SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Triển lãm những bộ phận nội tạng và xác người được nhựa hóa đang diễn ra ở Sài Gòn gây chú ý khi lần đầu tiên những thi thể người thật được trưng bày công khai.
Cuộc triển lãm trưng bày 137 mẫu vật phủ nhựa thi thể, mở cửa từ ngày 20 Tháng Sáu, 2018, với giá vé 200,000 đồng ($8.7). Sự kiện này gây nhiều tranh cãi và hoài nghi về nguồn thi thể người.
Theo báo Thanh Niên, triển lãm “Sự Bí Ẩn Đặc Biệt Của Cơ Thể Người” (Mystery of Human Body), do công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Nam Hàn tại Việt Nam) phối hợp với Nhà Văn Hóa Thanh Niên diễn ra tại nhà văn hóa này ở Sài Gòn từ ngày 21 Tháng Sáu đến cuối năm 2018, được “Sở Văn Hóa-Thể Thao cấp phép tổ chức.”
Báo này dẫn lời ban tổ chức cho hay, triển lãm nhằm cung cấp kiến thức y học về cấu trúc và hoạt động sinh học bên trong cơ thể người. Các mẫu vật được triển lãm sẽ giúp người tham quan nhận thức được tác hại do bệnh tật và các chất độc hại đến từ thuốc lá, rượu bia và thói quen sinh hoạt không lành mạnh đến cơ thể con người.
Công ty Mega Vina nói với báo Thanh Niên rằng “các mẫu vật được trưng bày trong triển lãm là hợp pháp,” tuy nhiên không thể tiết lộ nguồn gốc của mẫu vật.
“Những thông tin về tình trạng và bệnh lý của mẫu vật được xác nhận bởi viện giải phẫu và bệnh lý từng quốc gia của người tình nguyện hiến tạng. Và trong các văn bản thỏa thuận hiến tạng tự nguyện, chúng tôi được yêu cầu bảo đảm nguyên tắc vô danh, tức là phải hoàn toàn bảo mật toàn bộ thông tin về danh tính, quốc tịch và nguyên nhân cái chết. Những mẫu triển lãm phôi thai, thai nhi là những mẫu hiến tặng khoa học với sự đồng ý của bố mẹ và gia đình,” báo Thanh Niên trích lời của Mega Vina.
Trong khi đó, theo báo Thời Đại, triển lãm này bị cấm ở Hà Nội, trong khi Sài Gòn lại cấp phép.
Triển lãm diễn ra hơn hai tuần thì đến tối 6 Tháng Bảy, Sở Văn Hóa-Thể Thao ở Sài Gòn cho biết “đã ra quyết định tạm ngưng triển lãm ‘Sự Bí Ẩn Đặc Biệt Của Cơ Thể Người’ tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên vì ban tổ chức đã không trung thực trong hồ sơ xin đề nghị cấp phép trưng bày,” báo Thanh Niên cho hay.
Báo Zing cho biết: “Hồ sơ xin cấp phép ghi các mẫu vật làm bằng nhựa nhưng thực tế là cơ thể người sau khi chết, hiến tạng cho khoa học và được phủ nhựa.”
Trong khi đó, ban tổ chức công bố các mẫu vật “thuộc quyền sở hữu của bảo tàng Mom ở Nam Hàn.” Tuy nhiên, trên mạng xã hội, một số ý kiến nghi ngờ nguồn gốc các thi thể nhiều phần đến từ thành phố Đại Liên hoặc Nam Kinh, Trung Quốc.
Trang TriThucVn dẫn một lá thư ngỏ của các luật sư, học giả, nhà hoạt động nhân quyền thuộc Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Chống Lạm Dụng Cấy Ghép tại Trung Quốc (ETAC) gửi tới chính quyền Úc nhằm phản đối một cuộc triển lãm cơ thể người được tổ chức tại nước này.
Văn bản này có đoạn viết: “Các triển lãm loại này được cho là đã lấy nguồn thi thể từ những người bị chết trong các bệnh viện mà không có thân nhân, được Cục Công An Trung Quốc mua lại. Tuy nhiên việc thi thể của những người này ‘không có người nhận’ là không thực tế. Bởi theo điều luật và nguyên tắc giải phẫu của Bộ Y Tế Trung Quốc, các thi thể chỉ có thể được liệt vào loại ‘không có người nhận’ sau 30 ngày. Trong khi đó, việc phủ nhựa, gồm việc dùng silicon, epoxy, cùng các hỗn hợp polymer khác để thay thế chất lỏng trong cơ thể người, phải được tiến hành trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi chết. Chính vì thế người ta không phủ nhựa thi thể của người đã chết 30 ngày.”
“Thay vì lấy nguồn từ những thi thể không người nhận nói trên, như những người tổ chức triển lãm tự nhận, có những bằng chứng tin cậy cho rằng các thi thể này đến từ tử tù và tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đang bị quốc tế lên án về tội ác mổ cướp nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm với số lượng khổng lồ. Các tù nhân lương tâm này gồm người Phật Giáo Tây Tạng, người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, người luyện tập Pháp Luân Công, những người Kitô Giáo tại gia, và cả những tù nhân chính trị,” trang này viết.
Truyền thông trong nước không đề cập về nguồn gốc thi thể được dùng trong triển lãm tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên.
Báo Dân Trí viết: “Đa phần khách khi đến dự triển lãm đều cảm thấy sợ hãi, rùng rợn và ám ảnh. Những bộ phận của cơ thể con người cho đến những thai nhi và cả những phụ nữ đang mang thai được trưng bày công khai khiến người xem vừa thương cảm, vừa sợ hãi khi nhìn thấy.”
Báo này còn dẫn lời Họa Sĩ Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam: “Việc lấy cơ thể người ra để trưng bày, triển lãm như thế là thiếu sự nhân văn, nhân bản. Người ta có thể hiến xác nhưng với mục đích nghiên cứu y khoa để cứu người chứ không thể lấy thi thể người ra để làm triển lãm theo kiểu đó.”(T.K.)
No comments:
Post a Comment