Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Tháng Tư nhớ khỉ! Đọc lại tựa bài, người viết thấy e có bề “phản cảm” đối với những kẻ “có tật (khỉ) giật mình”. Đó là điều tác giả chẳng hồ hởi phấn khởi chút nào, bởi dù muốn dù không, mình cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết 36 kiểu hòa giải hòa hợp dân tộc người-khỉ, vì trên hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa con khỉ, còn có cương lĩnh đảng cộng sản quang vinh muôn năm.
Thế nên, để tránh bị hiểu lầm là phân biệt đối xử khỉ với người, tác giả đã có ý định đổi “Tháng Tư nhớ Khỉ” thành “Tháng Tư nhớ Mân Ky”, nhưng lại thấy nghe hơi bị lo, trước là sợ bạn đọc oánh giá mình là tên học trò xuất sắc của ông PGS Bùi Hiền thì sự nghiệp viết lách sẽ không khá được, như bác Hồ là học trò xuất sắc của bác Mao bên Tàu, của ông Ninh ông Nang tận Liên Xô mà cả dân tộc Việt Nam ngày nay đang te tua; sau là lo hai chữ Mân Ky có khi bị ai đó ngộ là tên người nước ngoài, vã lại, dù tên là người nhưng cốt vẫn khỉ; thành thử, Tháng Tư nhớ Khỉ hay Tháng Tư nhớ Mân-ky thì cũng đều là Tháng Tư nhớ anh em nhà Đươi Ươi cả.
Thôi thì có bị hiểu lầm cũng đành chịu, Tháng Tư về nhớ Khỉ cũng là đúng quy trình xả lũ thôi; Tháng Tư nhớ Khỉ thì cứ “thành thật khai báo” là nhớ Khỉ.
Mà khỉ thật.
Tác giả là một công dân của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa trước 10 giờ gần rưỡi sáng Ngày 30 tháng Tư năm 1975, mà không biết mình “bị Mỹ Ngụy kìm kẹp dã man, bóc lột tàn tệ”. Phải đợi cho đến khi Cắt Mạng vào Giải lên xe Mô-lô-tô-va Phóng vào rừng cho học tập cải tạo mới giác ngộ ra chân lý, tỏ tường trắng đen, đâu là thật thà đâu là giả tạo.
Thật thà, giả tạo, được quản giáo dạy dỗ, phân biệt kỹ càng, theo tiêu chuẩn đạo đức bác Hồ. Chẳng hạn như cơm trắng thịt cá người dân Miền Nam “bị” ăn trước “Giải Phóng” tuy là cá thịt cơm trắng thật, có ngon có bổ đấy, nhưng chỉ là cái ngon cái bổ “phồn vinh giả tạo”; còn sau Ngày Đại Thắng 4V-Day (Vào, Vơ, Vét, Về), tuy có phải ăn củ sắn củ mì với nước muối, tuy có bị khó nuốt, đắng, mặn, không được bổ mấy (3 ký lá củ sắn mới bằng 1 ký thịt bò*), nói chung là đau khổ, nhưng đó là cái đau khổ thật (không phải đau khổ giả tạo).
Trong mấy năm trời “học tập cải tạo”, có thời kỳ người viết được “biên chế” vào đội trồng rau; kêu là “đội” cho nó oai thôi chứ chỉ có 3 người. Nhắc đến đây, tác giả xin ngừng lại giây phút để tưởng nhớ tới hai đồng đội... rau đã ra đi về bên kia thế giới, và mãi nhớ ơn hai ông B.N và CVN chẳng những đã san sẻ của thăm nuôi ít ỏi cho thằng em - vì ngày xưa “độc thân vui tính”, sau khi bị dính “phỏng hai hòn”, đành thành “con bà phước” - mà còn gánh nước gíup những khi nó bước đi không nổi với đôi chân phù thủng và cái bụng rỗng không.
