Monday, July 9, 2018

Chiến tranh kinh tế bắt đầu

Nguyễn Đạt Thịnh/Theo Người Việt
Cảng Long Beach, Nam California. Đây là một trong những cửa ngõ nhập cảng hàng hóa từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ. (Hình: Getty Images)
Đúng nửa đêm Thứ Năm, mùng 5 Tháng Bảy, 2018, cuộc chiến tranh ngoại thương giữa 2 siêu cường kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu.
Tổng Thống Mỹ Donald Trump không bắn phát súng lệnh, mà chỉ ra lệnh khởi sự đáng thuế tariff(nhập cảng)  lên núi hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc vào lãnh thổ Hoa Kỳ – trị giá $34 tỷ. Thuế tariff mới, cao hơn thuế cũ, và có thể cao đến mức từ 20% đến 30%.
Mua cái TV made in China ngày hôm qua, người tiêu thụ chỉ trả có $250, sáng nay, 7 Tháng Sáu, 2018, WalMart đã nhanh chóng đổi giá thành $300 ($250 + 20%); tổng thống không nổ súng, không ai nổ súng cả, nhưng hầu bao của hàng triệu người tiêu thụ vẫn bị lủng vì trúng đạn “thuế nhập cảng.”
Giải pháp tự vệ giới hạn vào việc thắt hầu bao, bớt tiêu xài để giảm thiểu tổn thất chiến tranh.
Không cần phải có những hiểu biết kinh tế cấp tiến sĩ, nhiều người viết báo quèn cũng oang oang tiên đoán là ông Mr. Xí (Tập Cận Bình) – tuy mập mà không chậm – sẽ trả đũa ngay hôm 7 Tháng Sáu, 2018, vì trước đó, ông đã từng ứng khẩu đối đáp với ông Trump là nếu Trump đánh thuế nặng trên hàng xuất cảng của Tàu, thì lập tức Xí sẽ đánh thuế tariff nặng lên ba món hàng Mỹ: thịt heo, đậu nành, và xe hơi.
Nhiều bà Jane Do, chủ trại heo tại Arizona, tại Wisconsin, nhiều anh Jim Do đang lái máy cầy cho các tỷ phú nông gia, và nhiều anh John Do công nhân xưởng ráp xe Ford, xe GM lo tái mặt vì viễn ảnh thất nghiệp.
Từ khẩu chiến, chiến tranh ngoại thương chợt biến thành hiện thực, đúng vào phút đầu tiên của ngày 7 Tháng Sáu, 2018; súng chưa nổ, ma nhiều người đã sắp chết… đói, nhiều người khác đã sắp bị thương đến rách áo – cả người Mỹ lẫn người Tàu, người Tây, người Nhật,…
Những tổn thất chiến tranh đó không làm chùn tay tổng thống; trên chiếc AIR FORCE ONE ông tuyên bố với nhóm phóng viên truyền thông tháp tùng ông, là sau núi hàng Tàu trị giá $34 tỷ, ông sẽ chiếu cố đến cái núi nhỏ hơn chỉ trị giá có $16 tỷ, cũng vẫn là hàng nhập cảng từ Trung Quốc, và chót hết tổng số $450 tỷ hàng Tầu nhập cảng sẽ “được” công bằng đóng thuế.
Trong giai đoạn đe thuế nặng, ông Trump đã bị phản ứng mãnh liệt của các quốc gia “bạn hàng,” quen thuộc, kể cả khối đồng minh văn hóa Tây Âu lẫn khối không đồng minh văn hóa Á Châu -Tàu, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan.
Giờ này họ ngưng phản đối để chết điếng run sợ, vì thị trường tiêu thụ lớn nhất hoàn vũ – thị trường Mỹ – tuyên bố bế quan, tỏa cảng.
Nhiều người đánh giá tình trạng bế tắc ngoại thương vừa xảy ra chỉ là một trò chơi thi gan giữa Hoa Kỳ và những quốc gia có trao đổi ngoại thương với Hoa Kỳ, bên nào gan lì hơn, bên đó thắng; và ai cũng biết bên thắng là Hoa Kỳ, với vị tổng thống vừa gan lại vừa liều.
