“…Chúng tôi quan niệm cuộc kiểm điểm Việt Nam trong 2 ngày 14 và 15 tháng 11 vừa qua chỉ là bước khởi đầu trên hành trình dài để xoá bỏ nạn tra tấn ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi sự hợp tác và chung sức của tất cả những người quan tâm và quyết tâm ở trong và ngoài nước Việt Nam…”
Từng bước đẩy lùi để tiến đến giải trừ nạn tra tấn ở Việt Nam
Cuộc kiểm điểm Việt Nam về thực thi Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn kết thúc lúc 6 giờ chiều ngày 15 tháng 11. Bất luận là đoàn Việt Nam trả lời ra sao những câu hỏi mà Uỷ Ban Chống Tra Tấn của LHQ (Uỷ Ban CAT) đặt ra cho họ, cuộc kiểm điểm cho thấy cục diện đã bắt đầu thay đổi: Nhà nước Việt Nam phải giải trình trước quốc tế về các hành vi tra tấn của công an và, quan trọng không kém, người dân ở trong nước có cơ hội, thông qua LHQ, đặt trách nhiệm giải trình cho nhà nước.
Dưới đây là các bước kế tiếp mà chúng tôi sẽ thực hiện để giúp người dân ở Việt Nam khai thác cơ hội mới này.
Đóng góp cho bản “nhận định kết luận”
Uỷ Ban CAT cho Việt Nam thời hạn đến 6 giờ chiều ngày 17 tháng 11, tức 48 tiếng kể từ lúc cuộc kiểm điểm kết thúc, để gửi văn thư trả lời chính thức trước khi Uỷ Ban chốt lại bản “nhận định kết luận” về cuộc kiểm điểm. Trong văn bản này, bên cạnh các nhận định về cuộc kiểm điểm, Uỷ Ban CAT sẽ đưa ra 3 hoặc 4 khuyến nghị cho chính quyền Việt Nam.
Các tổ chức xã hội dân sự cũng có quyền cung cấp thông tin bổ sung cho Uỷ Ban CAT trong thời gian 48 tiếng này. BPSOS sẵn sàng đón nhận thông tin về các trường hợp tra tấn để chuyển đến Uỷ Ban CAT. Xin gửi thông tin về địa chỉ email: bpsos@bpsos.org.
Uỷ Ban CAT kiểm điểm Việt Nam về tình trạng tra tấn, ngày 14/11/2018 (ảnh OMCT)
Theo dõi việc thực thi các khuyến nghị
Việt Nam sẽ có một năm để thực hiện các khuyến nghị của Uỷ Ban CAT. Khoảng thời gian này là cơ hội để người dân ở trong nước và cộng đồng người Việt ở hải ngoại đóng góp tích cực với Uỷ Ban CAT, cung cấp cho họ thông tin xác thực về hồ sơ cụ thể hoặc hiện tình nói chung. Những thông tin này sẽ gúp Uỷ Ban CAT phối kiểm thông tin do chính quyền cung cấp, cũng như theo dõi các hồ sơ mà chính quyền đã lờ đi.
BPSOS sẽ tổ chức các buổi huấn luyện và phổ biến các tài liệu về Công Ước Chống Tra Tấn và cách lập hồ sơ báo cáo vi phạm theo tiêu chuẩn của LHQ. Để chuẩn bị cho buổi kiểm điểm vừa rồi, từ tháng 2 năm nay BPSOS đã tổ chức buổi huấn luyện cho một số tình nguyện viên để tiếp tay với BPSOS trong việc thu thập thông tin cho các bản báo cáo nộp cho Uỷ Ban CAT. Uỷ ban này đã dùng nhiều thông tin và dữ liệu của các bản báo cáo này trong cuộc kiểm điểm vừa qua.
