HÀ NỘI 19-11 (NV) .- Tám mươi tám tổ chức khắp nơi trên thế giới đã cùng ký tên trên một bức thư ngỏ gửi chủ nhân công ty Facebook yêu cầu “cải thiện chính sách gỡ bài viết, xóa tài khoản” trên mạng xã hội quen thuộc này.
“Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, một nghị sỹ của Nghị viện Đan Mạch, và một phát ngôn viên điểm tin của Philippines có điểm gì chung? Tất cả họ đều bị áp dụng sai các Tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook. [1] Nhưng không giống như những người dùng thông thường khác, các cá nhân và tổ chức này đã được giới truyền thông chú ý tới, nhờ đó họ có thể tiếp cận với các nhân viên Facebook. Trong một số trường hợp, những người này đã nhận được lời xin lỗi từ Facebook và nội dung của họ đã được khôi phục. Tuy nhiên, đối với hầu hết người dùng bình thường, một khi nội dung của họ đã bị Facebook xóa đi thì hiếm khi chúng được khôi phục. Thậm chí, một số người dùng Facebook còn có thể bị cấm hoạt động ngay cả trong trường hợp xảy ra nhầm lẫn.”
Bức thư ngỏ đồng ký tên của 88 tổ chức quốc tế tại 5 châu lục mở đầu như trên để lên án chính sách gỡ bài viết hoặc xóa tài khoản trên mạng xã hội Facebook khi nạn nhân bị vu cho là vi phạm các điều cấm kỵ. Facebook chỉ căn cứ trên một số lượng tố cáo nào đó để xóa bài viết, thông tin hoặc gỡ bỏ tài khoản. Khi bị khiếu nại thì có khi trả lại cho “khổ chủ”, khi thì không, và theo những thủ tục chậm chạp và khó khăn.
Các facebooker tại Việt Nam nhiều lần tố cáo chế độ Hà Nội đã lợi dụng kẽ hở của Facebook để sử dụng những “sư đoàn” dư luận viên, báo cáo láo hoặc xâm nhập tài khoản cá nhân thuộc loại “thù địch” với chế độ, đưa thông tin giả, gài cho Facebook gỡ bỏ tài khoản.
Việc Facebook xóa bài hay gỡ bỏ tài khoản một cách máy móc đã bị chỉ trích từ lâu và công ty điều hành Facebook cũng đã có một số điều chỉnh nhưng bức thư ngỏ nói rằng “chưa đủ” vì còn đầy ngập những vụ bị xóa, bị gỡ bỏ rất oan ức.
Những người tham gia đấu tranh vận động dân chủ hóa tại Việt Nam là nạn nhân thường xuyên của những vụ xóa bài, gỡ bỏ trang cá nhân trên Facebook. Nhiều người cũng từng thông báo trang cá nhân của họ đã bị “kẻ xấu” xâm nhập, tung tin hay viết những điều họ không làm.
Các tổ chức xã hội dân sự quốc tế nói trên “kêu gọi Facebook cung cấp một cơ chế cho tất cả người dùng để khiếu nại về các hạn chế về mặt nội dung, và Facebook phải luôn có nhân sự đứng ra tái xem xét các khiếu nại này trong mọi trường hợp” và mọi khiếu nại “phải được xác định và phản hồi nhanh chóng.”
Hồi Tháng 7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn ( nay đã bị cách chức vì dính tham nhũng nặng) khoe rằng “tính tới hết tháng Sáu, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6,700 trong tổng số 7,800 video clip khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip liên quan tới Formosa và miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước.”
Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, quay video phổ biến trực tiếp lên youtube và facebook về các cuộc biểu tình hồi năm 2016 của người dân chống công ty Formosa xả chất thải độc hại ra biển miền Trung mà bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù 4 năm. Đây là một trong những vụ điển hình chế độ Hà Nội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, trong đó, quyền tự do thông tin của Nguyễn Văn Hóa đã bị tước đoạt trắng trợn.
Tháng sáu vừa qua, quốc hội CSVN đã thông qua Luật An Ninh Mạng và sẽ cho áp dụng từ đầu năm 2019. Trong đó, các công ty cung cấp dịch vụ internet toàn cầu như Google, Facebook bị buộc phải mở văn phòng và đặt máy chủ tại Việt Nam để nhà cầm quyền kiểm soát.
Chế độ Hà Nội còn muốn quản lý số thẻ tín dụng, log chat và quan điểm chính trị của người dùng Internet cùng nhiều điều cấm đoán khác nữa.
Một số người hô hào tẩy chay Facebook, chạy qua sử dụng một mạng xã hội khác nhưng có vẻ Facebook vẫn là mạng quen dùng và được sử dụng rộng rãi với trên dưới 40 triệu tài khoản tại Việt Nam, nên không dễ bỏ.(TN)
No comments:
Post a Comment