QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Các báo Việt Nam hôm 23 Tháng Mười Hai đồng loạt đưa tin về phi trường Vân Đồn – phi trường tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, sắp mở cửa từ ngày 30 Tháng Mười Hai.
Công trình có diện tích 325 héc ta, được ghi nhận đầu tư theo hình thức BOT với số vốn gần 7,700 tỉ đồng ($329.6 triệu) do Tập Đoàn Sun Group đầu tư, dự trù sẽ có chín tuyến bay với khả năng đón tiếp khoảng 7,000 lượt hành khách mỗi ngày. Giá vé tuyến Sài Gòn–Quảng Ninh được thông báo khoảng 800,000 đồng ($34.2).
Báo Zing mô tả: “Nhìn tổng quan bên ngoài, hành khách có thể khó phát hiện sự nổi bật nhưng nếu tiến vào bên trong sẽ thấy nhà ga có được thiết kế nội thất khá ấn tượng. Tại đây, vật liệu xây dựng được nhập từ nhiều nước Châu Âu, Mỹ… hiện đại, tạo cảm giác như đang ở phi trường của một quốc gia phát triển.”
Tờ báo viết thêm: “Sau khi dự án này đi vào hoạt động, phi trường sẽ tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một lực lượng lớn lao động địa phương, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Dự án cũng sẽ mở ra những cơ hội giao thương, phát triển để kinh tế, du lịch Vân Đồn ‘cất cánh’ và góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.”
Tuy truyền thông Việt Nam chỉ đề cập phi trường Vân Đồn mở ra cơ hội cơ hội giao thương, phát triển kinh tế, nhưng giới quan sát nhìn nhận công trình bề thế này được xây dựng gấp rút chủ yếu nhằm đón đầu việc Luật Đặc Khu sẽ được Quốc Hội CSVN thông qua trong năm 2019. Vì nếu Luật Đặc Khu chưa được thi hành trong những tháng tới, nhiều khả năng phi trường Vân Đồn sẽ sớm rơi vào tình cảnh ế ẩm hành khách tương tự các phi trường địa phương khác ở Việt Nam.
Hồi Tháng Bảy, 2018, báo Đất Việt dẫn lời ông Phan Tương, cựu giám đốc Phi trường Tân Sơn Nhất: “Việt Nam đang mắc phải hội chứng ‘lạm phát sân bay, cảng biển,’ ở đâu cũng có, cũng xin làm. Cứ địa phương nào gần biển là xin làm cảng, và ở đâu thừa đất là xin làm dự án, làm sân bay. Đất đai, dự án đã trở thành miếng mồi ngon, béo bở đối với nhiều nhà đầu tư. Xây dựng cảng biển, sân bay bây giờ thành phong trào rồi, đua nhau xin, đua nhau làm mà không cần quan tâm xem có khách không, có hiệu quả không.”
Hồi Tháng Sáu, 2018, thời điểm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đặt câu hỏi trên trang cá nhân: “Sun Group đóng vai trò gì? Tiền ở đâu ra? Ai đứng đằng sau trong công cuộc gấp rút biến Vân Đồn thành đặc khu kinh tế trước cả khi Luật Đặc Khu được Quốc Hội thông qua?”
Đáng lưu ý, bên cạnh Phi trường Vân Đồn, người ta thấy Sun Group là nhà đầu tư duy nhất được Quảng Ninh chọn làm dự án casino tại Vân Đồn nhưng tiến độ của dự án tỷ đô la này tới đâu đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.
Ngoài Sun Group, Vân Đồn–cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ chỉ cách Hải Nam của Trung Quốc 200 hải lý, đang là “cứ địa” của hai tập đoàn bất động sản khác–FLC và CEO Group. FLC dự trù triển khai dự án Khu Du Lịch Sinh Thái Ngọc Vừng –Ngọc Cảnh với vốn đầu tư tuyên bố đến 46,000 tỉ đồng ($1.96 tỉ) trong lúc CEO Group hứa hẹn làm dự án du lịch nghỉ dưỡng Dragon Bay với vốn đầu tư 4,950 tỉ đồng ($211.8 triệu). (T.K.)
No comments:
Post a Comment