Tuy nhiên Mỹ thắng không phải vì Trump bền gan hơn Tập Cận Bình (Mr. Xí), mà vì Mỹ trường vốn hơn Tàu; và cái trò thi gan đang xảy ra chỉ giản dị là một canh phé. Cao thủ cờ bịt Trump không chỉ lớn tiền láng hơn, mà còn giỏi đánh tháu hơn tay phé Mr. Xí.
Tiến Sĩ Edward Alden, thành viên của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations) có vẻ thiếu tin tưởng vào chính sách ngoại thương của Trump; ông nhận định, “Ngay thời điểm này, tôi không thấy chỉ dấu nào cho thấy là chiến tranh kinh tế sẽ ngã ngũ như thế nào, nhất là ngã ngũ theo ý tổng thống.”
Trong những phiên họp chót của Federal Reserve Board, chủ tịch Jerome Powell lo ngại là chiến tranh kinh tế sẽ tạo ra nhiều bất ổn gây ảnh hưởng xấu cho sinh hoạt đầu tư, và sự ổn định của thị trường Hoa Kỳ. Đa số thành viên của tổ chức Federal Reserve Board cho là nên duy trì tình trạng kinh tế đang lạc quan; họ lo những xáo trộn do ảnh hưởng của hệ thống thuế nhập cảng mới sẽ phức tạp, khó giải quyết.
Những hậu quả thường thấy trong một cuộc chiến tranh kinh tế là mức sản xuất quốc nội giảm sút, trong lúc giá thị trường tăng cao. Một điển hình của tình trạng tăng giá là chiếc máy giặt; 1.2 triệu máy giặt nhập cảng trong năm nay sẽ chỉ bị đánh thuế tariff 20% thôi, nhưng sau đó thuế tariff sẽ tăng lên đến 50%.
Ông Gary Hufbauer, một viên chức của Peterson Institute for International Economics khuyến cáo người tiêu thụ là nếu cần mua máy giặt thì mua ngay đi, đừng chờ giá trở thành quá cao với thuế 50%.
Một trong nhiều nhận xét lãng nhách của những chuyên viên cỡ ông Gary Hufbauer là ông Hye Ming Song, nhân viên Euromonitor International. Ông Nam Hàn này nói, “Hãng máy giặt chánh gốc Mỹ Whirlpool sẽ bán sản phẩm đắt khách hơn, và cao giá hơn; nhưng cao cỡ nào còn tùy giá máy nhập cảng. Họ chờ giá của máy giặt nhập cảng, để định giá sản phẩm của họ.” Rẻ hơn chút đỉnh.
Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu thụ không chỉ giới hạn vào cái máy giặt; cái xe cũ cũng cần đổi, chiếc TV hư cũng cần thay thế, tủ lạnh, máy vi tính, giầy dép, quần áo,… đa số là hàng nhập cảng.
Hàng nội hóa cũng không giữ giá hiện nay; tất cả đều thay đổi, đều trở thành mắc hơn dù không bị đánh thuế tariff. Nói cách khác, giới tiêu thụ vẫn là những người bị thương nặng nhất trong cuộc chiến tranh kinh tế.
Những người có nhu cầu an ủi họ, có thể bảo họ là giá mọi thứ hàng nhập cảng đều có thể tăng mà không nhất thiết phải là do hậu quả của chiến tranh kinh tế, điển hình là giá xăng cũng gia tăng mà có chiến tranh kinh tế nào xẩy ra đâu; chỉ cần Hoa Kỳ đồng ý với OPEC bơm dầu giới hạn để xăng đừng mất giá.
Tình trạng chiến tranh này mà kéo dài thì e là sẽ có ngày khéo ăn, cũng không no, mà khéo co cũng vẫn lạnh, mất thôi. (Nguyễn Đạt Thịnh)

No comments:

Post a Comment