HÀ NỘI 30-9 (NV) .- Bộ Giáo dục- Đào tạo CSVN đang chuẩn bị một dự thảo nghị định “xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục”.
Không biết có bao nhiêu nước trên thế giới có cái loại xử phạt hành chính như thế này hay không.
Theo tin một số báo tại Việt Nam hôm Chủ Nhật, bản dự thảo “Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” hiện đang được gửi luân luu trong nước “lấy ý kiến” để điều chỉnh trước khi đem thi hành. Trong đó, quy định hình thức, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt “theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục”.
Dự thảo nghị định gồm 44 điều gói trong 4 chương nhằm phạt tiền và có thể cấm hành nghề có thời hạn cho nhà giáo nếu vi phạm. Lần đầu tiên, người ta thấy chế độ Hà Nội cho xử phạt hành chính với những số tiền tương đối to đối với đồng lương bèo bọt của những ông bà làm nghề dạy học từng được gọi là “bán cháo phổi” trước kia.
Theo cái dự thảo nghị định nêu trên, nếu thầy cô mà mở lớp dạy thêm “không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm” hay “tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất” bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.
Nếu “giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường” bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng, trong khi “người dạy thêm không đạt chuẩn” bị phạt tới 6 triệu đồng. Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi “ép buộc học sinh học thêm”. Và phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Đáng để ý trong cái nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục có thể sắp ban hành, nếu đánh giáo viên hoặc viên chức cơ sở giáo dục bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Đánh học trò cũng bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng trong khi chửi “xúc phạm nhân phẩm, danh dự” học trò bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Trong nghị định đó, còn quy định cả chuyện phạt tiền đối với người “viết thuê” luận án tiến sĩ vốn cũng là một loại chuyện thường ngày tại Việt Nam. Nạn sao chép, ăn cắp từng phần luận án của người khác, xào xáo lại làm thành một luận án tiến sĩ của mình rồi cũng được tuyên bố “bảo vệ luận án thành công” từng thấy tố cáo nhiều lần trên mặt báo trong nước.
Bị phạt tiền từ 8 đến 12 triệu đồng nếu “tổ chức đánh giá khóa luận, đồ án tốt nghiệp, báo cáo thực hành tốt nghiệp, luận văn, luận án không đúng quy định về thành phần hội đồng hoặc chuyên môn của thành viên hội đồng hoặc điều kiện để được phép bảo vệ của người học”, và bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng cho kẻ nào “viết khóa luận, đồ án tốt nghiệp, báo cáo thực hành tốt nghiệp, luận văn, luận án thuê cho người khác hoặc thuê người khác viết khóa luận, luận văn, luận án cho mình”.
Tại Việt Nam, mỗi đầu niên học mới đều rộ lên chuyện nhà trường “lạm thu”, bắt cha mẹ học trò phải đóng những khoản tiền ngoài quy định dưới hình thức tự nguyện nhưng không “tự nguyện” thì không xong. Trong niên học thì đầy những chuyện thầy cô giáo bị đánh hay bị phụ huynh học sinh bắt quỳ, học sinh bị thầy hay cô giáo đánh dã man hoặc bị xử phạt bằng nhiều cách phản giáo dục.
Khi khai giảng niên học mới đầu Tháng 9 vừa qua, cả nước lại rộ lên chuyện dạy đánh vần kiểu mới cho học sinh lớp 1. Thiên hạ chia làm hai phe bênh, chống đả kích nhau kịch liệt trên mạng. (TN)
No comments:
Post a Comment