HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chỉ vài ngày sau khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nắm luôn chức chủ tịch nước, công luận bắt đầu bàn tán chuyện thân thế lãnh đạo nay sắp sửa được đưa vào danh mục “mật” trong dự thảo Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước.
Có suy đoán cho rằng việc nhà cầm quyền CSVN đưa thông tin thân thế lãnh đạo đảng, nhà nước vào diện “mật” là để “đồng bộ” với Luật An Ninh Mạng sắp sửa có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019.
Sau khi gấp rút nắm luôn hai “trụ” trong “tứ trụ”, với hành động này, ông Nguyễn Phú Trọng muốn kiểm soát mọi bàn tán trên mạng xã hội về ông và những người đồng đảng.
Tuy vậy, trên thực tế, chủ trương này không hẳn được đa số người trong đảng và Quốc Hội CSVN tán thành. “Đại biểu Quốc Hội” Trương Trọng Nghĩa được báo điện tử VnExpress dẫn lời: “Sẽ lợi bất cập hại khi những chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại đáng lý cần tuyên truyền, phổ biến công khai và nhiều thông tin không thuộc về nhà nước, thì nay quy định là thông tin mật. Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo đảng, nhà nước thì lẽ ra phải tuyên truyền, phổ biến để người ta học tập, hay lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhiều lúc cần phải công khai nhanh, rộng… thì dự luật lại quy định là thông tin mật.”
Cùng thời điểm, Tiến Sĩ Hoàng Dũng, Trường Đại Học Sư Phạm ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Thân thế lãnh đạo đảng, nhà nước mà coi là thông tin mật thì làm sao (đảng viên/người dân) biết rõ để bầu cho đúng người? Hay là thông tin trước khi làm lãnh đạo thì công khai, còn khi đã là lãnh đạo thì rút vào bí mật? Mà nếu thế, thì từ nay những thông tin kiểu như cố Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang bỏ đom đóm vào vỏ trứng để học bài có mật không? Nếu là mật, thì làm cách nào để nhân dân học tập gương đạo đức sáng ngời của lãnh đạo? Còn những thông tin xấu (nếu có) trót công khai trước khi lãnh đạo trở thành lãnh đạo thì Bộ Văn Hóa, Bộ Thông Tin Truyền Thông ắt phải thành lập một nhóm chuyên trách rà soát để tẩy xóa bằng hết! Nhại một câu của Napoleon: ‘Lịch sử là do lãnh đạo viết ra!’”
Trong khi đó, nhà báo Ngọc Vinh của báo Tuổi Trẻ nêu quan điểm trên trang cá nhân: “Thân thế của lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cao cấp cần được báo chí cập nhật cho dân chúng vì họ là người của công chúng và công chúng cần phải tỏ tường về lý lịch của họ. Các nước văn minh không cấm việc báo chí phanh phui những khuất tất trong thân thế của các nguyên thủ, dù đó có là vị tổng thống Mỹ quyền lực nhất thế giới. Việc làm luật cấm nêu thân thế của lãnh đạo là một bước thụt lùi của văn minh chính trị mà nhân loại đang hướng tới.”
Một số nhà hoạt động nêu suy đoán sở dĩ nhà cầm quyền CSVN nhất quyết đưa thông tin thân thế lãnh đạo đảng, nhà nước vào diện “mật” vì lo ngại hành tung, gia sản và việc làm sai trái của họ lần lượt có nguy cơ bị phanh phui, đàm tiếu trên những trang/nhóm như “Lều Của Đầy Tớ” trên mạng xã hội. Đồng thời, việc đưa chi tiết này vào luật cũng là để có cớ trấn áp, phạt tù những ai có ý định “bêu riếu” các lãnh đạo của đảng CSVN.
Điều oái oăm trong lúc sắp sửa quy định về việc thân thế lãnh đạo đảng, nhà nước “là thông tin mật”, các báo ở Việt Nam lại đồng loạt ca ngợi sự giản dị, liêm chính “vượt bậc” của ông Trọng.
Trong số đó, cây bút Lê Kiên của báo Tuổi Trẻ nhận nhiều lời đàm tiếu của các đồng nghiệp trong làng báo về sự tâng bốc trơ trẽn khi viết trên tờ này: “Một ‘đại biểu Quốc Hội’ ở Hà Nội đã gọi điện cho tôi, nói: Bộ vest mà hôm nay chủ tịch nước mặc lúc tuyên thệ nhậm chức, cũng là bộ vest mà ông đã mặc 12 năm, kể từ khi ông nhậm chức chủ tịch Quốc Hội. Ngoài những dịp thực hiện nghi lễ cần mặc vest, còn lại ông thường mặc những bộ quần áo giản dị, có những chiếc áo cũ đến sờn vai. Tôi cũng được biết thêm rằng với số tiền tiết kiệm không nhiều, ông Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng một phần để mua công trái…” (T.K.)
Trong số đó, cây bút Lê Kiên của báo Tuổi Trẻ nhận nhiều lời đàm tiếu của các đồng nghiệp trong làng báo về sự tâng bốc trơ trẽn khi viết trên tờ này: “Một ‘đại biểu Quốc Hội’ ở Hà Nội đã gọi điện cho tôi, nói: Bộ vest mà hôm nay chủ tịch nước mặc lúc tuyên thệ nhậm chức, cũng là bộ vest mà ông đã mặc 12 năm, kể từ khi ông nhậm chức chủ tịch Quốc Hội. Ngoài những dịp thực hiện nghi lễ cần mặc vest, còn lại ông thường mặc những bộ quần áo giản dị, có những chiếc áo cũ đến sờn vai. Tôi cũng được biết thêm rằng với số tiền tiết kiệm không nhiều, ông Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng một phần để mua công trái…” (T.K.)
No comments:
Post a Comment