HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thi thể nữ nhà báo của tờ “Pháp Luật TPHCM” thường trú ở Hà Nội, được tìm thấy trên sông Hồng, thuộc xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì. Công an đang tiến hành điều tra do gia đình nghi con gái bị sát hại.
Truyền thông Việt Nam loan tin, sáng 5 Tháng Bảy, Công An Hà Nội tiến hành thực nghiệm hiện trường vụ nữ nhà báo Hải Đường, tên thật là Đặng Thị Tuyền, (35 tuổi, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội), làm việc tại văn phòng đại diện báo “Pháp Luật TPHCM” tại Hà Nội, chết nghi bị sát hại.
Địa điểm thực nghiệm là bến đò thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nơi tìm thấy thi thể của nữ nhà báo này.
Báo Lao Động cho hay, buổi thực nghiệm có sự tham gia của công an, chính quyền địa phương, luật sư, nhân chứng cùng với người nhà của nạn nhân.
Có mặt tại buổi thực nghiệm, bà Trịnh Thị Diễn, mẹ của nữ nhà báo đã liên tục khóc ngất đi vì thương con gái.
Trong khi đó, nói với các báo đài, ông Đặng Văn Tĩnh, bố của Đặng Thị Tuyền khẳng định, có nhiều uẩn khúc trong cái chết của con gái.
“Gia đình rất hoang mang về cái chết của Tuyền. Tuyền bơi giỏi nên không thể chết đuối, còn tự tử như một số tin đồn thì càng không có căn cứ. Tuyền yêu con trai lắm. Nó cũng biết nó quan trọng với gia đình nên không bao giờ có thể có chuyện quyên sinh. Có rất nhiều tình tiết khiến chúng tôi nghi ngờ về cái chết bất thường của con bé. Tôi không tin là nó tự tử,” ông Tĩnh nói và mong muốn cơ quan chức năng sẽ điều tra một cách công tâm.
Tin cho biết, năm 2013, Đặng Thị Tuyền về Hải Phòng làm thường trú cho báo Đời Sống và Pháp Luật. Lúc đó Tuyền lấy chồng người huyện Thủy Nguyên và vừa sinh con hơn 1 tuổi.
Để có đủ tiền trang trải nuôi con nhỏ, Đặng Thị Tuyền vừa đi viết báo, vừa mở thêm quán bún đậu và khiêm luôn làm gia sư dạy tiếng Pháp ngoài giờ, tư vấn truyền thông cho các doanh nghiệp nhỏ.
Đặng Thị Tuyền từng tâm sự: “Em muốn kiếm tiền sạch. Muốn dấn thân vào nhiều chỗ để có trải nghiệm.”
Khi cuộc sống gia đình bắt đầu ổn định hơn một chút ở quê chồng, thì hôn nhân lại đổ vỡ. Chồng chị bỏ đi nước ngoài, Đặng Thị Tuyền trở thành bà mẹ đơn thân từ đó.
Chị trở thành trụ cột chính để ngược xuôi lo cho cả đại gia đình nghèo, bởi mẹ chị Tuyền gầy yếu, đau ốm quanh năm. Bố thì là thương binh tàn tật, cùng hai đứa em còn nhỏ.
Ngày 10 Tháng Sáu, Tuyền mất liên lạc với gia đình. Khoảng 17 giờ ngày 12 Tháng Sáu, thi thể nữ nhà báo được phát hiện trôi xa hơn 2 cây số mắc vào bãi giữa sông Hồng, ở khu bến đò Vạn Phúc.
Nhà báo Đặng Thị Tuyền chết để lại đứa con trai 6 tuổi khiến dư luận và gia đình rất đau xót. Nghi ngờ về cái chết của con gái, gia đình nữ phóng viên này đã đề nghị cơ quan công an điều tra.
Các báo cho hay, khi làm việc, không ít lần nữ nhà báo này đã phải đối đầu với sự dọa nạt, đe dọa, có lúc bị uy hiếp đến tính mạng. Song, chị tỏ ra là bản lĩnh và sẵn sàng đương đầu.
Nhà báo Cẩm Tú, biên tập viên báo “Pháp Luật TPHCM” cho biết: “Đặng Tuyền có tấm lòng và nhiệt huyết đấu tranh cho những người dân bị thu hồi đất bồi thường bất hợp lý.”
Trước khi nghi bị sát hại, theo nhà báo Cẩm Tú, Đặng Tuyền đang nắm tư liệu và thực hiện loạt bài viết về thu hồi đất trái quy định của chính quyền Hà Nội.
“Em nói để có tư liệu này, em đã bỏ công sức ròng rã hai tháng trời, rất vất vả, cực khổ. Đặng Tuyền cứ lo lắng hỏi tôi: ‘Bài mà không được đăng chắc em buồn bỏ nghề luôn quá.’ Em nói cũng có những người cản, bảo em lao đầu vào mấy đề tài này làm chi cho phiền toái nhưng em không thể cam tâm trước những nỗi oan trái của người dân mình. Em còn khoe với tôi em đang làm một đề tài nữa, hy vọng sẽ sớm hoàn thành.”
“Nhưng loạt bài mà tôi biên tập cho em đã là những bài viết cuối cùng em để lại cho tôi và cơ quan mình cùng bạn đọc của báo. Em làm tôi xúc động vì một trái tim nhạy cảm và giàu tình cảm,” nhà báo Cẩm Tú bày tỏ.
“Theo một số thông tin Đặng Tuyền đang nắm giữ nhiều bằng chứng tiêu cực tại một số công ty lớn tại phía Bắc (đã đăng một phần nhỏ trên báo), và có cả các tài liệu được ghi âm nhưng ‘chưa thể công bố’.
Trước khi đi công tác trong cái ngày định mệnh đó, Đặng Tuyền đã sửa soạn phòng khách và phòng làm việc thật đẹp để chào đón ngày của nghề 21-6 sắp tới, trước khi cô rời khỏi nhà. Không có dấu hiệu gì của sự trầm cảm và không có dấu hiệu xã hội nào khác?,” nhà báo Hoàng Linh đặt vấn đề trên trang Facebook cá nhân.
Trước khi đi công tác trong cái ngày định mệnh đó, Đặng Tuyền đã sửa soạn phòng khách và phòng làm việc thật đẹp để chào đón ngày của nghề 21-6 sắp tới, trước khi cô rời khỏi nhà. Không có dấu hiệu gì của sự trầm cảm và không có dấu hiệu xã hội nào khác?,” nhà báo Hoàng Linh đặt vấn đề trên trang Facebook cá nhân.
Ngoài công việc làm báo, Đặng Tuyền còn chăm sóc cho một quán cà phê cộng đồng Ổ Nắng. Đây là một địa điểm được yêu thích của giới trẻ ở Hải Phòng. Ở đó có phòng sách với hơn 1,000 đầu sách mà cô mở ra cho các bạn trẻ đọc miễn phí và để các bạn trẻ sinh hoạt cùng nhau và tham gia các dự án cộng đồng do cô khởi xướng. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment