“…Cho nên, nếu không quan tâm chính trị, chính chúng ta và con cháu muôn đời sau bị cai trị bởi những con vật tự cho mình là “bình đẳng hơn loài khác” mà thôi. Chả nhẽ chúng ta không muốn thoát kiếp làm cừu?..”
Luật pháp chặt chẽ là luật pháp được triển khai từ trên xuống. Trên cao nhất là hiến pháp, văn bản luật này quy định những điều mang tính cốt lõi cho một bộ máy nhà nước và quyền con người. Ngắn gọn nhưng chặt chẽ.
Dưới hiến pháp có luật pháp. Đây là những bộ luật đồ sộ, quy định nhiều lĩnh vực xã hội. Nó phải đứng dưới hiến pháp và không được trái hiến pháp. Dưới luật pháp là những sắc lệnh hành pháp của người đứng đầu chính phủ. Nó không thể trái luật và trái hiến pháp được. Luật càng thấp, càng quy định chi tiết hơn.
Để đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt, người ta lập nên tòa bảo hiến, tòa này hoàn toàn độc lập với hành pháp và lập pháp. Mục đích là để xem xét tính hợp hiến của những văn bản luật thấp hơn. Chính vì thế, luật pháp ở các nước này là một hệ thống rất chặt chẽ. Cho nên những văn bản trái luật xứ này sẽ bị loại bỏ khi chưa kí ban hành. Và khi pháp luật được thượng tôn, xã hội trật tự, chính trị lành mạnh.
Như ta biết cấu tạo máy tính có phần cứng và phần mềm, thì trong một nhà nước cũng thế, cũng phần cứng và phần mềm. Phần cứng là tổ chức bộ máy nhà nước, phần mềm là hệ thống luật pháp. Tại xứ tự do, phần cứng là cách tổ chức bộ máy dạng phân quyền, nhà nước là nơi có nhiều đảng phái được quyền tham gia, và mọi nhánh quyền lực được đặt dưới luật. Còn tại Việt Nam thì ngược lại, tổ chức bộ máy nhà nước theo dạng tập quyền và các nhánh quyền lực thuộc về 1 đảng duy nhất, đảng đó đứng trên luật.
Về phần cứng, tổ chức bộ máy nhà nước của CS là cực kì phản khoa học. ĐCS độc chiếm nhà nước, nhưng họ tổ chức bộ máy quản lý đất nước trùng lắp. Đất nước Việt Nam phải oằn mình gánh 2 bộ máy, bộ máy đảng và bộ máy nhà nước. Chủ trương thì một nơi, thi hành một nẻo. Bộ máy đảng ra chủ trương, bộ máy nhà nước thi hành. Mà bộ máy nào cũng đều là của ĐCS, nên việc thực hiện mọi chính sách là chuyện đảng tự tung và đảng tự hứng chứ hoàn toàn không có sự tác động từ nhân dân. Vì thế, mọi chính sách dù phản dân đến đâu, dù hại nước đến mấy thì chính quyền phải thi hành vì đó là chủ trương của Đảng. Điều đó gây nên sức phá hoại khủng khiếp mà không có cách nào ngăn cản.
Về phần mềm, tức hệ thống luật pháp của Việt Nam thì rât lộn xộn. ĐCS tự quy định nó là nhóm thượng đẳng, tách riêng khỏi sự ảnh hưởng của hạng thứ dân. Luật riêng cho nội bộ ĐCS được viết ra nhằm ưu ái, bao che cho đảng viên, đó chính là Điều Lệ Đảng. Hiến pháp được viết ra chỉ để làm màu, trong đó điều khoản này phủ định điều khoản kia. Ví dụ, điều 2 quy định nhà nước là của dân, nhưng điều 4 lại quy định sự độc quyền lãnh đạo của ĐCS, tức điều sau phủ định điều trước. Họ nói hiến pháp cao hơn luật pháp, thế nhưng hiến pháp lại dễ dàng bị luật pháp chà đạp không thương tiếc. Luật An Ninh Mạng chà đạp lên điều 25 HP là ví dụ. Dưới luật có đủ thứ văn bản quy định, nào chỉ thị, nào thông tư, nào nghị định vv…
Mỗi ngày các văn bản dưới luật được tung ra vô tội vạ để chỉ đạo trực tiếp. Cứ tung mà không xem xét tính hợp hiến hay hợp pháp của nó. Theo báo chí, mỗi này có 23,6 văn bản trái luật được ban hành, tức mỗi năm có 5.600 văn bản như thế. Như vậy pháp luật viết ra cũng như không, nó sẽ bị những thứ văn bản trái luật kia vô hiệu. Vậy rõ ràng hệ thống luật Việt Nam được viết ra là để chà đạp chứ đâu phải để thượng tôn? Văn bản dưới luật chà đạp pháp luật, pháp luật chà đạp hiến pháp. Như vậy tính ra hiến pháp là thứ luật rẻ rúng nhất trong hệ thống luật pháp CS.
Đất nước sẽ loạn khi luật pháp không được thượng tôn. Không thể sống tốt cuộc đời mình bằng cách tuân thủ luật pháp và hiến pháp CS mà yên thân. Nếu CS muốn, việc gì nó cũng dám làm vì nó tự cho nó là thượng đẳng “tất cả những con vật đều bình đẳng, nhưng có những con vật được bình đẳng hơn những con vật khác”.
Vâng, bên trong nhà nước CS có cách tổ chức theo kiểu Trại Súc Vật của George Orwell.Trong đó, con vật CS được “bình đẳng hơn” con cừu Nhân dân. Luật chỉ dành cho bầy cừu, là cừu thì phải phải “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
Còn CS thì sao? Đơn giản nó là “con vật được bình đẳng hơn”, thế thôi. Chỉ có nó là được sống trong một luật riêng đầy ưu ái mà không tuân thủ thứ luật nào dành cho bầy cừu.
Cho nên, nếu không quan tâm chính trị, chính chúng ta và con cháu muôn đời sau bị cai trị bởi những con vật tự cho mình là “bình đẳng hơn loài khác” mà thôi. Chả nhẽ chúng ta không muốn thoát kiếp làm cừu?
Đỗ Ngà
No comments:
Post a Comment