Uỷ Ban CAT kiểm điểm Việt Nam về tình trạng tra tấn, ngày 14/11/2018 (ảnh OMCT)
Hỗ trợ việc tố cáo tra tấn
Trong thời gian một năm tới đây, bên cạnh việc báo cáo các vụ tra tấn với Uỷ Ban CAT, BPSOS sẽ còn chủ động hỗ trợ một số nạn nhân hoặc chứng nhân tố cáo hành vi tra tấn và theo đuổi đến cùng việc đòi hỏi chính quyền Việt Nam tuân thủ Công Ước Chống Tra Tấn. Để chứng minh sự tuân thủ, chính quyền Việt Nam sẽ phải giải trình với Uỷ Ban CAT tiến trình điều tra vụ việc, khởi tố thủ phạm, và bồi thường cho nạn nhân.
Khai thác các cuộc kiểm điểm sắp đến về nhân quyền
Thành quả đáng kể nhất của cuộc kiểm điểm vừa qua là sự chú ý chưa từng có của LHQ và của các tổ chức nhân quyền quốc tế về tình trạng tra tấn và bạo lực bởi công an Việt Nam. Để phát triển thêm nữa sự chú ý ấy, BPSOS sẽ tiếp tục nêu vấn đề tra tấn tại các cuộc kiểm điểm kế tiếp về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, gồm có: Cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 22 tháng 1 năm 2019 tới đây, cuộc kiểm điểm về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị vào tháng 3 năm 2019 (ngày chưa ấn định), và các cuộc điều trần về nhân quyền mà BPSOS sẽ đề nghị với Quốc Hội và Uỷ Hội về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ.
Đoàn Việt Nam chụp hình lưu niệm với Ts. Jens Modvig, Chủ Tịch Uỷ Ban CAT,
ngày 15/11/2018 (ảnh BPSOS)
Giáo dục công dân về Công Ước Chống Tra Tấn
Khoảng 50 nghìn người đã theo dõi trực tuyến cuộc kiểm điểm Việt Nam về thực thi Công Ước Chống Tra Tấn. Đây là con số kỷ lục so với các cuộc kiểm điểm của LHQ, thường chỉ khoảng trên 2 nghìn người theo dõi. Điều này cho thấy mức quan tâm của người Việt ở trong và ngoài nước đến tình trạng tra tấn ở Việt Nam.
Qua Đề Án Dân Quyền Việt Nam, trong năm 2019 BPSOS sẽ cùng với Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam:
(1) Thực hiện các video về Công Ước Chống Tra Tấn để phổ biến cho đại chúng
(2) Tổ chức các buổi huấn luyện chuyên sâu về báo cáo hành vi tra tấn cho một số tình nguyện viên
(3) Hỗ trợ cho một số nạn nhân và chứng nhân tố cáo hành vi tra tấn và đòi công lý cho đến cùng
Cách tiếp tay
Để thực hiện tất cả các công việc kể trên, chúng tôi sẽ cần sự tiếp tay và hợp tác của những người Việt ở trong và ngoài nước trong các lĩnh vực sau đây:
(1) Cung cấp thông tin về các vụ tra tấn
(2) Lập hồ sơ báo cáo về từng vụ tra tấn
(3) Dịch sang tiếng Anh các tài liệu thuộc hồ sơ tra tấn
(4) Phổ biến thông tin về các hoạt động chống tra tấn đến người dân ở trong nước
(5) Tham gia các cuộc vận động ở LHQ, ở Quốc Hội Hoa Kỳ, và ở một số diễn đàn khu vực và quốc tế
Để tham gia hoặc có câu hỏi, xin liên lạc với chúng tôi tại: bpsos@bpsos.org
Ts. Jens Modvig, Chủ Tịch Uỷ Ban CAT, cùng với đại diện
một số tổ chức XHDS tham gia cuộc kiểm điểm Việt Nam,
ngày 15/11/2018 (ảnh BPSOS)
Kết luận
Năm 2011, BPSOS chọn đề tài chống tra tấn làm một mũi nhọn về nhân quyền, và đã vận động Hành Pháp Obama thúc đẩy Việt Nam tham gia Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn như một điều kiện để Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Hiệp Ước Đối Tác Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, tức TPP). Nữ Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã đích thân đôn đốc điều này với các giới chức Việt Nam tại các lần tiếp xúc. Năm 2013 Việt Nam ký Công Ước Chống Tra Tấn; qua năm sau Quốc Hội Việt Nam chuẩn duyệt công ước này. Công ước bắt đầu có hiệu lực ở Việt Nam đầu năm 2015. Ngày 14 và 15 tháng 11 vừa qua là cuộc kiểm điểm lần đầu của LHQ đối với Việt Nam về thực thi công ước.
