TS. Phạm Quý Thọ
Gửi cho BBC từ Hà Nội 7 giờ trước
Cố Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải, sau khi ông mất, được báo chí ca ngợi là nhà kỹ trị, một phần qua lời kể của các thành viên 'Tổ tư vấn kinh tế' có thời gian làm việc cùng và gần ông khi ông còn làm thủ tướng (1997-2006).
Ông từng hoạt động cách mạng ở miền Nam, ra Bắc tập kết, được cử sang Liên Xô (trước đây) học kinh tế, rồi vào lại Tp. Hồ Chí Minh sau giải phóng miền Nam, từng làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, lại ra Bắc làm lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước khi được giữ cương vị Phó thủ tướng rồi Thủ tướng chính phủ.
Cố thủ tướng Phan Văn Khải được ca ngợi không chỉ vì lý lịch công tác luôn gắn bó với ngành kế hoạch và điều hành kinh tế - xã hội, mà còn trong thực tế điều hành chính phủ trong thời gian ở cương vị thủ tướng.
Hình ảnh một thủ tướng
Về mặt đối ngoại, ông ghi dấu ấn khi là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam đi Mỹ sau chiến tranh để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ, xúc tiến tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Về đối nội, những nỗ lực soạn thảo và ban hành Luật Doanh nghiệp, gỡ bỏ các rào cản từ các bộ, ngành đối với doanh nghiệp, cân nhắc và tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi ban hành các văn bản pháp luật của chính phủ như Nghị định, Thông tư…
Vì vậy, mà tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) luôn trên 7%/năm trong suốt thập niên.
Từ sau khi có đường lối Đổi mới, được Đại hội 6 của Đảng thông qua năm 1986, đến nay có 25 năm do các lãnh đạo, gốc miền Nam, làm thủ tướng: Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (1991-1996), Cố thủ tướng Phan Văn Khải (1997-2006) và Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2006-2016).
Các nhà quan sát chính trị cho rằng chủ trương 'phân công' các lãnh đạo từng kinh qua chiến tranh và công tác ở miền Nam, nơi được cho là có kinh tế thị trường sôi động hơn miền Bắc, là quyết định tập thể hợp lý của Đảng.
Một mặt, kinh nghiệm sẽ giúp cho việc điều hành nền kinh tế tăng trưởng. Mặt khác, Đảng vẫn giữ được sự ổn định chính trị.
Củng cố, chấn chỉnh tổ chức Đảng
Tuy nhiên, thời kỳ 'bất ổn kinh tế vĩ mô' do chính sách tăng trưởng kinh tế nóng vội và quản lý yếu kém trong nhiệm kỳ 2006-2016 là một trong những nguyên nhân khiến Đảng có những cải tổ mạnh hơn, một trong những trọng tâm là củng cố, chấn chỉnh tổ chức Đảng, chú trọng đến ý thức hệ, phẩm chất đảng viên, các quy định, quy trình hoạt động cũng như công tác cán bộ đảng, đặc biệt là cán bộ 'cấp chiến lược'.
Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, cũng từng là cán bộ tập kết, có bằng cử nhân kinh tế ở miền Bắc, trải nghiệm công tác chính quyền đến khi giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, ra Bắc ông kinh qua các chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng.
Những sáng kiến về xây dựng 'chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động', lựa chọn chính sách thực dụng hợp lý để thúc đẩy tự do kinh doanh, gỡ bỏ rào cản từ các loại giấy phép con, các điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích khởi nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp và nông dân.
Việc Thủ tướng Phúc tái thành lập Tổ tư vấn kinh tế, sau khi bị giải thể trong 10 năm trước đó, đã gửi tín hiệu rằng cá nhân ông và Chính phủ lắng nghe ý kiến chuyên gia.
Các thành viên của tổ là những chuyên gia giỏi và cán bộ quản lý có kinh nghiệm.
Tuy nhiên có sự khác biệt, trước kia tổ bao gồm các chuyên gia đã nghỉ hưu, có điều kiện thảo luận tập thể các vấn đề nóng, 'toàn tâm, toàn ý, vô tư' tư vấn và phản biện thực chất, 'gần gũi' và dễ 'gặp' thủ tướng hơn.
Nay nhiều thành viên của tổ còn đương chức hoặc bận công việc, các vấn đề do Thủ tướng đặt hàng thường khó được bàn thảo thấu đáo, bởi vậy các ý kiến tư vấn khó tạo thành 'trí tuệ tập thể, đáp ứng các yêu cầu điều hành từ thực tế thay đổi nhanh.
Hơn thế, các vấn đề nay cũng khác trước về tính chất và phạm vi. Trong cuộc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế cuối năm 2017 Thủ tướng đặt ra yêu cầu cấp thiết tham gia ý kiến giải quyết vấn đề 'trên nóng dưới lạnh' - theo ông, đó là 'hiện tượng nguy hiểm', cản trở sự điều hành của Chính phủ.
Sau 'bất ổn' kéo dài, những kết quả sau 2 năm điều hành của Chính phủ đương nhiệm là đáng khích lệ tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,21%, 2017 là 6,81%, quý 1 năm 2018 mới được Tổng cục Thống kê công bố là 7,38% …
Tạo ra sự khác biệt
Trong bất kỳ thể chế chính trị nào vấn đề các chính trị gia và các nhà kinh tế thường có khác biệt về mặt 'kỹ thuật' khi "Các nhà kinh tế học giải quyết các vấn đề phức tạp và các tình huống khẩn cấp, cơ sở để hoạch định chính sách trong khi các chính trị gia muốn đóng gói và bán các chính sách cho cử tri bằng ngôn ngữ đơn giản và rõ ràng" (GS Jonathan Kirshner).
Bài viết này không có ý so sánh giữa các nhiệm kỳ thủ tướng từ sau Đổi mới, trái với văn hóa chính trị hiện đại ở Việt Nam.
Những nhà kỹ trị đã tạo ra sự khác biệt vì họ điều hành nền kinh tế theo đường lối đổi mới, hướng tới nền kinh tế thị trường thực chất hơn.
Hình ảnh về họ tạo được niềm tin nhất định cho người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi sang thị trường ở Việt Nam.
Việc phối kết hợp giữa các chính trị gia quyết đoán và các nhà kỹ trị tài ba là vấn đề nan giải, sẽ tiếp tục đeo đuổi quá trình cải cách thể chế ở Việt Nam.
Củng cố Đảng về tổ chức và cán bộ chắc cũng cân nhắc nhân tố này?
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của TS PGS Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển, Hà Nội.
No comments:
Post a Comment