RFA-2018-12-18
Thượng Nghị sĩ Cory Gardner-Courtesy Instagram sencorygardner
Luật An ninh mạng của Việt Nam sẽ đi vào hiệu lực vào ngày 1/1/2019 sắp tới. Đây là bộ luật gây nhiều tranh cãi và chỉ trích từ quốc tế liên quan đến các điều khoản quy định về nội địa hóa dữ liệu đối với các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Nhân dịp này, Đài ACTD phỏng vấn Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Cory Gardner, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại phụ trách Đông Á Thái Bình Dương và Chính sách An ninh Mạng Quốc tế, Thượng Viện Mỹ. Trước hết, nhận định về luật An ninh mạng của Việt Nam, TNS Gardner nói:
TNS. Cory Gardner: tôi có nhiều hy vọng vào con đường phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Đây là điều chúng tôi thấy trong các cơ hội về kinh tế và an ninh trong khu vực. Nhưng luật mà họ mới thông qua là một luật rất đáng báo động. Tôi đã đến Việt Nam khi Quốc hội Việt Nam đang thảo luận về luật này. Trong cuộc gặp của tôi với các giới chức quốc hội và chính phủ Việt Nam, tôi đã bày tỏ mối lo ngại về yêu cầu nội địa hóa dữ liệu trong luật, bày tỏ mối lo ngại nhìn từ khía cạnh của các nhà đầu tư kinh doanh, và các nhà hoạt động nhân quyền. Và tôi vẫn theo dõi chặt chẽ những lo ngại về luật này kể từ đó.
RFA: Theo ông thì các công ty như Facebook và Google có nên thiết lập văn phòng đại diện và đặt máy chủ ở Việt Nam theo như quy định ở trong luật?
TNS. Cory Gardner: Sẽ rất là đáng ngại nếu Google hay bất cứ công ty nào tuân theo nỗ lực nhằm nội địa hóa dữ liệu mà có thể dùng để chống lại xã hội dân sự, các nhà hoạt động dân sự, và có thể bị chính phủ sử dụng để vi phạm các quyền riêng tư của người dân. Đây là điều rất đáng lo ngại và tôi nghĩ là bất cứ ai phải chịu quy định nội địa hóa dữ liệu này phải suy nghĩ rất kỹ trước khi họ đầu tư.
Sẽ rất là đáng ngại nếu Google hay bất cứ công ty nào tuân theo nỗ lực nhằm nội địa hóa dữ liệu mà có thể dùng để chống lại xã hội dân sự, các nhà hoạt động dân sự, và có thể bị chính phủ sử dụng để vi phạm các quyền riêng tư của người dân. - TNS Cory Gardner
RFA: Đại diện của Facebook trong một lần điều trần ở Thượng viện trong năm nay có nói là Facebook không có máy chủ ở Việt Nam và sẽ không bao giờ trao các dữ liệu của người dùng Việt Nam cho chính phủ bao gồm cả các thông tin về chính trị. Quốc Hội Mỹ có thể làm được gì để đảm bảo các công ty như Facebook hay Google giữ lời hứa của mình, chịu trách nhiệm về những gì họ thực hiện?
TNS. Cory Gardner: Có hai điều mà tôi muốn nói. Trước hết là Thượng viện chuẩn bị thông qua một dự luật gọi là Asia Reassurance Initiative (Sáng Kiến Đảm bảo châu Á), tập trung nguồn lực vào các vấn đề về an ninh mạng, để chúng tôi có thể giúp cho khu vực như Việt Nam và các nước khác về vấn đề mạng, và có thể là thúc đẩy các chính sách mạng tốt hơn, tránh khỏi những quy định như nội địa hóa dữ liệu. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi họ chặt chẽ, đảm bảo facebook và google phải chịu trách nhiệm những gì họ làm, chúng tôi bày tỏ những lo ngại của Quốc hội khi nói về các nỗ lực nội địa hóa dữ liệu này. Hè năm ngoái tôi đã thành công trong việc bổ sung vào một dự luật ở Ủy ban đối ngoại Thượng Viện lên án Việt Nam về nỗ lực nội địa hóa dữ liệu. Dự luật này đã được thông qua ở Hạ Viện, bắt đầu từ Dân biểu Ed Royce, nó vẫn còn ở Thượng Viện. Đây là một tuyên bố mạnh mẽ về đòi hỏi nội địa hóa dữ liệu của Việt Nam.
RFA: Nhiều nhà hoạt động ở Việt Nam cho rằng chính phủ Việt Nam đã lợi dụng cơ chế báo cáo của Facebook và Google để giúp chính phủ tháo bỏ nhữn tài khoản nội dung được cho là có tính chỉ trích chính quyền trong thời gian qua. Theo ông thì Quốc hội Mỹ có thể làm gì để đề cập đến vấn đề này với các công ty Mỹ?
