1- Đánh vào đầu chứ không phải chỉ bịt miệng.
Nhớ lại lời mình đã phát biểu dịp tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 17-06-2018, 5 ngày sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội bù nhìn thông qua và bị công luận trong lẫn ngoài nước phản đối: “Thời kỳ 4.0, công nghệ phát triển có nhiều lợi ích nhưng mặt khác quản lý rất khó. Có những thành phần sử dụng Internet kích động biểu tình, gây rối, lật đổ chính quyền. Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi”, Nguyễn Phú Trọng nay với quyền lực khôn lường, đang đốc thúc Bộ Công an xây dựng Dự thảo hướng dẫn thi hành luật đó. Những nội dung chi tiết trong hơn 40 trang giấy Dự thảo này thể hiện một quan điểm hết sức độc tài. Trước hết, nó lấn sân rất nhiều đối với các cơ quan thi hành luật. Gần như mọi hành vi của công an và an ninh sẽ vượt mặt viện kiểm sát và tòa án. Thứ đến, tất cả những gì mà mọi công dân mạng nói, viết, cảm nghĩ, tất cả những thông tin cá nhân, thuộc quyền riêng tư đều sẽ bị xâm phạm cách nghiêm trọng. Ai nói những lời lẽ xây dựng nhưng không hợp ý đảng, ai tung những câu chửi đúng đắn nhưng làm xấu đảng, thì sẽ phải im lặng vĩnh viễn vì những gì mình phát biểu trên internet sẽ đưa mình vào nhà tù. Nhiều trường hợp mới xảy ra đã dự báo cách thê thảm điều ấy. Như vào sáng 12-10, tòa án tỉnh Bắc Ninh đã tuyên 5 năm tù giam với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo điều 331 Bộ luật HS đối với nhà báo độc lập Đỗ Công Đương là người từng dùng Facebook để tố cáo những sai phạm đất đai ở quê nhà mình. Vào tháng 9 vừa qua, tại thành phố Cần Thơ, đã có 4 facebooker bị tuyên án từ 2 năm 6 tháng đến 1 năm tù là Bùi Mạnh Đồng, Đoàn Khánh Vinh Quang, Nguyễn Hồng Nguyên và Trương Đình Khang, cũng vì tội như Đỗ Công Dương. Đó là chưa kể trong thời gian gần đây, rất nhiều blogger và facebooker tranh đấu đã thấy trang nhà của mình bị chiếm đoạt hay xóa bỏ. Khi Luật An ninh mạng cùng những Nghị định tăng cường sức mạnh cho nó có hiệu lực đầu năm tới, quần chúng sẽ hoàn toàn bị bịt miệng.
Bên cạnh đó, với Dự luật Bảo vệ Bí mật nhà nước đang được Quốc hội gia nô thảo luận, người dân sẽ phải bị che giấu nhiều việc liên quan đến lãnh đạo chính trị. Chẳng hạn Chương II: “Phạm vi, phân loại, danh mục bí mật nhà nước”, Điều 10 quy định “Phạm vi bí mật nhà nước” chính là: “a) Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng; công tác dân tộc, tôn giáo; b) Thông tin về hoạt động của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; c) Thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; d) Thông tin về tình hình tư tưởng, đời sống các tầng lớp nhân dân có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội”. Rõ ràng Nguyễn Phú Trọng muốn thanh toán một lần thay cho tất cả cái nguyên tắc ra rả lâu nay: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”!