Cái bụng bị rổng không vì sáng sáng, trước khi đi “lao động là vinh quang”, “sinh viên” đại hộc máu được “anh nuôi” phát cho nửa chén cơm độn với khi bắp đá, khi sắn khoai, và một khúc củ mì lúc ăn được lúc ăn không được vì đắng ngắt hay thúi ỉnh, với một muỗng nước muối. Đó là tiêu chuẩn cho buổi sáng và buổi trưa. Với cái khẩu phần “hành tráng” tức là hành người một cách “hùng tráng” như vậy, “thực khách” chỉ biết “xử lý” bằng cách cho vào bụng một lần, hoặc ăn sáng nhịn trưa, hoặc dành trưa nhịn sáng cho khỏi mất công quẹt miệng hai lần.
Có lần nhịn sáng để trưa, vì lần đầu không biết, “nhà lão thành cải tạo” treo cất “lương thực hằng ngày” đựng trong cái lon Gô (Sữa bột Guigoz, trẻ em "Ngụy" bị kìm kẹp uống) trên cành cây cho khỏi kiến bu ruồi đậu (nói vậy cho oai, chứ những đồ ấy, bọn ruồi kiến chúng nó cũng chẳng thèm bu đậu làm gì cho uổng công); đến giờ ăn, lại lấy thì lon Gô biến mất. Nghe tiếng khẹc khẹc thì thấy bầy khỉ đang dành nhau cái lon Gô cơm tù. Đúng là khỉ cướp cơm ai không cướp, lại đi cướp cơm tù, mà nào phải cơm cho ra cơm.
Nhưng nghĩ cho cùng, trách chi bọn khỉ. Hồi nào tới giờ chúng sống trên rừng, giờ mới thấy được cái lon Gô, với cơm độn khoai mì của người:
Hơn 40 năm trước, “đảng ta”, phỏng được hai hòn Miền Nam, gặp “tàn dư" của " Mỹ Ngụy”, nhưng rất lạ đối với bộ đội cụ Hồ, cũng hồ hởi phấn khởi, có khi còn hơn khỉ rừng, nên ngày nay Cắt Mạng mới có Ngày đại thắng 4V-Day sắp kỷ niệm lần thứ 43.
Con thú Khỉ giỏi lắm chỉ ăn trộm lon cơm tù treo trên cây, hay bẻ trộm trái bắp, móc trộm củ sắn ven rừng. Nhưng con người - Khỉ thì đang công khai ăn cướp của 90 triệu dân Việt Nam.
*
Tháng Tư về
Mà em còn nhớ?
Cờ đỏ dép râu tai bèo nón cối
Ùa vào Nam cơn dịch họa tai ương
Từ Miền Bắc, cả nước chìm thê lương ác mộng
Tháng Tư về
Mà Em còn nhớ?
Người Đất Nam như đàn chim vở tổ
Tứ phương trời bão bùng giông tố
Biển Đông quỷ dữ nước độc rừng thiêng
Tháng Tư về
Mà em còn nhớ?
Mặt trời buồn cám cảnh tang thương
Phố thị im lìm người qua đường gục mặt
Nơi làng quê tiếng sáo bặt tăm
Tháng Tư về
Mà Em còn nhớ?
Ai dắt Em về thời hoang dại xa xăm
Sách Em học Chữ Người bằng Khỉ
Thầy cô Em hóa mặt bủng da chì
Tháng Tư về
Mà Em còn nhớ?
Mái nhà Em ai cướp đoạt trên tay
Đuổi Em lên rừng dạy Em bài củ sắn
Đêm mắt phờ đớ đẩn ngẩn ngơ hồn
Tháng Tư về
Mà Em còn nhớ?
Đạo Phật Trời ai báng bổ vùi chôn
Nơi linh thiêng loài chồn cáo huênh hoang chểm chệ
Đất trời Nam quằn quại tỉnh mê
Tháng Tư về
Còn bao điều Em nhớ?
Mấy chục năm ôn dịch hoành hành
Nát bấy giang sơn Tổ Tiên gầy dựng
Em phải nhớ
Và nhắc từng con cháu mai sau
No comments:
Post a Comment