RFA-2018-03-19
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (phải) và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trong một cuộc họp báo hôm 30/6/2016 tại Hà Nội.AF
Chấm dứt nhiều lần trì hoãn kéo dài, chiều 14/3/2018, Thanh tra Chính phủ đã buộc phải chính thức công bố Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu - AVG (bit.ly/2G4cAeJ, qua đó, những nhân vật trong Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ kế hoạch Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công an, kể cả ông Phạm Nhật Vũ (em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng) - ông chủ của AVG và một số nhân bật bí ẩn khác đã chính thức bắt đầu lộ diện.
Trước đó ít ngày, trong cuộc họp của Ban Bí thư ngày 8/3/2018 để xem xét việc công ty MobiFone mua 95% cổ phần của AGV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đánh giá rằng “đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” và đồng thời đã có công văn số 6106-CV/VPTW ngày 8/3/2018 về việc chỉ đạo việc xử lý vụ “Mobifone mua 95% AVG”. Theo đó Tổng Bí thư đã chỉ đạo các cơ quan liên quan “khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát”.
Được biết vào lúc mua bán đó (năm 2015) giá trị thực của AVG chỉ vào khoảng 1.983 tỉ đồng, nhưng Mobifone đã "hào phóng" mua đắt với giá 8.889,815 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước có thể lên tới 7.006 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch nói trên đã được chia chác cho những cá nhân liên quan có phần tiếp tay. Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, trong thương vụ mua AVG của MobiFone, có 6 cá nhân nhận tới 8.051 tỷ đồng trong tổng giá trị 8.889,98 tỷ đồng. Cũng theo nguồn tin này, các cá nhân trên đã kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân tổng cộng hơn 8 tỷ đồng. (bit.ly/2u0bbRC).
Tin từ nội bộ Bộ TT & TT cũng như Mobifone cho biết, trước đó Mobifone chắc chắn không có ý định từ đầu để mua AVG, vì lúc đó Công ty VTC cũng là đối tượng đang gặp vấn đề thua lỗ cần “đẩy đi” càng nhanh càng tốt. Song kể từ khi được lãnh đạo Bộ TT & TT gợi ý và giới thiệu, thì lãnh đạo Mobifone đột nhiên hăm hở triển khai triển khai việc mua AVG. Có tin cho rằng có những lúc ông Cao Xuân Hải - Tổng giám đốc Tổng công ty viễn thông MobiFone còn cao hứng trình Hội đồng thành viên để mua AVG với mức giá lên đến hơn 14.000 tỷ đồng.
Về trách nhiệm của Bộ TT & TT, bản Kết luận của Thanh tra Chính phủ vụ Mobifone mua AVG đã xác định, Bộ TT & TT mà ông Trương Minh Tuấn lúc đó nắm vai trò Thứ trưởng đã mắc bốn sai phạm: Làm trái và thiếu trách nhiệm trong đề xuất dự án, lựa chọn thẩm định giá, lập trình dự án và vi phạm thỏa thuận ký kết, thanh toán mua cổ phần. Theo đó, "...khi tiến hành thẩm định, lập và phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ TT-TT không chỉ gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG". Thậm chí, khi đó Bộ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Bắc Son còn phê bút trong công văn để cho Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án thay cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghĩa là ông Trương Minh Tuấn là người phải chịu trách nhiệm (một phần lớn) về những sai phạm thuộc phạm vi của Bộ TT & TT, trong thương vụ Mobifone mua AVG để bòn rút tài sản nhà nước lên đến 7.006 tỷ VND.
Ba sai phạm đáng kể chứng minh cho sự cố ý làm trái một cách chủ ý của Bộ TT & TT mà trách nhiệm thuộc về ông Trương Minh Tuấn là:
1. Trước hết Bộ TT & TT Dự án đầu tư của Mobifone vào lĩnh vực truyền hình (mua 95% cổ phần của AVG) “đảm bảo hiệu quả kinh tế”, để sau đó đã dễ dàng chấp nhận báo cáo "ma” của AVG, theo đó AVG đã "dự tính bán cho một số nhà đầu tư ngoại quốc với giá vống 700 triệu Mỹ kim, rồi từ đó không hề thẩm tra về mức độ chính xác của báo cáo "ma" này mà đã tạo điều kiện cho Mobifone mua đắt hàng chục lần giá trị thực có của AVG tại thời điểm mua bán.
2. Vì muốn bưng bít thông tin cũng như muốn dập tắt các ý kiến phản biện của thương vụ đầy khuất tất này, Bộ TT và TT đã đề nghị Bộ Công an cho ý kiến về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Dẫu rằng họ thừa biết rằng vấn đề này là nằm ngoài phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Công an nhưng họ vẫn cứ tiến hành, để sau đó 2 Bộ Công An và Bộ TT & TT đã lập tức xếp thương vụ này vào loại “Mật”. Trầm trọng hơn, thậm chí có thông tin, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn lúc đó đã làm việc với tổ thẩm định giá mua bán AVG mà không có đại diện của Mbifone, cũng như không thông báo cho Mobifone biết.
