kiến chấm dứt; còn Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin và Cố Vấn Kinh Tế Larry Kudlow chủ trương làm từ từ. Ông Trump sẽ quyết định khi nào hạ thủ. Với $200 tỉ hàng hóa đợt này, Mỹ có thể giáng búa từng nhát một; giống như $50 tỉ hàng hóa đầu tiên bị đánh thuế đã được tiến hành trong hai đợt, $34 tỉ, rồi $16 tỉ.
Nhưng Bắc Kinh không nên chờ đến khi dân Mỹ bỏ phiếu xong mới xin giảng hòa. Vì kết quả thế nào, lập trường chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi.
Các công ty Mỹ đã đoán trước tình thế cuộc chiến mậu dịch sẽ kéo dài. Công ty sản xuất xe hơi Ford Motor ngày Thứ Sáu đã quyết định chấm dứt dự án định nhập cảng về Mỹ nhãn xe Focus nhỏ mà họ chế tạo ở Trung Quốc. Họ tin rằng đến sang năm chính phủ Trump cũng không đổi ý kiến mà bãi bỏ suất thuế 25% đánh trên xe hơi mang từ Trung Quốc về, dù xe do một công ty Mỹ sản xuất.
Ford mới ngưng sản xuất nhãn Focus trong nước Mỹ, và hai năm trước đã định chế tạo xe này ở Mexico cho rẻ. Nhưng làm xe ở bên Tàu sẽ tiết giảm chi phí $500 triệu một năm so với Mexico. Bây giờ, đem xe Focus kiểu mới được chế tạo ở Tàu về làm ở Mỹ cũng không đáng, vì số xe ước tính sẽ bán, 50.000 chiếc quá nhỏ!
Công ty General Motors đang xin chính phủ “miễn trừ,” tha không đánh thuế những xe Buick Envision SUV họ chế tạo ở bên Tàu được nhập cảng về Mỹ. Nếu lời yêu cầu này không được chấp thuận thì GM sẽ ngưng không bán loại xe này trong thị trường Mỹ nữa.
Các nhà kinh doanh Mỹ rất thực tế, khi biết không thể vận động chính phủ nới tay thì họ chuẩn bị “kế hoạch B” cho tình thế mới. Giới lãnh đạo Bắc Kinh nên theo gương này, đừng hy vọng ông Donald Trump sẽ nới tay. Ngay trong bộ tham mưu và những cộng sự viên trong chính phủ Trump những người chủ trương cứng rắn sẽ còn ngồi đó lâu và khó lòng thuyết phục họ thay đổi ý kiến.
Năm ngoái, khi Tổng Thống Trump sắp đánh thuế 25% trên thép nhập cảng, đã có hơn 20.000 kiến nghị can xin, vì thép mua về để sản xuất các món hàng của họ tăng giá 25% thì họ sẽ phải đóng cửa nhiều nhà máy và giảm bớt số công nhân. Có 6 triệu rưỡi người lao động làm việc trong những doanh nghiệp sử dụng thép nhập cảng. Nhưng chính phủ Trump vẫn tiến tới, đánh thuế 25% trên thép và 10% trên nhôm nhập cảng.
Ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại trong chính phủ, vốn là một luật sư từng làm việc nhiều năm bênh vực các công ty thép. Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross từng làm chủ nhiều công ty thép mà ông mua, bán trong khi đầu tư; ông chỉ rời hội đồng quản trị một công ty thép khi gia nhập chính phủ Trump. Giáo Sư Peter Navarro, cố vấn Tòa Bạch Ốc về mậu dịch là tác giả cuốn sách “Chết vì Trung Quốc” (Death by China), quyển sách được dùng làm một cuốn phim tài liệu mang cùng tên Death by China. Mà tiền sản xuất cuốn phim là của Nucor, một công ty sản xuất thép.
Bắc Kinh không thể chờ đợi tới ngày chính phủ Trump quyết định nhẹ tay trong cuộc chiến mậu dịch. Ông Trump không thèm nghe cả ý kiến của đảng Cộng Hòa!
