Tuesday, April 17, 2018

Phật Giáo và việc đấu tranh cho lẽ phải

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Phật Giáo không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh cho lẽ phải cho nhân quyền hiện nay ở trong nước. Tại sao thời VNCH Phật giáo đấu tranh rất quyết liệt nhưng bây giờ lại không dám? Nhân ngày 30 tháng tư, chùa có tránh nỗi sợ hãi để tổ chức ngày tưởng niệm cho các nạn nhân chiến tranh Việt Nam, cho người tị nạn chết trên đường vượt biển? Có biết ngày truyền thống người Nhật tưởng niệm nạn nhân ở Hiroshima? Sự cảm thông của đạo Phật với sự dau khổ, mất mát người thân trong chiến tranh, trong vượt biển, những tù nhân lương tâm ở VN tan biến nơi đâu? Truyền thống Phật Giáo vì cái thiện, cái đúng chống cái ác, cái sai ở đâu rồi?...

*

“Tụi nó” 


Bước chậm rãi trên đường vào cổng chùa, ông cảm thấy bồi hồi. Bao nhiêu kỹ niệm từ thời thơ ấu cùng mẹ đến chùa, nhớ đến bàn tay ấm áp của mẹ, đến mùi hương trầm dịu dàng, cảnh thanh thoát, yên bình trong chùa của ngày nào. Vượt biển, định cư nước ngoài, bao năm trở lại, bao nhiêu vật đổi sao dời nhưng cảnh chùa vẫn như không gì thay đổi. 

Ông cởi giầy vào lễ phật nhưng lại sực nhớ một câu chuyện. Một ông bạn từ Mỹ về, khi lễ Phật xong, đi ra thì đôi giầy, vật tạm bợ trên cõi đời, đã “không cánh nhà bay”. Đấy là nói theo ngôn ngữ từ bi, hỹ xả của người con Phật, chứ nổi máu sân si: “Tiên sư thằng khốn nạn nào, không từ đến nơi cửa từ bi, chôm chỉa mất đôi giầy xịn của tao”. Mặc dù ông bạn mua đôi giầy xịn ở chợ trời Costa Mesa không đáng bao nhiêu tiền, nhưng chẳng lẽ phải đi chân không về nhà? Thật quí hoá, một Phật tử vội cúng dường cho vị “tu sĩ khất thực bất đắc dĩ” này một đôi dép cũ. 

Sau khi chọn vị trí dễ quan sát, đảm bảo an toàn cho đôi giầy, ông bước vào lễ Phật. Gác qua mọi phiền não của thế gian, ông thành tâm thắp hương, lạy Phật... Vị sư già trong chùa cũng hoan hỉ khi có một người con Phật từ phương xa đến, nên cũng bước ra gõ chuông. 

Tượng Phật trên cao, nhìn xuống dưới nơi các Phật Tử quì lạy, thấy ngay một thùng nhận tiền cúng dường. Ông thong thả móc bóp tiền “Phật Tử không cúng dường, tiền đâu Thầy tu sửa chùa, chi phí sinh hoạt... ”. Khi ông chuẩn bị bỏ tiền vào thùng, sư trụ trì nhanh nhẹn tiến đến gần, nói nhỏ: ” Đừng bỏ tiền vào đó. Đừng... Để tiền cúng dưới cái chuông nhỏ kia kià... Trời ơi “tụi nó” giữ chìa khoá... Trời Phật ơi... “tụi nó” lấy hết...”. 

“Là con Phật không tin lời người tu hành, chẳng lẽ tin lời Cộng sản?”. Ông dù còn mơ hồ, chuyện Việt nam hư hư thật thật, và không kịp suy nghĩ, vội đặt tiền dưới cái chuông. Ông cũng không kịp hiểu “tụi nó” là ai? Là ma, là ác quỉ, là một băng đảng Mafia tàn độc... đến nỗi sư trụ trì phải sợ hãi, không dám ra mặt chống lại các ác hiện hữu ngay ở trong chùa? “Tụi nó” chắc chắn không thèm chôm đôi giầy, đó là việc của giai cấp thấp kém, chỉ làm lén lút. “Tụi nó” có quyền, có chìa khóa một cách đường hoàng. Tiền cúng dường cho chùa là tiền của “tụi nó”! 

Đấy là chuyện ở một chùa không nổi tiếng. Nếu là một ngôi chùa nổi tiếng cổ kính được, cảnh quan đẹp đẽ nhiều người đến hành hương, người muốn vào lễ Phật phải trả tiền lệ phí theo đúng qui định của nhà nước. Đương nhiên số người lễ Phật càng đông thì càng có nhiều tiền. Tổ chức lễ hội như thế trở thành hình thức kinh doanh kiếm lời. Dưới sự soi sáng của đảng quang vinh, người ta xem việc kinh doanh này là việc “mua thần bán thánh”. Cũng sự soi sáng này, nước CHXHCN Việt Nam sản sinh ra việc “nộp phí mới được lễ Phật” hay người ta gọi mỉa mai là “Trạm thu phí BOT nơi cửa Phật”. 

