Wednesday, September 26, 2018

Đề nghị cho chuyển nhượng lại đất ở Bắc Vân Phong

RFA-2018-09-26   
Một khu đất được rao bán tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Một khu đất được rao bán tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.Ảnh chụp màn hình báo Pháp Luật Online
Ủy ban Nhân dân huyện Vạn Ninh, đơn vị quản lý hành chánh nơi được dự kiến trở thành đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép huyện được tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất trở lại theo các quy định của Luật đất đai.
Đây là thông tin được Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa ông Trần Xuân Tây nói với báo chí vào chiều ngày 26 tháng 9.
Trong công văn, huyện Vạn Ninh nêu rõ thời gian qua việc quản lý đất đai ở địa phương này đã được tăng cường và hiện đã ổn định trở lại. Tuy nhiên nhiều hồ sơ về đất đai của người dân nộp nhưng huyện Vạn Ninh không thể tiếp nhận, vì vậy huyện đề nghị tỉnh tạo điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Trước đó, vào ngày 9 tháng 5, tỉnh Khánh Hòa đã ra công văn yêu cầu tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện tách thửa cho đến khi luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là luật đặc khu, có hiệu lực.
Ngay sau đó huyện Vạn Ninh đề nghị tỉnh cho gỡ một phần lệnh cấm, tức là xin được giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất của những hộ vừa có đất ở vừa có một phần đất nông nghiệp lâu năm trên cùng một thửa ruộng. Kiến nghị này lúc đó được tỉnh Khánh Hòa chấp nhận. Đến nay, huyện Vạn Ninh xin gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm.
Trong thời gian vừa qua báo chí thường xuyên phản ánh tình trạng gom đất, sốt đất ảo tại huyện Vạn Ninh, cũng như tình trạng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất trái phép trên các đảo ở huyện này.
Huyện Vạn Ninh là nơi dự kiến thành lập đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là đặc khu Bắc Vân Phong. Thời gian qua công luận phản đối mạnh mẽ dự luật đặc khu cho nước ngoài thuê đất 99 năm. Lý do phản đối vì có ý kiến cho rằng quy định như thế không khác gì là nhượng quyền cho nhà đầu tư; và trong tình thế hiện nay thì giới đầu tư Trung Quốc sẽ thâu tóm những đặc khu như thế.
Trước những phản đối của đông đảo người dân, Quốc hội VN phải hoãn việc bàn dự luật đặc khu tại kỳ họp thứ 5 và cả kỳ họp thứ 6 theo kế hoạch sẽ khai mạc vào tháng 10 này.
Trong những ngày 10 và 11 tháng 6 vừa qua, nhiều cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu và an ninh mạng nổ ra tại nhiều nơi trên cả nước. Có cuộc biểu tình trở thành bạo động và nhiều người tham gia đã bị bắt, bị kết án tù.

No comments:

Post a Comment