Saturday, November 10, 2018

Sông Sài Gòn bị hàng trăm dự án ‘băm nát’

Cả tuyến sông Sài Gòn có 83 dự án đầu tư xây dựng. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Theo Sở Quy Hoạch-Kiến Trúc ở Sài Gòn, dọc tuyến sông Sài Gòn có hàng trăm lô đất, công trình đang “băm nát” con sông này.
Hôm 10 Tháng Mười Một, 2018, báo Pháp Luật TP.HCM cho hay, cả tuyến sông Sài Gòn có 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở; khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại-dịch vụ; khu công viên kết hợp với vui chơi giải trí, với diện tích thống kê chưa đầy đủ hơn 454 hécta.
Báo Pháp Luật TP.HCM cho hay, sông Sài Gòn là một phụ lưu của sông Đồng Nai, bề rộng 225-370 mét, diện tích lưu vực trên 5,000 cây số vuông.
Sở Quy Hoạch-Kiến Trúc tạm chia sông Sài Gòn thành ba đoạn. Cụ thể, đoạn 1 từ ranh giới phía Bắc đi qua huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12 và một phần quận Bình Thạnh (ở phía bờ Tây) và một phần quận Thủ Đức (ở phía bờ Đông), có tổng chiều dài 60 cây số. Đoạn này có hành lang bảo vệ bờ sông rộng 30 mét.
Đoạn 2 từ cầu Bình Triệu đến cầu Tân Thuận đi qua quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4 ở bờ phía Tây, một phần quận Thủ Đức và quận 2 ở bờ phía Đông (chiều dài 15 cây số).
Đoạn 3 từ cầu Tân Thuận đến hết sông Sài Gòn tại khu vực mũi Đèn Đỏ, quận 7 (ở bờ phía Tây) và quận 2 (ở bờ phía Đông), dài 6 cây số. Đoạn 1 và 2 có hành lang bảo vệ bờ sông rộng 50 mét (sông cấp II).
Tuy nhiên hiện nay, các chủ đầu tư đã “băm nát” bờ sông Sài Gòn. Cụ thể, Công Ty Sài Gòn Riviera có một công trình nhà phụ trợ chỉ cách sông 10 mét, Công Đoàn Công Ty Thép Miền Nam (khu 3) có năm công trình tạm, cách sông 20 mét; Công Ty Bảo Tiến có khoảng 11 lô đất chỉ cách sông 26 mét.
Hay như Công Ty Liên Doanh Ven Sông Sài Gòn (Riverside – khu A) có 13 lô đất, trong đó có 13 công trình nhà ở chỉ cách sông 7.5 mét; Công Ty Nhà Phú Nhuận có 20 lô đất chỉ cách sông 20 mét…
Theo ông Nguyễn Minh Hòa, ủy viên Hội Đồng Quy Hoạch-Kiến Trúc ở Sài Gòn, thì bờ sông là tài sản chung của nhân dân, phải coi sông Sài Gòn là mặt tiền của thành phố.
“Về nguyên tắc, việc các công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ theo từng đoạn sẽ tạo ra hiện tượng xói lở hàm ếch rất nguy hiểm. Mặt khác còn có các ảnh hưởng liên quan đến dòng chảy. Trước giờ chúng ta chưa có quy hoạch sông Sài Gòn một cách cụ thể nên cần có những biện pháp kiên quyết để đảm bảo hành lang bảo vệ bờ sông,” ông Hòa phân tích.
Cùng quan điểm, Kiến Trúc Sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Cần xử lý nghiêm và công bằng với tất cả đơn vị vi phạm, yêu cầu tháo dỡ, trả lại hành lang cho bờ sông nếu là cố tình vi phạm.” (Tr.N)

No comments:

Post a Comment