TNS. Cory Gardner: Nếu các bạn nhìn vào Google làm ví dụ thì vài tháng trước, đã có bài báo cho biết Google đang phát triển một kiểu tìm kiếm search engine theo kiểm duyệt của Trung Quốc, nhưng gần đây thì chúng tôi đã thấy có những bài báo cho biết là Google dường như đang tránh làm điều này, tức là họ không còn cố gắng theo đuổi việc làm một search engine cho phép việc kiểm duyệt của chính phủ lắp đặt trong đó. Điều này xảy ra là vì có một nhóm chúng tôi đã gửi thư cho Google bày tỏ những lo ngại là họ đang theo nỗ lực kiểm duyệt của Trung Quốc để chống lại nhân quyền và xã hội dân sự. Đó là những nỗ lực mà chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện với Google và các công ty khác để đảm bảo là họ giữ lời hứa. Nhưng điều quan trọng mà tôi muốn nói là tôi có hy vọng lớn ở Việt Nam là một đối tác quan trọng. Tôi tôn trọng người Việt Nam và tôi biết là họ không muốn luật này được thực hiện. Tôi hy vọng là những thảo luận giữa Mỹ và Việt Nam có sẽ giúp giải quyết vấn đề. Ngoài Mỹ thì còn những đối tác khác nữa như Châu Âu chẳng hạn. Họ có thể quan ngại là luật mới vi phạm những điều khoản trong các thỏa thuận thương mại. Tôi hy vọng là chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận nào đó không chỉ với Việt Nam mà với các công ty công nghệ liên quan đến việc đối phó với luật này thế nào. Vì điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới. Và chúng tôi cần một sự tiếp cận thống nhất chống lại những nỗ lực của luật này.
RFA: Ông nói đến các thỏa thuận thương mại, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi TPP và nhiều người nói rằng điều này khiến Hòa Kỳ mất đi đòn bẩy để đàm phán với Việt Nam. Theo ông hiện Hoa Kỳ có gì để có thể đảm phán với Việt Nam gây sức ép về vấn đề này?
TNS. Cory Gardner: Điều này cũng quan trọng, dù Mỹ có tham gia TPP hay không, hay tham gia lại vào TPP hay không. Nếu chúng tôi là một thành viên của hiệp định này thì chúng tôi sẽ có đòn bẩy để đàm phán với Việt Nam liên quan đến chính sách nội địa hóa dữ liệu. Dự luật mà chúng tôi dự định sẽ thông qua ở Thượng Viện hôm nay là dự luật Asia Reassurance Initiative Act sẽ cung cấp thêm những nguồn lực, tiền của, và khuyến khích các thỏa thuận giữa Mỹ với Việt Nam và những nước khác trong khu vực Châu Á, dù đó là thỏa thuận về mạng hay thương mại, những thỏa thuận đó cho cơ hội và đòn bẩy trong đàm phán để tránh những tình huống đã nói (như trong luật an ninh mạng).
Tôi lo ngại việc họ dùng quy định nội địa hóa dữ liệu để đàn áp những người hoạt động nhân quyền. Họ có thể dùng nó để bỏ tù, để bóp nghẹt quyền bày tỏ ý kiến. - TNS Cory Gardner
RFA: liên quan đến tình hình nhân quyền Việt Nam, báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế lên án chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền, các nhà bất đồng chính kiến và blogger trong những năm trở lại đây. Việt Nam cũng thường xuyên dùng cách trao đổi tù nhân với các đối tác Mỹ và Châu Âu để đạt được các thỏa thuận nào đó mà ví dụ gần đây nhất là việc blogger Mẹ Nấm phải sang Mỹ. Có ý kiến cho rằng cách làm này của Việt Nam với các đối tác không giúp gì được cho tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vậy Mỹ có cách nào khác để làm việc với Việt Nam về vấn đề này, đảm bảo nhân quyền không xuống dốc?
TNS. Cory Gardner: Khi tôi có dịp thăm Hà Nội vào mùa xuân vừa qua, tôi có dịp được gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Chúng tôi đã nói chuyện về những lo ngại là liệu chính phủ Việt Nam có đang thụt lùi trong vấn đề đối xử với người dân của mình, với các tổ chức phi chính phủ NGO và xã hội dân sự. Có những lo ngại về vấn đề này. Đây là đất nước của cả trăm triệu dân với nền kinh tế đang phát triển và có những lo ngại về sự lấn lướt của Trung Quốc. Chúng tôi thấy là chính phủ đang phải chịu nhiều sức ép liên quan đến vai trò của Việt Nam trong một xã hội mở rộng hơn. Cho nên Mỹ, Châu Âu và các đối tác ở Đông Nam Á cần phải làm việc với Việt Nam theo cách để Việt Nam vẫn phát triển nhưng vẫn cho phép sự phát triển của xã hội dân sự, không gây hại cho sự ổn định, đảm bảo các quyền con người được cải thiện. Nhưng tôi lo ngại việc họ dùng quy định nội địa hóa dữ liệu để đàn áp những người hoạt động nhân quyền. Họ có thể dùng nó để bỏ tù, để bóp nghẹt quyền bày tỏ ý kiến. Và đó là điều tôi lo ngại. Hoa Kỳ không thể tránh nói điều này. Chúng tôi cần phải tiếp tục bày tỏ lo ngại và tích cực tham gia với họ theo tính xây dựng với hy vọng chấm dứt sự thụt lùi của tình trạng nhân quyền.
RFA: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
No comments:
Post a Comment