QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Một phiên tòa phúc thẩm vừa diễn ra lặng lẽ với những điều tréo ngoe mà nếu Facebook của Luật Sư Võ An Đôn không đăng tin thì người ta không biết phiên tòa đã diễn ra hôm 16 Tháng Mười Một và vị hòa thượng bị xử thua.
Đó là phiên tòa liên quan đến vụ tranh chấp diễn ra ở Bình Định nhưng Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Đà Nẵng phân xử, khiếu kiện giữa nhà chùa (Hòa Thượng Thích Quảng Nhàn, trụ trì chùa Linh Thứu) và quan chức (ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định).
Chùa Linh Thứu được biết là có thửa đất 3,500 mét vuông. Năm 1994, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định thu hồi toàn bộ diện tích đất này làm đường Lê Đại Hành, nhưng không thông báo cho nhà chùa biết và không bồi thường.
Trước đó, diễn biến về vụ việc khiến công luận hoang mang vì ông Dũng được ghi nhận “bị tòa triệu tập tổng cộng 16 lần, nhưng chưa một lần đến tòa”. Thay vì hiện diện, ông cử giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Bình Định tham gia phiên tòa với tư cách người bảo vệ quyền lợi của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh.
Theo pháp luật CSVN, nếu đương sự không ra hầu tòa hai lần mà không có lý do chính đáng thì tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt. Vụ việc khiến giới quan sát đặt câu hỏi: Phải chăng pháp luật chỉ áp dụng với người dân chứ không áp dụng với chính quyền?
Luật Sư Võ An Đôn cho biết trên trang cá nhân: “Dù thừa nhận có nhiều sai sót trong việc thu hồi đất chùa Linh Thứu, nhưng vì lý do an ninh (nếu chùa thắng kiện sẽ có nhiều người khởi kiện, gây bất ổn xã hội) nên tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Định.”
Theo tường thuật trước đó của Luật Sư Đôn trên Facebook, đến khi Hòa Thượng Thích Quảng Nhàn quyết định khởi kiện và mời luật sư bảo vệ thì chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh chọn cách “né” tòa.
Vụ của chùa Linh Thứu cho thấy trong các diễn biến khiếu kiện hoặc kêu cứu về mất đất gần đây, nhà chùa luôn thua cuộc và phần thắng thuộc về chính quyền.
Chùa An Cư ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng, hôm 9 Tháng Mười Một, 2018, đã chịu số phận tương tự chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn, hai năm trước: Bị chính quyền cưỡng chế giải tỏa. Trước đó, ngôi chùa được xây dựng từ giữa thập niên 1990 có khuôn viên chỉ 332 mét vuông bị coi là “cái gai” trong mắt chính quyền vì đây là cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tổ chức tôn giáo độc lập mà CSVN không công nhận.
Vụ nhà chùa mất đất nay diễn ra phổ biến tại các địa phương. Theo báo Công Lý, nhiều năm qua, phật tử và người dân xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng liên tục gửi đơn kiến nghị việc trả lại đất thuộc khuôn viên khu chùa cổ Linh Sơn bị lấn chiếm làm công trình trái phép nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo tờ báo, chùa Linh Sơn là ngôi chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê năm 1724, có diện tích khoảng 4,320 mét vuông. Năm 1979, chính quyền địa phương đã lấy một phần đất phía Bắc của chùa xây dựng trụ sở Ủy Ban Hành Chính xã An Hòa. Sau đó, chính quyền địa phương cho các hộ dân mượn đất thuộc khuôn viên chùa trước đây để buôn bán nhưng không thu hồi.
“Liệu có sự bao che của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hay không và các cấp ngành địa phương sẽ xử lý dứt điểm việc này như thế nào để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phật tử và người dân được an lòng,” báo Công Lý đặt câu hỏi. (T.K.)
No comments:
Post a Comment