Việc Facebook có những thỏa hiệp ngầm với một số chính phủ thật ra không mới. Một bài báo của Mike Isaac trên New York Times (22-11-2016) cho biết, Facebook đã “tương nhượng” trong việc kiểm duyệt nội dung với một số nước như Pakistan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ… Chỉ trong 5 tháng, từ tháng 7-2015 đến tháng 12 cùng năm, Facebook đã chặn 55.000 tin bài tại khoảng 20 quốc gia. Với Việt Nam, thỏa thuận mật giữa Facebook và chính quyền Việt Nam có thể bắt đầu được bàn chi tiết từ cuộc gặp giữa Monika Bickert (Giám đốc chính sách quản lý toàn cầu của Facebook) và Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn vào ngày 26-4-2017 tại Hà Nội.
Câu hỏi bây giờ là tại sao Facebook bắt tay “dưới gầm bàn” với Hà Nội? Việt Nam, với khoảng 52 triệu tài khoản, là thị trường béo bở đối với Facebook. Tuy nhiên, yếu tố doanh thu thị trường từ Việt Nam có thể chưa đến mức quan trọng hàng đầu. Trung Quốc mới là đích ngắm thật sự! Một nhận định của Rogier Creemers, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học Leiden (Hà Lan), rất đáng chú ý (theo nguồn VOA). Rogier Creemers cho rằng, bằng việc “thí điểm” mô hình kiểm duyệt tại Việt Nam, Facebook muốn chứng minh cho Trung Quốc thấy họ có thể làm điều tương tự, một khi được chính quyền Bắc Kinh cho phép thâm nhập thị trường nước này.
Việc Facebook “thèm khát” thị trường Trung Quốc chẳng là chuyện lạ. Từ khi bị chặn tại Trung Quốc năm 2009, Mark Zuckerberg luôn cố ve vãn Bắc Kinh, có khi bằng những hành động nực cười. Trong cuộc gặp Tập Cận Bình tại Nhà trắng năm 2015, Mark Zuckerberg đã xin Tập đặt tên cho đứa con sắp chào đời của mình. Facebook cũng giúp quảng bá hình ảnh các chuyến công du nước ngoài của Tập bằng cách lập “fanpage” cho Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) với các bản tin cập nhật liên quan Tập.
Năm 2016, Facebook phát triển một công cụ kiểm duyệt giúp chặn tin bài theo vùng địa lý, với mục đích giúp chính quyền sở tại giám sát được nội dung trên Facebook (công cụ này, được New York Times cho rằng nó được thiết kế cho thị trường tương lai Trung Quốc, sau đó đã không được ứng dụng). Tháng 3-2016 Mark Zuckerberg đến Bắc Kinh gặp các viên chức an ninh mạng Trung Quốc. Tháng 10-2017, Mark Zuckerberg lại đến Trung Quốc để nghe Tập nói chuyện tại Đại học Thanh Hoa. Mới đây, thêm một tai tiếng mà New York Times vừa phanh phui vào tháng 6-2018. Bài báo cho biết, Facebook đã chia sẻ dữ liệu cá nhân người sử dụng với ít nhất bốn công ty điện tử Trung Quốc từ năm 2010 hoặc có thể sớm hơn, những công ty mà cộng đồng tình báo Mỹ luôn cảnh giác bởi khả năng đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ, gồm Huawei, Lenovo, Oppo và TCL.
Ý kiến nói trên của Rogier Creemers là nhận định của một nhà quan sát. Khó có thể nói nó đúng hay sai nhưng nếu Facebook chọn Việt Nam làm nơi “thí điểm” thì không nơi nào có thể “tốt” hơn Việt Nam – một phiên bản Trung Quốc thu nhỏ về nhiều mặt, đặc biệt về kiểm soát và khống chế thông tin – để Facebook làm bàn đạp xây dựng “độ tin cậy thực tế” cho Bắc Kinh.
(Một cuộc “chuyển nhà” quyết liệt từ Facebook sang Minds đang diễn ra. Phản ứng của cộng đồng mạng Việt Nam đang gửi một thông điệp rất mạnh đến Facebook)
No comments:
Post a Comment