3. Trong khi, giá trị mà Thanh tra Chính phủ đưa ra là 1900 tỷ chưa tính lỗ lũy kế đến 2017 cỡ 1 ngàn tỷ và thua lỗ tại 2 dự án mà Phạm Nhật Vũ đã mua với giá rất cao nhằm mục đích rút ruột AVG trước khi bán. Đó là các dự án Công ty Giống tằm Mai Lĩnh, mua với giá cao gấp 17 lần mệnh giá cổ phần; dự án Công ty An Viên B.P – khai thác bauxite giá nhận chuyển nhượng cao gấp 12 lần mệnh giá cổ phần. Vậy thế mà những người có trách nhiệm của Bộ TT & TT hoàn toàn "không" hay biết. (!?)
Điều đó đã cho thấy, không chỉ sinh mạng chính trị của ông Trương Minh Tuấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông – Phó Ban Tuyên giáo TW, một nhân vật được mệnh danh là “cảnh sát tư tưởng”, kẻ vốn đang nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với truyền thông nhà nước có thể ví như trứng treo đầu đẳng. Mà cả sinh mạng theo nghĩa đen của ông Tuấn cũng khó thoát một bản án tử hình
Từ sau Đại hội Đảng XII, nhất là kể từ khi Bộ trưởng Bộ TT & TT Trương Minh Tuấn kiêm chức Phó Ban Tuyên giáo TW, ông Tuấn đã tỏ ra cứng rắn quá mức cần thiết với báo chí nhà nước, với hàng loạt việc từ yêu cầu gỡ bài đến rút thẻ nhà báo, thậm chí có không ít vụ đình bản cả tờ báo. Đó chính là lý do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dù rằng chỉ là Phó Ban Tuyên giáo song hoàn toàn lân át vai trò của Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng. Tới mức người ta cho rằng, Trương Minh Tuấn có một tương lai không xa và sẽ trở thành Ủy viên Bộ Chính trị để nắm giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo TW.
Theo nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà - Cô Gái Đồ Long cho biết, ĐBQH Lê Thanh Vân một người trước đó đã từng nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Bộ TT & TT về vụ Mobifone mua AVG, vừa qua tại nghị trường phát biểu đánh động rằng: “Kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ về thương vụ MobiFone mua AVG là hồi chuông cảnh báo cho những ai tự thấy mình không đảm nhiệm được chức vụ thì nên rời bỏ chức vụ, nhường chỗ cho người tài đức hơn.”
Không phải ngẫu nhiên mà ĐBQH Lê Thanh Vân dám nói điều đó, mà chắc chắn phải có kẻ xúi. Còn ai xúi thì chúng ta hãy tự nghĩ ra, chỉ gợi ý rằng trong những ngày qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi công du nước ngoài. Và vì sao trong lúc Thủ tướng Phúc ra ngoại quốc thì người ta công bố bản Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Trên nguyên tắc, những thông tin quan trọng như văn bản Kết luận của Thanh tra Chính phủ đó phải được đích thân Thủ tướng chính phủ phê duyệt, hoặc phải là Phó TT phê duyệt đồng thời có ý kiến chỉ đạo thì mới được công bố. Vậy ai đã cho phép Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng bằng lệnh miệng đã yêu cầu các cơ quan báo chí công bố sớm và rộng rãi để tranh thủ dư luận. Và ngay sau đó cũng chính ông Võ Văn Thưởng đã yêu cầu các cơ quan báo chí phải lập tức gỡ bỏ thông tin "Bộ Thông tin truyền – Thông tin phản bác Thanh tra Chính phủ" về văn bản phản bác Kết luận của Thanh tra Chính phủ của Bộ TT & TT (bit.ly/2G02vj5) do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký.
Nhìn lại những thất thoát trong tài sản nhà nước trong vụ án Đinh La Thăng và đồng bọn tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nếu so với việc cố ý làm trái trong vụ án Mobifone mua AVG đã gây thất thoát đến hơn 7.000 tỷ của nhóm tội phạm này thì có thể thấy một con muỗi đặt cạnh một con Voi. Nghiêm trọng hơn, người giữ vai trò đầu vụ tham nhũng như đánh giá của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” lại là Phó Ban Tuyên giáo TW - Bộ trưởng Bộ TT & TT Trương Minh Tuấn. Chắc chắn Tổng Bí thư Trọng muốn bỏ qua cũng không được.
Một nhà báo rất thạo tin nội chính đề nghị dấu danh tính có nhận định rằng, "Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, và AVG... hiện đang ra sức chạy tội. Với số tiền khủng sau những phi vụ như thế này, họ thừa tiền để thuê luật sư hay đội ngũ dư luận viên, định hướng viên,... cũng như nhiều cách khác để chạy tội. Nhưng có lẽ Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son,... và đội quân chạy tội đang dày công vô ích. Chuyện họ sẽ mặc áo Juvetus, ăn cơm tù, ra vành móng ngựa là điều gần như không thay đổi được."
Đây cũng có thể được coi rằng là một bằng chứng nói một đằng, làm một nẻo của Ban Tuyên giáo Đảng CSVN nói chung và cá nhân ông Trương Minh Tuấn nói riêng. Và một lần nữa khẳng định, "đừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm".
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment