Diễm Thi, RFA 2018-02-20
Một quán nhậu ở Hà Nội chụp hôm 16/9/2016. AFP
Ngày Tết với truyền thống của người Việt là dịp để mọi người gặp nhau sum họp, vui vẻ, nâng chén chúc nhau năm mới. Thế nhưng thống kê những năm gần đây ở Việt Nam cho thấy con số người phải nhập viện vì đánh nhau vào dịp tết rất cao. Nguyên nhân vì sao?
Đạo đức xã hội xuống cấp
Một báo cáo của Bộ Y tế công bố sau 6 ngày tết tính từ ngày 30 đến 5 tết cho thấy cả nước có đến hơn 4,000 người phải nhập viện vì những vụ đánh nhau. Nguyên nhân của những vụ đánh nhau cũng rất đa dạng, nhưng theo một số chuyên gia, tất cả đều có chung một vấn đề. Đó là vấn đề đạo đức xã hội.
Một trong những nguyên nhân mà người ta thường thấy trong các vụ đánh nhau ngày Tết là do rượu vào lời ra, khích bác nhau rồi không kiềm chế được bản thân dẫn đến đánh nhau. Thường tết là dịp mọi người uống rượu nhiều bên bàn tiệc. Bên cạnh đó còn những chuyện không liên quan đến bia rượu nhưng cũng dẫn đến đánh nhau như va quẹt xe cộ, nói móc nhau, hơn thua nhau những chuyện vặt vãnh. Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định tất cả là do vấn đề đạo đức xuống cấp:
Tình trạng đó nói lên đạo đức xã hội xuống cấp nặng nề, người ta giải quyết với nhau những mâu thuẫn bằng vũ lực.
- Nhà báo Võ Văn Tạo
“Tình trạng đó nói lên đạo đức xã hội xuống cấp nặng nề, người ta giải quyết với nhau những mâu thuẫn bằng vũ lực. Những diễn biến thực tiễn cuộc sống hàng ngày, từ cán bộ cấp cao đến cấp dưới, là những cái gương người dân nhìn vào có những hành vi đè nén áp bức người dân dẫn đến tâm lý bức xúc gây ra hiện tượng hay cáu bẳn, chửi thề, gây gổ làm cho người dân hung dữ hơn, ít lịch sự, chỉ cần mâu thuẫn chút xíu là đánh nhau, đâm chém nhau, phang nhau chí tử.”
Quan niệm của người Việt là ba ngày Tết phải vui vẻ, chín bỏ làm mười, dĩ hòa vi quý để cả năm được thuận hòa, may mắn. Đây là những giá trị truyền thống trong gia đình luôn được nâng niu, gìn giữ từ đời này qua đời khác. Ngày Tết mà gặp chuyện cự cãi, đánh nhau thì bị coi là xui xẻo.
Chúng tôi liên lạc với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu phát triển xã hội để xem nhận định của bà về chuyện đánh nhau dịp Tết ngày càng nhiều thì bà chỉ nói ngắn gọn là chưa có nghiên cứu mới nào về chuyện này, nên chúng tôi xin trích đăng ý kiến của bà trên báo VnExpress ngày 28/5/2015 về vấn đề này:
"Việc đánh nhau, cư xử mang nặng yếu tố bạo lực, bỏ qua cách ứng xử nhường nhịn, hòa nhã của người Việt Nam cũng phản ánh đạo đức xã hội đang có vấn đề. Con số trên cho thấy có một bộ phận người Việt ứng xử kém, không có kỹ năng xử lý tình huống, nhất là thanh thiếu niên. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ nhưng người ta cũng đẩy lên đến xung đột dẫn đến bạo lực".
Tình trạng coi thường luật pháp
Cũng có ý kiến cho rằng thanh niên ngày nay sống thực dụng, những mối quan hệ xã hội, đạo đức lễ nghĩa ngày càng lỏng lẻo. Người ta hơn thua nhau chỉ vì những giá trị vật chất bề ngoài nên vì sĩ diện mà họ dễ dàng ẩu đả nhau hơn, hay nói đúng hơn là vì cái nghèo mà ra. Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết quan điểm của mình:
“Tôi nghĩ cái nghèo thì không hẳn. Nói một cách công tâm thì Việt Nam tụt hậu so với khu vực và thế giới, nhưng xét về mức sống theo con số tuyệt đối thì những năm thập niên 70, 80 hoặc 60 thì rõ ràng mức sống không bằng bây giờ được, nhưng cách đây vài thập kỷ thì đâu có hiện tượng đánh lộn nhiều như thế này.”
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy con số người nhập viện vì đánh nhau nhân dịp Tết năm nay chưa phải là cao nhất, có năm, con số này lên đến 6,000 người.
Ngay cả hệ thống quản lý nhà nước bảo vệ pháp luật mà còn dùng hành vi vũ lực thô bạo như thế thì làm cho tính hung dữ của xã hội tăng lên.
- Nhà báo Võ Văn Tạo
Báo Công an Nhân dân ngày 3/5/2017 có thông kê cho thấy trong 10 năm từ năm 2006 đến 2016, Bộ này đã khởi tố, điều tra 79.000 vụ với 99.000 đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực. Trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 1.400 vụ giết người, 6.500 vụ cố ý gây thương tích.
Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng thực trạng không tôn trọng pháp luật của những người thực thi pháp luật, mà cụ thể là công an trong những vụ việc đánh người, cũng góp phần làm tăng tính bạo lực trong xã hội:
“Trước mắt người dân bình thường nhìn vào ông công an thôn, công an xã ăn tục nói phét, chửi thề bắt nạt người dân, đánh đấm người dân. Rồi cảnh sát giao thông cũng thế, người dân vi phạm về chuyện không đội mũ (bảo hiểm) thì thẳng tay phang dùi cui rồi còn đánh chết người ta nữa. Ngay cả hệ thống quản lý nhà nước bảo vệ pháp luật mà còn dùng hành vi vũ lực thô bạo như thế thì làm cho tính hung dữ của xã hội tăng lên.”
Hồi năm 2015, báo cáo của Bộ Công an cho biết từ năm 2011 đến năm 2014, đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà giam giữ, trại giam trên toàn quốc. Thường Bộ Công an lý giải là do bệnh lý nhưng dư luận và gia đình các nạn nhân hầu hết đều cho rằng công an đã dùng nhục hình tra tấn.
No comments:
Post a Comment