Không dừng lại ở đó, Trọng còn quyết đánh vào đầu của Dân tộc, nghĩa là giới trí thức. Hôm 25-10-2018, chỉ hai ngày sau khi tuyên thệ kiêm chức Chủ tịch nước, ông ta đã ra lệnh cho Ban kiểm tra Trung ương Đảng thông báo kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường, đồng thời là Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức, vì “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa”, do chỗ vị giáo sư này đã phát hành những cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Thật ra còn nhiều lý cớ sâu xa hơn, sản sinh từ tâm địa ưa trả thù của một kẻ độc tài mới leo lên tột đỉnh quyền lực. Người ta còn nhớ vào tháng 8-2016, Giáo sư Chu Hảo có lên tiếng “Đã đến lúc cần phải đối thoại” sau vụ Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái và Trưởng ban tổ chức cán bộ tỉnh này cùng bị bắn chết một ngày bởi Chi cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh. Lúc ấy ông viết: "Tiếng súng ở Yên Bái không phải chỉ phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn chứng tỏ mức độ bất ổn chính trị–xã hội ở nước ta đã đến hồi nguy hiểm… Nguyên nhân gốc rễ của mọi ý kiến bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những điều bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh đảng CSVN và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam". Ngoài ra, GS Chu Hảo hiện là chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Pháp, Trong cương vị này, rất có thể ông sẽ được gặp và hội kiến trực tiếp Thủ tướng Pháp, Édouard Philippe, sắp viếng thăm VN từ 02-04/11. Trọng lo sợ hình ảnh độc đảng chuyên chế của mình mà vừa được tô đậm sẽ bị chủ tịch Chu Hảo vẽ ra chi tiết trước mắt một trong những quốc gia khai sáng nền dân chủ đa đảng cho toàn thế giới.
Nhưng qua GS Chu Hảo, Nguyễn Phú Trọng muốn tuyên chiến với toàn thể giới trí thức VN, như lời nhận định của Tiến sĩ Hoàng Dũng ngỏ với RFA trong cùng ngày. Với quyết định kỷ luật khai trừ khỏi đảng và cách mọi chức vụ từng có và đang có của vị Giáo sư ấy, tay Tổng bí kiêm Chủ tịch một lần nữa muốn thực hiện di huấn của Lê-nin trong câu nói năm 1919 về trí thức rằng: “Những kẻ ấy tưởng mình là bộ não của quốc gia nhưng trên thực tế, chúng chỉ là chất thải từ ruột”, muốn lặp lại quan niệm của Mao Trạch Đông về tinh hoa của đất nước: "Trí thức là cục phân", muốn bắt chước thái độ tàn độc mà HCM từng tỏ ra đối với Ls Nguyễn Mạnh Tường, triết gia Trần Đức Thảo, văn nghệ sĩ vụ Nhân văn Giai phẩm năm nào.
2- Lộ nguyên hình chứ không phải đổi bản chất.
Dĩ nhiên giới trí thức đã phản ứng. Nhà giáo Phạm Toàn, một người rất có tâm huyết với nền giáo dục, nói với VOA hôm 25-10 rằng: “NXB Trí Thức định mang cho mọi người một chút ánh sáng nhưng bây giờ cũng không làm được. Cuộc đời rồi sẽ được những cơn bão táp của sự thật vả vào mặt thì đó sẽ là bài học ghê gớm. Lúc bấy giờ mới ngồi đọc sách thì đã muộn… Sách hay bao giờ cũng đụng chạm đến sự lạc hậu. Sách hay bao giờ cũng mở mang đầu óc con người, và sự lạc hậu thì khó chịu. Sách hay bao giờ cũng làm cho bọn phát xít sợ”. Những tác phẩm bị xem như “trái quan điểm” của Đảng là những sách về triết học, chính trị-kinh tế học như “Bàn về tự do” của John Stuart Mill, “Khảo luận Thứ hai về Chính quyền” của John Locke, “Nền Dân trị Mỹ” của Alexis De Tocqueville… Toàn những thứ mà Trọng lú và Bộ Chính trị không thể ngửi được.