Chùa lớn, chùa nổi tiếng thì có BOT. Chùa nhỏ, nơi huyện xã thì có thùng cúng dường do “tụi nó” giữ chìa khoá. Nói chung “tụi nó” có ở khắp các chùa. Tiền từ “BOT chùa”, từ thùng cúng dường đều vào túi “tụi nó”. 

“Tụi nó” là ai? 

Không nói thẳng ra, nhưng ai cũng hiểu “tụi nó” là ai? Tuy nhiên xin được phân tích thêm vài điều. 

Đảng CSVN Việt Nam đã tồn tại qua hai thời kỳ: thời bao cấp HCM và thời đổi mới VVK (Võ Văn Kiệt được xem người có công lớn nhất trong việc đổi mới. Nguyễn Phú Trọng không thể so sánh bằng với VVK vì chỉ biết nhấm nháp “trà Trung quốc”, không có một chính sách lớn và mới. La làng về ”Cái lò” chỉ là ví von và là chuyện chống tham nhũng cũ rích). 

Thời bao cấp HCM, độc tài, độc đảng, kinh tế bao cấp, xem tư bản là kẻ thù đang dãy chết. HCM xem “tôn giáo là liều thuốc độc”, tự đưa mình lên cao hơn Phật, hơn Chúa nên chùa chiền, nhà thờ bị đập phá, bỏ hoang... Thời này chưa có “tụi nó” trong Chùa hay nhà thờ. Nếu có, số lượng không đáng kể. 

Thời đổi mới VVK, thay đổi lớn. Tuy vẫn độc tài, độc đảng nhưng đổi thành “định hướng XHCN” để giữ đảng cai trị, kinh tế bao cấp đổi qua “kinh tế thị trường” tức kinh tế tư bản hay đúng nhất là kinh tế tư bản cuồng, bắt tay với các nước tư bản dãy chết. Chủ trương tiêu diệt tôn giáo vì “tôn giáo là thuốc độc” được thay đổi thành “tôn giáo quốc doanh”. Tu sĩ muốn hoạt động phải được nhà nước cấp giấy phép. Vào đảng càng tốt. Cùng lúc tăng cường ngăn cấm, bắt tù người nào hoạt động tôn giáo không theo sự chỉ đạo của đảng. “Tụi nó” đã thâm nhập vào chùa, nhà thờ ngày càng đông. Thâm nhập bằng cách có thể vừa “đi tu quốc doanh” như “đi kinh doanh”, đi kiếm tiền. Có thể thâm nhập bằng cách chẳng cần tu làm gì, chỉ đứng chỉ đạo, điều khiển cách để tu: “Giảng đạo như thế này nhé... Đừng nói đến điều nhạy cảm này nhé... Khéo léo nhé... Làm như thế này này... để nhân dân đóng góp nhiều hơn... ”. Triết lý đạo được vo tròn, bóp méo cho hợp triết lý Mác-Lê. 

Cùng tôn giáo quốc doanh, các tập tục mê tín dị đoan như lễ hội thánh thần, đồng bóng, phong thủy, bói toán... cũng như đủ các trò giải trí, nhậu nhẹt rượu bia, chân dài, chân ngắn... “Tụi nó” cho người dân “tự do đến thế là cùng”, để mọi người quên đi chính trị, đừng phê bình đảng. Hãy để đảng được yên lành. 

Tinh thần đấu tranh của Phật Giáo? 

Trong năm 1963 nhiều cuộc biểu tình bất bạo động và tự thiêu của các tu sĩ Phật giáo diễn ra chống chính sách bị cho là “phân biệt tôn giáo” của chính quyền miền Nam. Cuộc phản kháng đã dẫn đến cuộc đảo chính tháng 11/1963. Trong chế độ tự do mọi sự phản kháng luôn luôn có tiếng nói và không dễ để chính quyền dập tắt. Chỉ có điều đáng buồn, miền Nam đang phải chống lại chế độ độc tài cộng sản miền Bắc, lại rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài. Các tu sĩ Phật Giáo đã tiếp tục tạo áp lực lên chính phủ như trường hợp thượng tọa Thích Trí Quang kêu gọi “bàn thờ Phật xuống đường” tại Huế, cũng như sự xung đột giữa Phật tử và giáo dân Công giáo vùng Hố Nai tại Saigon... Sự hỗn loạn, phân hóa về chính trị này dễ dầu không bị người cộng sản Bắc Việt tận dụng, đẩy mạnh chiến tranh cho đến kết quả bi thảm ngày 30 tháng Tư 1975. 