Để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm, tháng 2 năm nay BPSOS đã tổ chức huấn luyện cho 12 tình nguyện viên ở hải ngoại về thu thập thông tin và viết báo cáo về hành vi tra tấn. Khi xảy ra cuộc đàn áp các người biểu tình vào tháng 6, một số tình nguyện viên này đã hỗ trợ BPSOS trong việc biên soạn bản báo cáo về công an dùng bạo lực và tra tấn nhắm vào các người biểu tình ôn hoà, và chính quyền đã xử tù 65 người trong số họ. Bản báo cáo này, với 5 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đứng tên chung, được nộp cho Uỷ Ban CAT ngày 15 tháng 10.
Song song, một luật sư trong toán hoạt động của BPSOS ở Thái Lan đã hợp tác với ___ tổ chức khác để biên soạn bản báo cáo chung về tình trạng tra tấn nói chung ở Việt Nam. Bản báo chung này cũng được nộp cho Uỷ Ban CAT ngày 15 tháng 10.
Ngày 13 tháng 11, đại diện cho các tổ chức hợp tác trong 2 bản báo cáo chung này đã tham gia buổi họp riêng với Uỷ Ban CAT để cập nhật thông tin, trả lời các thắc mắc, và đề nghị các câu hỏi để Uỷ Ban CAT đặt ra cho đoàn Việt Nam vào ngày hôm sau. Chúng tôi tiếp tục cung cấp thông tin và đề nghị câu hỏi để Uỷ Ban CAT tiếp tục nêu lên với đoàn Việt Nam trong ngày thứ 2 của cuộc kiểm điểm. Trong suốt thời gian chúng tôi ở Geneva, một số tình nguyện viên đã qua huấn luyện hồi tháng 2 đã giúp truy cứu thông tin bổ sung cho các hồ sơ đã nộp, cung cấp thông tin về các trường hợp tra tấn vừa mới xảy ra, và dịch sang tiếng Anh các tài liệu liên quan. Nhờ vậy mà Uỷ Ban CAT đã có được các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật.
Ngày 13 tháng 11, đơn tố cáo hành vi tra tấn đầu tiên đã được gửi hoả tốc cho chính quyền Việt Nam, qua toà đại sứ của họ ở thủ đô Hoa Kỳ. Nạn nhân và cũng là người tố giác là một công dân Hoa Kỳ.
Đại diện của các tổ chức xã hội dân sự tham dự cuộc kiểm điểm,
ngày 14/11/2018 (ảnh của OMCT)
Ngoài ra, phái đoàn nhỏ của chúng tôi, gồm các người đến từ Hoa Kỳ và từ Thái Lan, đã họp riêng với văn phòng của Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin và toán nhân quyền của phái bộ Hoa Kỳ tại LHQ để bàn về những bước kế tiếp. Chúng tôi cũng họp riêng với 2 mạng lưới quốc tế về chống tra tấn để soạn thảo chương trình hành động dài hạn.
Chúng tôi quan niệm cuộc kiểm điểm Việt Nam trong 2 ngày 14 và 15 tháng 11 vừa qua chỉ là bước khởi đầu trên hành trình dài để xoá bỏ nạn tra tấn ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi sự hợp tác và chung sức của tất cả những người quan tâm và quyết tâm ở trong và ngoài nước Việt Nam.
Nguyễn Đình Thắng
Bài liên quan:
No comments:
Post a Comment