Hiện nay, nhà trường dạy rất nhiều kiến thức văn hóa cho học sinh. Các em phải học ngày, học đêm, nhưng những kỹ năng tối thiểu để bảo vệ mình, quý trọng mạng sống của mình thì lại rất thiếu.
TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục -IRED) cho rằng, điều này thể hiện mục tiêu giáo dục đã không đạt, nếu không muốn nói là thất bại.
Nữ sinh Nghệ An tự tử vì bị đăng clip hôn bạn trai trong lớp lên mạng, nữ sinh lớp 9 nhảy cầu tự tử khi bị gia đình mắng vì cắt tóc ngắn, nam sinh viên nhảy lầu trong khuôn viên Đại học Kiến trúc, nữ sinh viên nhảy lầu tự tử trong ký túc xá… Chỉ trong vòng một tuần, liên tiếp những vụ việc đau lòng đã xảy ra, các bạn trẻ có lựa chọn tiêu cực, khi phải đương đầu với những vấp váp đầu đời.
Theo TS Nguyễn Khánh Trung (tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành xã hội học giáo dục tại ĐH Toulouse 2 của Pháp), những cái chết của học sinh là lời cảnh tỉnh cho người ở lại, trong việc giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ, để các em biết trân trọng chính mạng sống của mình.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ có suy nghĩ và lựa chọn hành động tiêu cực, trong đó có nguyên nhân từ phía trường học, giáo dục gia đình và những bất ổn tâm sinh lý lứa tuổi. Ở các nước phát triển không có nguyên nhân từ phía trường học, còn ở Việt Nam, có không ít trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học hành, về thành tích điểm số. Văn hóa thành tích đã tồn tại từ rất lâu, ăn sâu vào mỗi người giáo viên, người làm giáo dục và tác động cả vào phụ huynh, khiến học sinh phải chịu quá nhiều áp lực từ nhiều phía”- TS Trung chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia giáo dục này, bản chất của con người là khác biệt nhau, mỗi em học sinh có một khuynh hướng riêng, cách học riêng, giáo viên, phụ huynh phải hiểu sự khác biệt đó. Chỉ tiếc là, tư duy giáo dục theo kiểu áp đặt đã tồn tại rất lâu trong mỗi người Việt. Áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất ý thức của mình, trở thành một người khác. Các em sống cho cha mẹ, như cha mẹ mong muốn, thầy cô mong muốn, dẫn đến việc không có chính kiến, không biết đương đầu ra sao khi gặp phải những sóng gió đầu đời.
“Tại nhiều nước phát triển, mục đích giáo dục của họ rất rõ ràng, là giáo dục học sinh thành những người tự chủ, có khả năng bước đi trên đôi chân của mình, chứ không phải sống cuộc đời của người khác. Ngay từ cấp mẫu giáo, học sinh đã được trang bị kỹ năng sống, giáo dục về giới tính để biết cách bảo vệ mình, tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình.
Còn chúng ta, chương trình giáo dục còn quá nặng về kiến thức văn hóa, bắt học sinh học ngày học đêm, mà không chú trọng dạy trẻ các kỹ năng cần thiết để tồn tại. Việc giáo dục một đứa trẻ đến tuổi 18 mà vẫn có tư tưởng dựa dẫm vào người này, người khác, theo tôi là một sự giáo dục không đạt, nếu không muốn nói là thất bại trong mục tiêu giáo dục” – TS Nguyễn Khánh Trung khẳng định.
Theo Lao Động
No comments:
Post a Comment