Sau ngày 30/4 nhiều tu sĩ Phật giáo, công giáo... bị bắt, đi tù cải tạo. Những tu sĩ đã làm tuyên úy quân đội cũng bị đối xử tàn tệ. Nguyên Viện trưởng Viện Hoá Đạo Phật giáo Việt nam Thống Nhất, cũng là một thượng tọa nòng cốt trong cuộc phản kháng của Phật giáo năm 1963, hoà thượng Thích Thiện Minh bị bắt và bị giết trong tù. Một ký giả ngọai quốc thấy xác lạnh cóng của hoà thương bị quăng nằm cứng đơ trên nền xi măng nhà tù và ông này cho là hoà thượng bị tra tấn đến chết. Nhiều hoà thượng bị quản thúc trong chùa, công an canh phòng như đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ đã bị bắt, bị tù, bị trục xuất, bị quản thúc... 

Đảng và cộng sản nhà nước VN hy vọng thế hệ tu sĩ trẻ Phật giáo không hiểu về truyền thống đấu tranh cho cái đúng, cái sai, cái thiện cái ác của Phật Giáo. Các tu sĩ ấy vui vẻ xin làm “tu sĩ quốc doanh”, chỉ lo kiếm ít tiền “cúng dường”, không dám nói đến cái ác của “tụi nó”: “Ấy... ấy... Mình là tu sĩ chỉ lo tu hành, không hoạt động chính trị. Mình chỉ nghiên cứu Phật pháp, tụng niệm...”. Một tiêu chuẩn khá lý tưởng của một tu sĩ do đảng đặt ra. 

Không! Không ai đòi hỏi nhà tu phải “làm chính trị” để có quyền hành. Một nhà tu muốn giải thoát chúng sinh mọi khổ đau phải biết nói lên cái ác, cái sai... để chỉ ra con đường và cùng đấu tranh chống cái ác, cái sai đó. Người dân miền Trung khổ sở vì biển nhiễm độc, người dân chết trong đồn công an, xã hội đầy bất công tham nhũng người quá giàu, kẻ quá nghèo, người phê phán cái sai của chính phủ thì bị tù đày, bị hành hạ..., không nói lên “tụi nó”sẽ càng lộng hành. 

Không ngạc nhiên khi đảng CS tìm cách đưa ủng hộ viên, dư luận viên, thậm chí công an giả vờ “đi tu” vào nơi chùa chiền. Nhà thờ vì có toà thánh Vatican nên khó hơn, nhưng không tránh khỏi các cảm tình viên CS len lỏi vào. 

Việc này không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu qua các nước có đông cộng đồng người Việt. Ngôi chùa VN tại Sapa, cạnh cờ Phật Giáo còn treo cờ CS, để chứng tỏ mình là Phật Giáo quốc doanh. Có chùa ở Mỹ hay Úc từ chối không treo cờ VNCH - “Chuà chiền không thích hợp cho chính trị. Hơn nữa đâu còn VNCH nữa đâu mà treo cờ“”. Đây chỉ là ngụy biện. Cờ Phật Giáo cũng không phải là cờ quốc gia. Cờ VNCH là biểu tượng cho người Việt tị nạn Cộng sản. Chính vì họ mà có chùa khang trang như thế này. Chẳng lẽ chùa xây do tiền của CS Hà Nội cho? Có thể lắm. Ai cũng biết đảng CS và nhà nước rất quan tâm đến đời sống tâm linh của “các khúc ruột ngàn dậm”: “Bỏ vốn đầu tư để mình có đi qua, các khúc ruột ngàn dậm không biểu tình phản đối cũng được rồi”. 

Đã 43 năm sau ngày 30/4, đảng và Nhà nước CSVN lại tổ chức ăn mừng chiến thắng, đã đánh cho “Mỹ cút, Ngụy nhào” để khoe khoang mình có quân đội hùng mạnh nhất thế giới chỉ sau hai đàn anh, Liên Xô và Tàu. Đấy là điều CS cán bộ lãi nhãi sau 30/4/1975. Với nhiều người Việt, 30/4 là ngày tưởng niệm, lên án chế độ CS đã gây chiến tranh khiến hơn triệu người chết, hàng triệu người phải bỏ nước đi tị nạn... Đến tận hôm nay chế độ độc tài vẫn tiếp tục vi phạm các quyền tự do căn bản của con người. Ở các nước tự do, một số chùa cũng không có lễ tưởng niệm, không góp phần cùng cộng đồng đấu tranh chung tự do và nhân quyền cho người Việt trong nước. 

Phật Giáo không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh cho lẽ phải cho nhân quyền hiện nay ở trong nước. Tại sao thời VNCH Phật giáo đấu tranh rất quyết liệt nhưng bây giờ lại không dám? Nhân ngày 30 tháng tư, chùa có tránh nỗi sợ hãi để tổ chức ngày tưởng niệm cho các nạn nhân chiến tranh Việt Nam, cho người tị nạn chết trên đường vượt biển? Có biết ngày truyền thống người Nhật tưởng niệm nạn nhân ở Hiroshima? Sự cảm thông của đạo Phật với sự dau khổ, mất mát người thân trong chiến tranh, trong vượt biển, những tù nhân lương tâm ở VN tan biến nơi đâu? Truyền thống Phật Giáo vì cái thiện, cái đúng chống cái ác, cái sai ở đâu rồi? 

15.04.2018

No comments:

Post a Comment