Friday, October 26, 2018

Vụ phân bón Thuận Phong: Vì sao kéo ‘quá lâu’?

Theo BBC-26-10-2018 

Ông Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo điều tra vụ Thuận Phong khi còn là Phó Thủ tướng năm 2015Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionÔng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo điều tra vụ Thuận Phong khi còn là Phó Thủ tướng năm 2015
Một đại biểu Quốc hội Việt Nam lên tiếng rằng cần xem xét khởi tố vụ án công ty Thuận Phong, tỉnh Đồng Nai bị cáo buộc sản xuất phân bón giả.
Vụ việc bắt đầu từ cuộc kiểm tra tháng 4/2015, nhưng đã qua ba năm, bất chấp ý kiến chỉ đạo của hai phó thủ tướng, vẫn gây tranh cãi với câu hỏi có khởi tố hình sự hay không.
Ngày 17/10/2018, công an tỉnh Đồng Nai giữ nguyên quan điểm không khởi tố vụ án đối với công ty Thuận Phong và đề nghị xem xét cho kết thúc vụ việc.

Khởi tố hay không?

Nói chuyện với BBC ngày 23/10, Đại biểu Quốc hội Việt Nam Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nói ông đã đề nghị cần khởi tố vụ án.
"Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo là phải làm rõ những sai phạm của công ty phân bón Thuận Phong."
"Nhưng hiện nay công tác điều tra xem xét xử lý vi phạm tiến hành còn chậm. Vừa qua công an tỉnh Đồng Nai cho rằng không đủ căn cứ để khởi tố."
Ông Lê Thanh Vân cho biết vào sáng 23/10, một ngày sau khi Quốc hội khai mạc kỳ họp, ông đã trao đổi với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí rằng "phải khởi tố".
"Theo như những thông tin tôi nắm được cũng như thông tin chính phủ báo cáo ra Quốc hội, rõ ràng dấu hiệu vi phạm là có."
"Tôi cũng đề nghị với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí là cần sớm xem xét để dứt điểm việc này."
Vụ việc liên quan công ty phân bón Thuận Phong bắt đầu từ ngày 24/4/2015, khi Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tiến hành kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Thuận Phong, tỉnh Đồng Nai.
Một bản tin năm 2015 của trang web Chính phủ Việt Nam cho hay tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện "hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ "MADE IN USA" của Công ty Thuận Phong".
Phó Thủ tướng Thường trựcTrương Hòa Bình đang là Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc giaBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionPhó Thủ tướng Thường trựcTrương Hòa Bình đang là Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

Kéo dài

Vào tháng 10/2015, ông Nguyễn Xuân Phúc, thời điểm đó là Phó Thủ tướng và Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo giao Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương - Phó Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia - tiến hành điều tra.
Vài tháng sau, ngày 24/3/2016, tại một cuộc họp của Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quý Vương kết luận những sai phạm của Công ty Thuận Phong "không có dấu hiệu tội phạm, không có căn cứ để xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả", theo tường thuật trên báo Hải Quan
Tiếp đó, công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án.
Nhưng sau ý kiến phản đối của một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lúc này đã thay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chủ trì cuộc họp ngày 12/11/2016.
Tại đây, ông Trương Hòa Bình đồng ý với ý kiến của 4 bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Quốc phòng rằng công ty Thuận Phong "có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón", theo báo Quân đội Nhân dân.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sau đó yêu cầu các bộ "truy cho ra tận gốc" vụ việc.
Vụ việc vẫn tiếp tục kéo dài, mặc dù sang tháng 5/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.
Tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói: "Chúng tôi tin vụ việc này sẽ được xử lý theo đúng các quy định pháp luật, mang lại đúng sự thật để trả lời dư luận nhân dân, nhất là Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp làm ăn chân chính."
Tại một sự kiện gặp gỡ nông dân tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay ông đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan xử lý dứt điểm.
Ngày 17/10, họp với Ban Nội chính Trung ương, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai nói giữ nguyên quan điểm không khởi tố vụ án và đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương xem xét để kết thúc vụ việc vì "không có căn cứ nào để xử lý hình sự".

Bao giờ dứt điểm?

BBC đã liên lạc với Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và Bộ Khoa học - Công nghệ đề nghị bình luận, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Vụ việc đã gây tranh cãi suốt ba năm, với hàng loạt ý kiến chỉ đạo của các lãnh đạo cao cấp, nhưng đến nay vẫn không có kết luận dứt điểm.
Sau ý kiến mới nhất của công an tỉnh Đồng Nai, một tờ báo trong nước, Lao Động, đăng bài "Công lý nào cho vụ Thuận Phong?" vào hôm 20/10.
Bài báo này đề nghị: "Phân định đúng sai là việc mà các bên có trách nhiệm phải làm để đưa sự thật về đúng chỗ."
"Không chỉ vì hàng triệu nông dân mà còn giữ kỷ cương phép nước, công bằng và đạo lý cho mọi người, mọi doanh nghiệp."
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Việt Nam Lê Thanh Vân nói với BBC: "Không chỉ vụ Thuận Phong mà nhiều vụ tồn đọng khác cũng cần đưa ra xử lý rốt ráo."
"Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, nhất là những vụ tác động đời sống, công tác sản xuất kinh doanh của đông đảo người dân," ông Vân nói.

No comments:

Post a Comment