NHA TRANG (NV) – Hơn chục người chết và mất tích khi đất đá lở từ núi đổ xuống sau cơn mua lớn ở Nha Trang là nạn nhân của các vụ giải tỏa nhà đất của nhà cầm quyền tại địa phương.
Các tin tức tiếp theo về hậu quả của mưa lũ xối xả, hệ quả của áp thấp nhiệt đới tức con bão số 8 giảm cường độ, các ngày 17 và 18 Tháng Mười Một, 2018, làm lở núi, nước chảy như thủy điện xả lũ qua các khu dân cư làm nhà vô trật tự trên sườn núi tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa đã làm cho 13 người thiệt mạng và 4 người còn mất tích.
Tờ Thanh Niên hôm Thứ Hai, 19 Tháng Mười Một, 2018, cho hay: “Phần lớn các gia đình có người tử nạn đều là những gia đình quá nghèo, nhà của họ bị giải tỏa để mở rộng đường hoặc bị giải tỏa từ các dự án ‘phát triển đô thị’. Nhận được một ít tiền đền bù, không đủ để mua miếng đất tại các khu đô thị, họ bèn ‘nhảy dù’ lên các sườn núi để chiếm đất làm nhà.”
Nguồn tin kể tiếp rằng: “Vì là nhà ‘tự phát’ nên mạnh ai nấy làm, xây theo ý mình hoặc tùy vào túi tiền. Hầu như việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho các khu dân cư này không có, mỗi lần lũ lớn là cư dân ở đây nơm nớp với chuyện lở núi!”
Thành phố Nha Trang hiện có trên 500,000 dân, nhưng số “nhảy dù” theo tờ Thanh Niên: “…đã lên tới hàng ngàn gia đình. Các ngọn núi quanh thành phố, hoặc là bị hay được xúc đất để san lấp mặt bằng cho các dự án, hoặc là được san ủi để hình thành các khu dân cư nhưng hệ thống bờ kè chống sạt lở là rất mong manh, số còn lại là dành cho những người nghèo không đủ khả năng mua đất các dự án. Họ sống quá tạm bợ trước sự ‘bất lực’ của chính quyền thành phố. Các cuộc ‘nhảy dù’ của dân nghèo nay bắt đầu trả giá mỗi khi có lũ.”
Cưỡng bách giải tỏa nhà đất của dân rồi đền bù bằng những số tiền nhỏ, không đủ cho người ta mua miếng đất khác ở chỗ khác, hoặc mua lại những căn nhà “tái định cư” do nhà cầm quyền xây dựng rất phổ biến tại Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Quan chức các cấp của chế độ Hà Nội lợi dụng chính sách để ăn hối lộ, ăn cắp đủ kiểu trong khi dân trở thành vô gia cư. Hàng đoàn người khiếu kiện khắp nơi và ngay cả trung ương Hà Nội trong vô vọng.
Hiện hàng ngàn gia đình ở Thủ Thiêm, quận 2 Sài Gòn, đang chống đối quyết liệt, đòi bồi thường thiệt hại vì nhà cầm quyền địa phương cướp ngang nhà đất của dân nằm ngoài ranh giới “quy hoạch” đô thị mới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền chỉ muốn giải quyết khiếu kiện của những gia đình nằm trong diện tích hơn 4 ha trong khi hàng ngàn gia đình đã bị giải tỏa trên diện tích tới 160 ha.
Nhiều vụ chống đối giải tỏa đền bù xảy ra tại Việt Nam được dư luận báo chí quốc tế biêt đến như vụ cưỡng chế đầm nuôi thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, vụ đàn áp dân Dương Nội, quận Hà Đông ngay tại Hà Nội năm 2014. (TN)
No comments:
Post a Comment