LONG AN, Việt Nam (NV) – Trong lúc các nước có xu hướng bỏ nhiệt điện than do lo ngại về ô nhiễm môi trường thì Việt Nam dự trù phát triển đến 80 nhà máy loại này vào năm 2030.
Việt Nam hiện có khoảng 30 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và một số tại miền Nam, miền Trung như: Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, tổ máy 1 của Vĩnh Tân 1; Duyên Hải 1 và 3.
Các địa phương thường khó cưỡng lại chỉ thị từ phía Bộ Công Thương CSVN khi phân bổ nhà máy nhiệt điện than ở cả ba miền. Lập luận chung của giới chức Việt Nam khi thuyết phục về các dự án này là: “Nhiệt điện than rẻ nhất, nhanh nhất về xây dựng và vận hành.”
Tuy vậy, hôm 29 Tháng Chín, theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, một văn bản do tỉnh Long An gửi đến Bộ Công Thương thể hiện quan điểm muốn đầu tư dự án nhiệt điện bằng công nghệ khí hóa lỏng thay cho điện than theo lời khuyên của Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Xây Dựng Điện 2 (PECC2).
“Trước Tháng Năm, 2017, thời điểm đơn vị tư vấn đưa ra lời ‘khuyên’ đầu tư nhà máy nhiệt điện bằng công nghệ đốt than, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long An đã đề nghị Bộ Công Thương cho chuyển dự án nhiệt điện than sang sử dụng công nghệ khí hóa lỏng do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường,” tờ báo viết.
Ông Trần Đình Sính, phó giám đốc Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (GreenID) được Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn dẫn lời: “Đầu tư nhiệt điện than chẳng những không rẻ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cho dù có sử dụng công nghệ hiện đại nhất.”
Trung Tâm Điện Lực Long An được Bộ Công Thương quy hoạch với hai dự án nhiệt điện gồm Long An 1 và Long An 2 với tổng công suất 2,800 MW và “có tổng vốn đầu tư lên tới $5 tỷ,” theo báo Việt Nam.
Theo báo Thanh Niên, đến nay dường như đề xuất chuyển sang làm nhiệt điện khí hóa lỏng của tỉnh Long An không mấy suôn sẻ. Báo này dẫn văn bản trả lời của Bộ Công Thương do Thứ Trưởng Hoàng Quốc Vượng ký, ghi: “Căn cứ thực trạng địa điểm dự kiến quy hoạch Trung Tâm Điện Lực Long An tại xã Long Hựu Đông, không phù hợp để quy hoạch sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng nhập khẩu. Do vậy Bộ Công Thương không có đủ cơ sở để phê duyệt quy hoạch mới này như kiến nghị của tỉnh.”
“Trong trường hợp không thể phát triển nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng ở vị trí này thì xóa quy hoạch. Có nghĩa là Tỉnh Ủy, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long An dứt khoát nói ‘không’ với nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than,” báo Thanh Niên cho nay.
Điều khiến công luận quan tâm là tại sao Bộ Công Thương CSVN “mặn mà” với việc làm nhà máy điện than tại các địa phương? Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hồi Tháng Tám, 2018 tiết lộ: “Trung Quốc đầu tư 50% vào các dự án điện than ở Việt Nam thông qua các ngân hàng của họ, tiếp theo là Nhật Bản với 23%, Nam Hàn với 18%, còn lại 9% của các nước khác. Trung Quốc sẵn vốn, sẵn than, sẵn công nghệ, sẵn luôn cả chính sách ‘Một vành đai, một con đường.’ Họ cần bán, họ cần khách hàng. Và họ không khó để tập hợp quanh họ các ‘nhà tư vấn.’ Trong khi đó, Mỹ và các nước phát triển ở Châu Âu đã từ chối góp vốn vào các dự án nhiệt điện vì lý do môi trường.”
Hồi Tháng Tám, 2018, Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Bình Thuận phát đi cảnh báo: “Ba năm nữa, bãi xỉ chung của hai nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 2 và 4 sẽ hết chỗ chứa.” Hai nhà máy này đã hoạt động và dùng chung bãi thải tro, xỉ có diện tích 38.37 héc ta, sức chứa khoảng 9.3 triệu mét khối.
Mỗi khi đề cập về Nhiệt Điện Vĩnh Tân, để tránh phản ứng của công luận, truyền thông trong nước gần như tránh nhắc đến chi tiết các nhà máy thuộc dự án này đều do Trung Quốc đầu tư hoặc góp vốn với tỷ lệ lớn để kiểm soát.
Việt Nam hiện đứng thứ tư trên thế giới trong việc xây dựng các nhà máy điện than, theo khảo sát của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và môi trường CoalSwarm, Greenpeace và Sierra Club. (T.K.)
No comments:
Post a Comment