Đặc biệt hơn, phản ứng ấy đã bày tỏ qua việc nhiều đảng viên trí thức công khai tuyên bố từ bỏ đảng. Tính đến ngày 29-10-2018, đã có ít nhất 11 người lên tiếng rời khỏi tổ chức cầm quyền tệ hại này: Tiến sĩ Chu Hảo, Nhà giáo Mạc Văn Trang, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn, Trung Tá Trần Nam, Kỹ sư Hoàng Tiến Cường, Trung úy quân đội Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyên phó chủ tịch quận Hà Quang Vinh, Nữ giáo sư Dương Bích Hà, Luật sư Lê Văn Hòa, Bạn trẻ Nguyễn Việt Anh… Họ tiếp nối truyền thống của những đảng viên phản tỉnh, đã một lần dứt khoát đoạn tuyệt với Cờ đỏ búa liềm vàng: Trung tướng Trần Độ, Viện trưởng Hoàng Minh Chính, Đại tá Bùi Tín, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Nhạc sĩ Tô Hải, Luật gia Lê Hiếu Đằng, Nhà văn Phạm Đình Trọng, Nhà báo Phạm Chí Dũng… Ông Nguyên Ngọc còn tuyên bố: “Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy”.
Thái độ rời bỏ đảng ấy được sự đồng tình của công luận. Nhóm Lão Mà Chưa An, trong Tuyên bố ngày 26-10, đã viết: “Bày tỏ sự đoàn kết, trân trọng những hoạt động của ông Chu Hảo; chúc mừng ông được đảng CSVN “vinh danh” như trên vì nó chỉ chứng tỏ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của chính những kẻ cầm quyền; những kết luận về ông Chu Hảo như trên chỉ chứng tỏ họ đã đi con đường ngược với dân tộc và với bản thân học thuyết của chính họ. Kêu gọi các trí thức khác hãy bày tỏ tình đoàn kết với Phó GSTS Chu Hảo bằng cách lên tiếng và/hoặc rời bỏ đội ngũ suy thoái đó và đứng hẳn về phía nhân dân và dân tộc”. Một số nhà trí thức khác cũng viết Thư Ngỏ gởi đảng CS: “Chúng tôi kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên khuyến khích các nhà xuất bản trong nước làm những việc như NXB Tri Thức đang làm, động viên phong trào ham học, ham đọc sách trong cả nước, cùng nhau phát huy ý chí và trí tuệ sớm khắc phục được tình trạng tụt hậu hiện nay, đưa nước ta tiến nhanh theo con đường dân tộc và dân chủ”.
Tuy nhiên, tuyên bố trên kia của ông Nguyên Ngọc và Thư Ngỏ vừa trích bị cho là mang tính cải lương. Bởi lẽ những người này nghĩ rằng đảng CS đã thay đổi lý tưởng tốt đẹp của mình. Thật ra, ngay từ bản chất và tự ban đầu, đảng CS luôn luôn là một chế độ độc tài toàn trị, quyết tâm nắm trọn quyền lực chính trị, tài nguyên quốc gia và tâm não dân chúng. Việc tiêu diệt các đảng phái quốc gia, chính sách Cải cách Ruộng đất, vụ án Nhân văn Giai phẩm, cuộc chiến xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa… đâu phải mới xảy ra. Đảng CS chưa bao giờ vì dân vì nước, có ý thức quốc gia và tình tự dân tộc cả! Và nay thì tệ hại hơn: sẵn sàng bán đứng Tổ quốc cho Tàu cộng!
3- Trí thức dân sự và trí thức tôn giáo hãy đứng lên!
Là bộ óc của quần chúng, tinh hoa của xã hội, niềm hy vọng của toàn dân, giới trí thức dân sự (giáo sư học giả, văn nhân nghệ sĩ) và giới trí thức tôn giáo (lãnh đạo tinh thần, chức sắc giáo hội) nay đã đến lúc phải đồng loạt đứng lên, làm trọn thiên chức sĩ phu cao quý của mình. Không thể chấp nhận cho một chủ nghĩa sai lạc, một chế độ bạo tàn, một chính đảng bất lực, những lãnh đạo chính trị thù ghét kiến thức, văn minh, tiến bộ tiếp tục tung hoành. Bằng không, quý vị sẽ xứng đáng với lời lẽ khinh miệt từng được thốt ra từ cửa miệng Lê-nin và Mao Trạch Đông đấy!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 302 (01-11-2018)
Ban biên tập
No comments:
Post a Comment