SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ít nhất 11 nạn nhân chết bất thường trong tay công an CSVN dù chỉ bị bắt tạm giữ tạm giam vài giờ hay vài ngày trong 11 tháng của năm 2018.
Vào thời gian chế độ Hà Nội phải giải trình về thi hành các điều khoản của Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn và đối xử bạo ngược mà họ đã ký cam kết thi hành từ năm 2013, có thêm một người chết bất thường dù mới bị bắt tạm giam ở tỉnh Đắk Nông. Nạn nhân bị vu cho là “tự tử,” một cách giải thích quen thuộc để chối tội tra tấn chết người của công an CSVN.
Hôm Thứ Sáu 16 Tháng Mười Một, 2018, báo điện tử VietNamNet có một bản tin ngắn cho hay “một nghi can vừa tử vong trong nhà tạm giữ của Công An huyện ở Đắk Nông” mà danh tính không được tiết lộ. Người ta chỉ biết Công an huyện Đắk R’lấp bắt nghi can vừa kể về hành vi “mua bán ma túy.”
Không thấy VietNamNet cho biết nạn nhân bị bắt bao giờ và chết bao giờ, nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, địa chỉ cư trú mà chỉ nói nghi can “được phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại nhà tạm giữ.” Nguồn tin viết thêm rằng “Khám nghiệm dấu hiệu bên ngoài cho thấy nghi can thắt cổ tự tử bằng mền đơn của nhà tạm giữ. Lãnh đạo Công An tỉnh Đắk Nông đã xác nhận thông tin trên và cho biết cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.”
Tại Việt Nam, trong chế độ độc tài đảng trị, không hề có một cuộc điều tra độc lập và khám nghiệm pháp y độc lập để tìm nguyên nhân thực cái chết của nghi can buôn bán ma túy bị công an huyện Đăk R’lấp bắt giam mà VietNamNet đưa tin. Theo cung cách này, vụ việc sẽ bị cho chìm xuồng nhanh chóng. Sự oan khuất sẽ theo nạn nhân về bên kia thế giới.
Nếu kể từ đầu năm 2018 đến nay, ít nhất đã có 11 nạn nhân chết trong tay Công An CSVN chỉ sau một vài giờ hay một vài ngày bị bắt giữ điều tra từ một cáo buộc nào đó. Tháng trước, hai nạn nhân đã chết trong tay Công an ở Sài Gòn và ở tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 17 Tháng Mười, 2018, Công An Quận 11 ở Sài Gòn bắt giam Châu Dung Thành (35 tuổi, ngụ quận 11), nghi can “cướp giật tài sản.” Khoảng 12 tiếng đồng hồ sau, ông Thành chết trong Trại Tạm Giam. Theo kết quả giám định pháp y, ông ta chết do “phù phổi cấp” nhưng cũng thấy gãy 3 xương sườn cùng những thương tích khác, chứng tỏ công an điều tra của Quận 11 đã tra tấn nạn nhân đến chết.
Chỉ 4 ngày trước đó tức ngày 13 Tháng Mười, 2018, bà Huỳnh Thị Nhung, 45 tuổi, chủ một nhà nghỉ ở thị trấn Ninh Hòa bị công an thị trấn bắt giữ với cáo buộc kinh doanh mại dâm.
heo báo Lao Động, bà Nhung bị bắt lúc 15 giờ chiều thì đến hơn 22 giờ đêm đươc đưa đi cấp cứu “trong tình trạng nguy kịch.” Nguồn tin thuật lời bác sĩ phó giám đốc bệnh viện cho biết nạn nhân có “6 vết thương, trong đó có 3 vết thương dưới ức, 2 vết vùng ngực và 1 vết thương sâu vùng cổ và tử vong sau khoảng 30 phút cấp cứu.”
Công an địa phương nói bà Huỳnh Thị Nhung “lấy kéo tự đâm vào cổ khi làm việc” nhưng chồng nạn nhân không tin và đòi điều tra về nguyên nhân cái chết cũng như các thủ tục tư pháp. Đến nay người ta chỉ thấy sự tảng lờ của nhà cầm quyền và công an địa phương.
Vì hệ thống tư pháp, guồng máy truyền thông và tất cả guồng máy cầm quyền nằm trong tay đảng và nhà nước CSVN. Cả 11 nạn nhân chết bất thường trong tay công an trong năm 2018 và những nạn nhân khác bao năm qua đều bị đẩy cho chìm xuồng. Rất ít những vụ tra tấn nhục hình chết người dẫn đến bắt giữ một vài điều tra viên của công an CSVN, truy tố không phải tội danh giết người và là một cách vô ý làm chết người với bản án rất nhẹ.
Các ngày 14 và 15 Tháng Mười Một, 2018, chế độ Hà Nội cho Tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công An, dẫn phái đoàn sang Geneva, Thụy Sĩ, giải trình hai năm một lần ở Ủy Ban Chống Tra Tấn. Tin tức cho hay phái đoàn tướng Vương đã chối hết các vụ bắt giữ người tùy tiện và tra tấn, nhục hình làm chết người vẫn xảy ra hàng năm dù họ đã ký cam kết tuân hành từ Tháng Mười Một, 2013. (TN)
No comments:
Post a Comment