Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng công tác chuẩn bị các dự án luật quá chậm, ảnh hưởng việc thẩm tra của các ủy ban
Ngày 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh.
Có hay không lợi ích nhóm?
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ QH thực hiện việc chất vấn theo hình thức đại biểu (ĐB) QH hỏi, bộ trưởng trả lời ngay, thay vì nhiều ĐB lần lượt chất vấn rồi bộ trưởng mới trả lời.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Bình – ông Nguyễn Ngọc Phương – thẳng thắn: “Bộ Tư pháp là cơ quan gác cổng thẩm định các văn bản pháp luật, vậy đề nghị bộ trưởng cho biết có hay không lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong việc đề xuất chính sách?”.
Giải đáp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết với quy trình xây dựng pháp luật và cách thức làm luật như hiện nay thì cơ bản là ổn. Tuy nhiên, có hiện tượng cơ quan chủ trì soạn thảo luật thì ít nhiều cũng có cái nhìn thiên lệch, thiên vị, dành thuận lợi hơn cho ngành mình, bộ mình.
Bộ trưởng Lê Thành Long nói trách nhiệm của Bộ Nội vụ liên quan đến kiểm tra, xử lý văn bản là thông tư và văn bản của địa phương; còn văn bản của Chính phủ thì bộ không có thẩm quyền xem xét xử lý. Trách nhiệm chính là của trưởng ngành cơ quan ban hành thông tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng công tác chuẩn bị các dự án luật quá chậm, ảnh hưởng đến việc thẩm tra của các ủy ban của QH. Thậm chí, có dự án luật chuyển sang vào cuối ngày thứ 6, giao Ủy ban Tư pháp làm trong 2 ngày nghỉ, dẫn đến không bảo đảm tiến độ, chất lượng. Ngoài ra, có những dự án trình rất sơ sài, đánh giá tác động “chay”, chỉ nửa trang, không có số liệu kèm theo.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhìn nhận có trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành trong việc trình luật chậm, không bảo đảm tiến độ, quy trình. QH đã có phần nghị quyết quy định về việc này. Xét về trách nhiệm chính trị thì việc chậm cũng là một yếu tố để QH bỏ phiếu tín nhiệm với các bộ trưởng. Với Chính phủ, quy định cũng tương đối rõ. Trong các phiên họp, Thủ tướng yêu cầu rất rõ việc này.
Trăn trở với đề tài nghiên cứu… bỏ ngăn kéo
Chiều cùng ngày, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề: “Vai trò khoa học rất quan trọng trong nâng cao năng suất chất lượng của tăng trưởng nền kinh tế đất nước, vậy bộ trưởng cho biết giải pháp cơ bản để đạt được mục tiêu này?”.
Trả lời, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng đây là vấn đề trúng, đúng nhưng rất rộng. Vừa rồi, Nghị quyết 24 và Nghị quyết 48 của QH đã thể hiện rõ điều này.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, vừa rồi khảo sát 2.000 doanh nghiệp (DN) cho thấy 35% ứng dụng công nghệ thông tin tăng năng suất 1,7 lần. Toàn bộ khối này dùng KH-CN tăng hơn 2 lần so với trước. Do vậy, cần tập trung mọi điều kiện vào nhóm DN làm nhiệm vụ dẫn dắt công nghệ, tạo điều kiện triển khai các hoạt động nghiên cứu, có thể 200-300 DN “vệ tinh” phụ trợ. Đối với DN nhỏ và vừa thì làm sao nhận được sự chuyển giao nhanh, đối với nhóm DN trực tiếp chuyển giao thì sẽ có những thúc đẩy. Riêng đối với nhóm DN khởi nghiệp thì số lượng DN cũng cần tăng gấp 2 lần để đổi mới sáng tạo.
ĐB Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) đề cập hiện tượng các đề tài, nghiên cứu bỏ ngăn kéo. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định đây là vấn đề trăn trở của bộ. Xét ở khía cạnh trách nhiệm với từng đồng thuế của nhân dân, việc chậm đưa ứng dụng vào cuộc sống cũng là một sự lãng phí.
Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết bộ đã rà soát, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu khoa học, dần thay đổi tỉ lệ chi cho ngành từ chi thường xuyên là 60%, chi nhiệm vụ nghiên cứu là 40% thì đến năm 2016 đã đổi thành 50/50. Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay Chính phủ vẫn bảo đảm khoản chi khoảng 2% dự toán ngân sách cho hoạt động KH-CN và con số này đều đặn tăng qua mỗi năm.
Ra tòa nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản
Tiếp tục chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đi thẳng vào dự luật rất quan trọng là dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mà ủy ban này chịu trách nhiệm thẩm tra cũng bị chậm.
Giải trình, Bộ trưởng Lê Thành Long nhìn nhận đây là dự án rất khó và thời điểm này thì việc có xem xét để trình ra QH kỳ họp tới đây (tháng 5) cũng có những ý kiến khác nhau. Cụ thể, về xử lý tài sản tham nhũng, có ý kiến đề xuất là với tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc thì đánh thuế tới 40%.
“Đây là quan điểm của Chính phủ và với tư cách một thành viên của Chính phủ, tôi tuân thủ việc này. Nhưng quan điểm từ đầu của Bộ Tư pháp đối với luật này là tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải tịch thu hoặc chuyển sang hình sự ngay” – ông Long nhấn mạnh.
Theo Người Lao Động
No comments:
Post a Comment