Wednesday, September 26, 2018

Quy hoạch mọi thứ, trừ ‘tin yêu và hy vọng’!

Theo VOA-Trân Văn/27/09/2018 
Học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị ở Ninh Hiệp phản đối dự án lấy đất trường học làm trung tâm thương mại. Hình minh họa.
Học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị ở Ninh Hiệp phản đối dự án lấy đất trường học làm trung tâm thương mại. Hình minh họa.
Tuần trước, VnExpress đăng phóng sự “Thiếu phòng, học sinh Hà Nội nghỉ luân phiên” (1). Theo đó, toàn bộ học sinh trường Tiểu học Chu Văn An, tọa lạc tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chỉ được học tám buổi mỗi tuần thay vì 10 buổi mỗi tuần như các trường tiểu học bán trú khác. Có những đứa trẻ - kể cả học sinh lớp một – mỗi tuần phải ở nhà các ngày thứ hai, thứ ba, chỉ đến trường vào các ngày thứ tư và học hai buổi/ngày cho tới hết thứ bảy. Ngược lại, có những đứa trẻ được đến trường vào các ngày thứ hai và học hai buổi/ngày cho tới hết thứ năm rồi ở nhà!
Lịch học kỳ quái như vừa kể là kết quả của tình trạng học sinh quá đông còn phòng học thì có hạn. Trường Tiểu học Chu Văn An chỉ có 41 phòng học nhưng có tới 57 lớp. Lúc đầu, Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai dự trù sắp xếp cho học sinh của trường này học mỗi ngày một buổi (học sinh các lớp một và hai sẽ học các buổi sáng, học sinh các lớp từ ba tới năm sẽ học các buổi chiều) song phụ huynh phản đối. Kết quả là bây giờ, phụ huynh phải tự tìm giải pháp chăm sóc cho con cháu của mình hai ngày đầu tuần, hoặc ba ngày cuối tuần bởi trường Tiểu học Chu Văn An không thể tiếp nhận học sinh như bình thường.
***
Tuần này, cũng VnExpress loan báo chính quyền thành phố Hà Nội đã “nhất trí” với chủ trương “xây dựng trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các phường, thị trấn, xã” theo mẫu chung về “hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc” (2).
Theo chủ trương này, nếu ở các “đô thị trung tâm”, diện tích những trụ sở vừa kể nên từ 300 mét vuông đến 2.000 mét vuông, cao đến sáu tầng. Nếu ở các “đô thị trung tâm mở rộng”, các “đô thị vệ tinh” hoặc “thị trấn mật độ dân cư cao”, diện tích những trụ sở vừa kể nên từ 880 mét vuông đến 3.900 mét vuông, cao đến năm tầng. Còn nếu ở “các xã và thị mật độ dân cư thấp”, diện tích những trụ sở vừa kể nên từ 1.530 mét vuông đến 4.100 mét vuông, cao đến ba tầng.
VnExpress cho biết, Hà Nội hiện có 584 trụ sở cấp phường, xã, thị trấn (386 ở xã, 177 ở phường và 21 ở thị trấn). Giai đoạn từ 2011-2015, các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã, với tổng chi phí là hơn 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn bảy phường, xã đang phải thuê trụ sở. Với chủ trương mới mà Vn Express gọi là “khoác đồng phục” cho trụ sở phường, xã, thị trấn, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết, tổng số trụ sở có thể áp dụng “thiết kế mẫu” khi đầu tư xây dựng là 483. Trong số này có 75 cần xây mới, 136 phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 đã được xây rồi nhưng cần cải tạo, sửa chữa. Dựa vào mô tả có tính “tiêu chuẩn” về diện tích, quy mô của trụ sở phường, xã, thị trấn, người ta không rõ chi thêm vài ngàn tỉ đồng nữa đã đủ để đáp ứng chủ trương xây dựng trụ sở phường, xã, thị trấn theo mẫu chung về “hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc” hay chưa?
Dẫu kế hoạch “khoác đồng phục” cho trụ sở phường, xã, thị trấn chưa được phê duyệt nhưng chuyện “thu thập ý kiến” của các quận, huyện dường như chỉ là thủ tục bởi chính quyền thành phố Hà Nội đã “nhất trí” với kế hoạch này từ năm ngoái.
***
Khoan bàn đến chuyện ngay tại nội thành Hà Nội, trẻ con không đủ phòng học nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không bận tâm mà chỉ chú tâm vào chuyện cải tạo bổ sung, cải tạo sửa chữa, thậm chí xây mới sao cho các công thự cấp phường, xã, thị trấn khang trang, đồng bộ…
Khoan bàn đến lệnh tạm ngưng xây dựng các “trung tâm hành chính” được ban hành hồi tháng 11 năm 2015 vì công khố cạn kiệt, liên tục bội chi, phải liên tục vay mượn để cầm cự nhưng từ đó đến nay, hết chính quyền các tỉnh (Long An, Vĩnh Long, Thanh Hóa, gần đây là Hải Dương…) thi nhau bán công thổ, công thự để hoàn thiện các “trung tâm hành chính”cấp tỉnh, kèm biện bạch theo kiểu “chủ động, tự cân đối nguồn vốn” chỉ xin hỗ trợ một phần từ công quỹ, giờ tới chính quyền thành phố Hà Nội giới thiệu chủ trương “khoác đồng phục” cho trụ sở phường, xã, thị trấn…
Chỉ nhìn hiện trạng sau khi các quy hoạch được thực thi, người ta đã thấy hết sức quái gở. Quy hoạch từng biến phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, sau vài năm, từ một khu vực vốn thuần nông có khoảng 4.500 gia đình, với chừng 14.000 người, thành một phường nội thành được mô tả là “ngộp thở” vì có tới hàng chục ngàn gia đình cư trú, với số dân được ước đoán không dưới 80.000 người. Quy hoạch qua tay vài chục cơ quan thuộc đủ mọi cấp, ở đủ mọi ngành, trước khi hàng trăm cao ốc được phép vươn lên, dung chứa hết hàng chục ngàn người này đến hàng chục người khác nhưng không nơi nào thèm tính đến những chuyện đơn giản như chỗ để xe, hoặc tới những vấn đề thiết thân của sinh hoạt xã hội như trường học, bệnh viện,… và trường hợp Tiểu học Chu Văn An như đã kể chỉ là một ví dụ.
Quy hoạch khởi đi từ quy hoạch nhân sự lãnh đạo cấp thấp nhất cho tới cấp cao nhất rồi vươn vòi bám vào, chi phối tất cả các lĩnh vực, không nhân, không nghĩa, không trước, không sau, bất tri, bất trí như thế thì tìm kiếm “tin yêu và hy vọng” chỉ là hoang tưởng.
Chú thích

No comments:

Post a Comment