Vì sao chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc cùng quốc hội ‘của dân, do dân và vì dân’ của Nguyễn Thị Kim Ngân lại phải toa rập để cấp tốc tung ra một nghị quyết vào tháng Chín năm 2018, theo đó từ đầu năm 2019 sẽ “điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít đối với xăng, từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu diesel, từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu mazut, dầu nhờn và từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít đối với dầu hỏa”?
Khác hẳn với những lần dự kiến tăng thuế môi trường vào các năm 2016 và 2017 khi Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính còn phải đưa ra dự thảo để ‘lấy ý kiến nhân dân’ do lo ngại làn sóng phản ứng của người tiêu dùng khi giá xăng dầu tăng vượt mặt, vào lần này đã chỉ có văn bản đề nghị của Chính phủ ‘đi đêm’ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để thông qua và công bố quyết định tăng giá cho bàn dân thiên hạ như sự đã rồi.
Nếu trước đây các Bộ Tài chính và Chính phủ còn phải nại ra nhiều lý do cho cơ chế tăng thuế môi trường, kể cả lý do ‘đóng thuế là yêu nước’ trơ tráo đến tận cùng, thì nay chỉ còn là lý do ‘giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng dầu ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á’, cùng lời trấn an ‘Tăng thuế môi trường xăng dầu chỉ tác động đến CPI từ 0,07-0,09%’.
Vậy vào năm 2016 khi tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014, nhưng chỉ có 30% trong số tiền này được báo cáo sử dụng để “bảo vệ môi trường”, số tiền còn lại “biến” vào túi ai?
Còn nhớ vào đầu năm 2017, trong lúc nền kinh tế Việt Nam lao vào năm suy thoái thứ 9 liên tiếp khiến rất nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng bởi thu nhập ngày càng eo hẹp và đồng tiền ngày càng mất giá, Bộ Tài Chính lại tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật Thuế Bảo Vệ Môi Trường với 8,000 đồng đánh vào 1 lít xăng. Một thứ trưởng của bộ này là Đỗ Hoàng Anh Tuấn còn trơ tráo đến mức tuyên bố về “thuế bảo vệ môi trường” là “được lòng dân hơn”!
Vào năm 2018, do chưa thể tăng ngay được thuế “bảo vệ môi trường” lên 8.000 đồng/lít xăng, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất tăng sắc thuế này lên 4.000 đồng/lít xăng. Cách tăng dần, tăng từng bước này đã được một đại biểu quốc hội mớm ý “tăng thuế cứ như vặt lông vịt. Phải vặt từ từ để vịt khỏi kêu toáng lên”.
Vậy là có ít nhất 2/3 trong số gần 100 triệu “vịt dân” đang bị Bộ Tài chính – đại diện cho nhà cầm quyền mang danh nghĩa cộng sản “của dân, do dân và vì dân” – đè đầu trấn thuế theo cách “vặt lông vịt”.
Phải chăng Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và giới quan chức của chính phủ, quốc hội đã “ăn chịu” với Petrolimex khiến ông ta chăm bẳm kế hoạch tăng thuế “bảo vệ môi trường” lên ít nhất 1.000 đồng/lít xăng và do đó sẽ khiến giá xăng tăng thêm ít nhất 1.000 đồng/lít?
Mối quan hệ móc xích giữa giới quan chức với các doanh nghiệp mang tính lợi ích nhóm lại quá phổ biến và sâu sắc ở đất nước này. Thậm chí còn có những nhóm quan chức và doanh nghiệp cấu kết với nhau để tạo thành nhóm tài phiệt lũng đoạn cả chính trị.
Lý giải một cách khiêm tốn nhất, nếu tăng thuế môi trường lên 1.000 đồng, ngân sách của nhà nước ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ sẽ nhét túi thêm 15.000 tỷ đồng, còn nếu tăng thuế môi trường từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng, ngân sách sẽ bỏ túi đến ít nhất 50.000 tỷ đồng.
Dù dự toán thu ngân sách năm 2018 đã lên kế hoạch thu đến hơn 1,3 triệu tỷ đồng – một mức độ ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ chưa từng có, nhưng động thái chính phủ, quốc hội và chắc chắn phải được cái gật đầu của ‘đảng ta’ để tăng vọt thuế môi trường mới đây – mà bất chấp phản ứng xã hội và dân nghèo – đã cho thấy ngân sách của chính quyền ‘vì dân’ này đang khốn quẫn đến mức nào do thảm họa nợ công, nợ xấu và bội chi kinh niên./.
No comments:
Post a Comment