HUẾ, Việt Nam (NV) – Được khởi công từ Tháng Hai, 2018, công trình “đường đi bộ lát gỗ lim” ven sông Hương (Thừa Thiên-Huế) đến nay “nóng” hơn khi chưa hoàn thành đã bị nứt.
Theo báo Lao Động, tuyến đường có tổng chiều dài 400 mét, chiều rộng 4 mét với khoảng 16,000 thanh gỗ lim, tổng diện tích sàn 2,443 mét vuông, kết cấu bê tông cốt thép, sàn lát gỗ lim dày 5 cm, với tổng kinh phí 52.9 tỷ đồng (hơn $2.2 triệu), trong đó riêng phần kinh phí lát gỗ là 5.7 tỷ đồng (hơn $244,817).
Tuy nhiên, báo này cho hay, đến thời điểm ngày 23 Tháng Tám, 2018, có những đoạn đã lát gỗ xong thì gỗ lim bị nứt nẻ rất nhiều.
Ông Nguyễn Việt Bằng, phó Ban Quản Lý Dự Án, cho biết sau khi nhận được thông tin về việc nhiều thớ gỗ lim bị rạn nứt, ban quản lý đã cho người xuống tận nơi để kiểm tra công trình.
Trong khi đó, những ngày đầu triển khai dự án này, các chuyên gia cũng như người dân đã lo ngại về việc lát gỗ lim liệu có bảo đảm phẩm chất khi mà Thừa Thiên-Huế là địa phương có thời tiết khắc nghiệt nắng lắm mưa nhiều.
Truyền thông trong nước vào thời điểm chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế cho xây dựng “đường đi bộ lót gỗ lim,” đã gây tranh cãi lớn vì gỗ lim là một loại vật liệu đắt tiền, nếu dùng để lót sàn cho con đường nằm giữa trời, trên sông với nhiều rủi ro về thời tiết, thiên tai.
Tuyến đường dự trù hoàn thành vào Tháng Chín, 2018, và nhằm kết nối giao thông từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng, đồng thời “tạo điểm nhấn thu hút du khách đến Huế.”
Hiện nay, khi công trình thi công đến giai đoạn cuối thì vật liệu gỗ lim xuất hiện nhiều vết nứt, lại khiến dư luận một lần nữa dậy sóng.
Báo Infonet dẫn lời ông Văn Viết Thành, đại diện Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Thủy Lợi Thừa Thiên-Huế, đơn vị thi công tuyến đường đi bộ: “Công ty đã đánh dấu và sẽ tháo dỡ khoảng 40 thanh gỗ lim nứt mạnh, có dấu hiệu hư hỏng để thay bằng những thanh gỗ mới. Việc hàng loạt thanh gỗ lim Nam Phi vừa mới thi công đã rạn nứt là có nguyên nhân chủ quan và khách quan.”
“Đó là do tình trạng co ngót của mặt gỗ vì cơ của gỗ là những bó sợi, khi đưa ra thời tiết nắng nóng thì các cơ này liên tục thay đổi tạo thành các vết nứt nhưng những tấm gỗ này vẫn sử dụng được. Đối với nhóm những thanh bị nứt dọc, nứt quá 2/3 bề dày của thanh gỗ thì buộc phải loại, thay thế bằng những thanh gỗ mới. Cái này một phần xuất phát từ lỗi của công nhân trong quá trình thi công,” báo Infonet trích lời ông Thành.
Ông Thành còn nói thêm rằng dù tuyến đường gỗ lim vừa mới thi công đã nứt nhưng “tổng thể công trình không đáng lo.”
Tuyến đường đi bộ lát gỗ được cho là thuộc dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương” do chính phủ Nam Hàn tài trợ không hoàn lại 100% thông qua Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA).
Ông Nguyễn Thái Vĩnh, một nghệ nhân chuyên làm nhà rường Huế, được báo Zing trích lời: “Tuyến đường đi bộ mà lát gỗ ngoài trời mưa gió không che chắn thì không bền. Dù gỗ tốt như thế nào cũng nhanh hư hỏng, bị mục do tác động của thời tiết. Tốt nhất là mặt đường nên lát bằng đá giả gỗ vẫn đảm bảo độ đẹp và bền. Chi phí bảo trì gỗ lim rất lớn. Mua gỗ lim lát đắt gấp mấy chục lần giả đá. Do vậy, việc lát gỗ lim quá lãng phí!”
Hồi Tháng Ba, 2018, cộng đồng mạng chỉ trích phát ngôn của ông Nguyễn Việt Bằng được đăng trên báo Tuổi Trẻ: “Đây là loại gỗ lim nhập từ Nam Phi, nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương bảo vệ rừng của chính phủ Việt Nam.”
Một số Facebooker tỏ ra gay gắt khi cho rằng dù tuyến đường lát gỗ được Nam Hàn tài trợ hoàn toàn thì đó cũng là sự phung phí trong bối cảnh nhiều người dân nghèo của cố đô vẫn sống nhờ sự cứu trợ của các đoàn từ thiện sau các đợt mưa bão hằng năm. (T.K.)
No comments:
Post a Comment