Tổng Thống Trump đã khoe ông thành công khi chính phủ Mexico chấp nhận một thỏa ước thương mại mới, trong đó Mexico đã nhượng bộ nhiều điều mà ông Trump đòi hỏi. Ông cũng khoe ngoại trưởng Canada đã bỏ ngang một chuyến công du để quay về, bay sang Mỹ nói chuyện tiếp về mậu dịch!
Nhưng nhật báo Wall Street Journal, một tờ báo của giới doanh nghiệp và ngân hàng, luôn luôn ủng hộ đảng Cộng Hòa, đã bày tỏ quan điểm ngược với ông Trump. Họ thấy thỏa ước mới Mexico là một bước lùi với ý định làm vui lòng các công đoàn và đảng Dân Chủ!
Nhiều điều khoản trong NAFTA bảo vệ các công ty Mỹ làm việc ở Mexico đã bị xóa bỏ. Báo Wall Street Journal nghĩ rằng các ông Trump và Lighthizer buộc Mexico phải áp dụng luật lệ lao động giống như ở Mỹ nên sẽ giúp công đoàn AFL-CIO sang Mexico thành lập nghiệp đoàn mở mang thế lực, trong khi “phá bỏ cả dây chuyền tiếp liệu hoàn cầu” (blow up global supply chains).
Tờ báo bảo thủ cũng khuyên hai ông không nên trông chờ các lãnh tụ đảng Dân Chủ sẽ ủng hộ chính sách mậu dịch của ông, dù nó rất giống đường lối cố hữu của đảng Dân Chủ! Nhưng, Wall Street Journal nhắc lại, chưa một hiệp ước thương mại nào ở Mỹ có thể được thông qua nếu không được đảng Cộng Hòa ủng hộ; còn đảng Dân Chủ thì chống tất cả các hiệp ước tự do mậu dịch!
Tình cảnh này cho thấy dù kết quả cuộc bỏ phiếu năm nay ra sao, chính sách cứng rắn về mậu dịch của chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi. Trong hai đảng chính trị ở Mỹ, Cộng Hòa vẫn ủng hộ tự do mậu dịch, giảm bớt hoặc bãi bỏ thuế quan; đảng Dân Chủ thường đi ngược lại. Nếu sau cuộc bầu cử này đảng Dân Chủ đạt được đa số ở Hạ Viện, thì họ còn muốn chính phủ Mỹ cứng rắn hơn nữa.
Tốt nhất là ông Tập Cận Bình nên chuẩn bị xin hòa, và nên đưa lời cầu hòa trước ngày dân Mỹ đi bỏ phiếu. Làm như vậy, sẽ giúp ông Trump có dịp khoe với dân Mỹ rằng chính sách mậu dịch của ông đã kết thúc mỹ mãn.
Trong khi ông Donald Trump không muốn đàm phán với Trung Cộng nữa, ông Tập Cận Bình vẫn có thể làm dịu bớt mâu thuẫn bằng những nhượng bộ cụ thể. Mà điều này thực sự không khó! Vì nhiều điều nước Mỹ đòi hỏi thì chính Trung Cộng cũng đã muốn làm nhưng chưa dám làm mà thôi!
Mỹ muốn Trung Cộng ngưng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước? Điều đó nằm trong chương trình cải tổ cơ cấu của ông Tập Cận Bình! Ông Tập hãy chính thức nhờ ông Trump giúp mình thực hiện mục tiêu đó, từng bước một, sao cho không đảo lộn cả nền kinh tế!
Ông Tập Cận Bình chỉ cần tuyên bố hoặc “tuýt” một câu ca ngợi ông Trump, gọi ông là một lãnh tụ Mỹ vĩ đại, sẽ giúp nước Tàu tiến bộ và nước Tàu không bao giờ có tham vọng qua mặt nước Mỹ! Nghe như vậy chắc là cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ chấm dứt!
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment