HÀ NỘI 1-10 (NV) – Chế độ Hà Nội khoe nền kinh tế tăng trưởng tốt chín tháng đầu năm 2018 với tỉ lệ gần 7% và lợi tức đầu người trung bình lên được $2,540 một năm.
Một số báo tại Việt Nam tường thuật lời ông phó thủ tướng CSVN Vương Đình Huệ nêu các con số thống kê về tình hình kinh tế tài chính để khoe thành tích và tuyên truyền.
Tờ Dân Trí hôm Thứ Hai thuật lời ông Huệ cho biết “tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản lượng quốc gia) 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6.98%. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 đạt 5.5 triệu tỷ đồng (tương đương 240.5 tỷ USD), gấp 1.33 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2,540 USD (khoảng hơn 59 triệu đồng), tăng 440 USD so năm 2015.”
Dịp này, cũng thấy ông khoe “Nợ công giảm từ 64.8% cuối năm 2015 xuống còn khoảng 61.4% năm 2018, thời gian trả nợ được kéo dài.” Nói khác, tổng số tiền nợ nước ngoài và của khu vực tư mà chính phủ đi vay gọi là “nợ công” tuy mỗi ngày một phình ra to hơn nhưng tỉ suất nợ so với GDP lại giảm xuống nhờ thời gian trả nợ kéo dài ra, không phải trả được nhiều nợ hơn.
Lời khoe thành tích kinh tế “khởi sắc và đã được quốc tế đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi” của ông Huệ được báo chí đăng tải cùng ngày với bản tin của tờ báo Giáo Dục Việt Nam cho hay, khoảng 20 bác sĩ tại các bệnh viện công ở tỉnh Lâm Đồng đã xin nghỉ việc vì lương tiền đã không đủ sống, họ lại còn bị cắt mất tiền phụ cấp “ưu đãi” dành cho các bác sĩ chịu tới những thành phố hay quận lỵ xa xôi nghèo nàn.
Tờ Giáo Dục Việt Nam kể ra vài trường hợp của một số bác sĩ trẻ với mức lương gồm cả phụ cấp từ 3,042,000 đồng đến 3,472,170 đồng một tháng. Một cặp vợ chồng mà cả hai đều ở trong ngành y lương của hai người cộng lại, kể cả phụ cấp, chỉ có 6,240,000 đồng một tháng, nay bị cắt phụ cấp, chỉ còn 4,919,360 đồng. Lại thêm phải nuôi con nữa, số tiền này chỉ đủ rau dưa tạm bợ qua ngày cho một cặp vợ chồng bác sĩ.
Lương bổng của họ như vậy chỉ bằng khoảng hơn 60% mức lương trung bình mà ông Huệ khoe thành tích. Bác sĩ tại nhiều nơi khác cũng thấy từng xin nghỉ vì không đủ sống. Đây chỉ là một thí dụ nhỏ trong rất nhiều thí dụ chứng tỏ cái lợi tức đầu người trung bình không phản ảnh đúng thực tế xã hội Việt Nam. Chỉ có tầng lớp tư bản đỏ thượng lưu mới mỗi ngày một giàu nhanh trong khi đa số quần chúng sống trong nghèo khó.
Hồi Tháng Tư 2018, Ngân Hàng Thế Giới (WB) đưa ra một bản phúc trình báo động khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam ngày càng lớn, trong đó chỉ có “13% thuộc tầng lớp trung lưu” là tương ứng “theo chuẩn thế giới”.
Một nghiên cứu khác của tổ chức Oxfam nói về tình trạng bất bình đẳng xã hội cũng cho thấy, khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam ngày càng tăng. Với khoảng 1.5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm, lợi tức một năm của nhóm 210 người siêu giàu tại Việt Nam đủ khả năng đưa 3.2 triệu người nghèo thoát nghèo, chấm dứt cảnh đói giáp hạt hàng năm mà nhiều tỉnh vẫn thấy xin trung ương cấp gạo cứu đói. (TN)
No comments:
Post a Comment