Theo BBC-26-10-2018
Dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước khiến nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan ngại vì cho rằng quy định về thông tin mật hiện 'quá rộng', theo truyền thông Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam tiến hành thảo luận dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vào chiều 25/10.
Trong số những thông tin nêu trong danh mục 'mật' của dự thảo khiến nhiều đại biểu tỏ ý quan ngại có vấn đề về thân thế và tình trạng sức khỏe của lãnh đạo.
Bên cạnh đó là các thông tin đất đai và một số thông tin thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Dự thảo luật quy định 15 lĩnh vực để xác định bí mật nhà nước, là những thông tin "chưa công khai" nhưng nếu bị lộ hay bị mất thì "có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc".
Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo là 'thông tin mật'
Theo nội dung dự luật thì trong số các bí mật nhà nước có "thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước", được đặt trong nhóm các thông tin thuộc lĩnh vực chính trị; và "thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước", được đặt trong nhóm lĩnh vực y tế.
"Lợi bất cập hại" là lo ngại của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.
Vị đại biểu từ đoàn TP Hồ Chí Minh nói những thông tin như sự nghiệp, thân thế lãnh đạo lẽ ra cần được tuyên truyền để người dân học tập.
Đại biểu Phạm Như Hiệp từ đoàn Huế cho rằng trong dự thảo cần quy định cụ thể nhóm chức danh lãnh đạo Đảng và nhà nước nào cần bí mật, nhóm nào cần công khai minh bạch để "người dân theo dõi, nêu gương, tránh sự xuyên tạc của các đối tượng xấu", báo Dân Trí tường thuật.
Thừa và 'vênh' với luật hiện hành
Một số quy định trong dự luật này được cho là đã được nêu trong các luật đã có, hoặc mâu thuẫn với luật đã có.
Ví dụ, Luật Khám chữa bệnh đã quy định giữ bí mật thông tin người bệnh, nên quy định thông tin sức khỏe cán bộ lãnh đạo là mật của dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước "là không cần thiết", theo đại biểu Phạm Như Hiệp, được dẫn lời trên VnExpress.
Hoặc, việc đưa "thông tin, thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa nước ta với nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế" vào dạng 'mật' được cho là 'vênh' với Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực đầu tháng 8/2018, theo ý kiến của bà Trần Thị Quốc Khánh.
Bà Khánh nói doanh nghiệp các nước xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên nội dung của các hiệp định thương mại mà nước họ đang đàm phán, ký kết.
Trong khi dó, "doanh nghiệp Việt Nam đã yếu đuối, lại khó tiếp cận thông tin, khó khăn trong xây dựng kế hoạch kinh doanh hội nhập quốc tế", bà Khánh nói.
Ngoài ra, các ĐBQH cũng phản ánh việc liệt lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai vào dạng 'mật' là quá rộng.
Trong bối cảnh 70% khiếu nại tố cáo của người dân hiện liên quan tới lĩnh vực đất đai, môi trường, quy định này khiến khiếu nại của dân không biết đén bao giờ được giải quyết.
Người dân cũng không thể tiếp cận được với các thông tin cần thiết để bảo vệ mình, ví dụ như vụ dân Thủ Thiêm tự tìm bản đồ bị 'thất lạc', theo bà Khánh được dẫn lời trên VnEconomy.
Mạng xã hội nói gì?
Luật sư Lê Đình Việt: Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước: Thân thế công bộc của nhân dân là bí mật.
Facebooker Tuấn Phạm: Chả hiểu được, nếu thân thế lãnh đạo mà 'mật' thì người dân sao biết để mà bầu cử. Cứ mật hết đi, đừng cho dân biết gì cả? Tự biên, tự diễn, tự vỗ tay là được rồi.
No comments:
Post a Comment