SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Điều tra vòng vèo suốt hai năm, 80 viên cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông bị tố cáo ăn tiền hối lộ hàng tỉ đồng để “bảo kê” xe quá tải nhưng chỉ có một người bị “khởi tố.”
Chuyện đầu voi đuôi chuột trong vụ án đưa và nhận hối lộ của các công ty vận chuyển chở quá tải nộp tiền chung chi cho các ông Cảnh Sát Giao Thông (CSGT) của công an và Thanh Tra Giao Thông (TTGT) của Bộ Giao Thông Vận Tải lình xình lâu nay, có thể sắp kết thúc với phiên xử đang được chuẩn bị vào các ngày 19 và 20 Tháng Tư tới đây.
Các hãng xe tải đã nhờ hai “cò” Nguyễn Văn Thới và Lê Thị Cẩm Vân đưa tiền hối lộ cho các quan CSGT và TTGT ở Sài Gòn, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, ồn ào qua vụ bán logo “xe vua” trên mặt báo tại Việt Nam mấy năm trước. Nhìn thấy những cái logo đặc biệt dán trên kính trước xe tải, các ông CSGT và TTGT biết là chủ xe đã “chung chi” đầy đủ nên cứ đi qua. Nếu không có những cái logo xác nhận “xe vua” đó, không thể thoát hạch hỏi, kiếm chuyện.
Theo tin tức kể lại trên các tờ Thanh Niên, VNExpress và Tuổi Trẻ mấy ngày qua, Nguyễn Văn Thới (42 tuổi) và Lê Thị Cẩm Vân (36 tuổi) bị khởi tố vì cầm đầu các tổ chức “Đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ.” Trong số 80 ông CSGT và TTGT thuộc ba địa phương nói trên bị tố cáo cầm tiền “chung chi” nhưng chỉ có Nguyễn Cảnh Chân (45 tuổi, cựu cán bộ Đội 1, Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị cáo buộc “Làm môi giới hối lộ” trong tổng số 10 người bị lôi ra tòa.
Đây là vụ án mua bán logo xe “vua” cho khoảng 15,000 lượt ô tô, thu về hàng chục tỉ đồng mà Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân khai đã “dùng một phần số tiền này để đưa hối lộ cho 80 cán bộ CSGT và TTGT.
Cáo trạng nói ông Nguyễn Văn Thới từng là chủ doanh nghiệp vận tải chở hàng tại Sài Gòn. Xe của ông “thường xuyên bị CSGT, TTGT xử lý lỗi chở quá tải nên Thới phải chung chi cho lực lượng này để họ làm ngơ.” Từ đó, “Thới nảy ra ý tưởng in logo làm ký hiệu ngầm cho CSGT, TTGT bao xe quá tải, rồi bán cho các chủ xe, tài xế nhằm thu lợi.”
Tờ Thanh Niên kể: “Thới bắt đầu tổ chức in, bán logo từ đầu năm 2014 với giá từ 2-2.5 triệu đồng/logo/tháng. Thời gian đầu, Thới bán logo ký hiệu “68,” nhưng đến Tháng Tư, 2015, do hình logo này bị báo chí đăng, Thới đổi logo ký hiệu thành “Garage Thành Đô.” Đặc quyền của những tài xế, chủ xe khi mua logo “Garage Thành Đô” của Thới là sẽ được bao chở quá tải trên địa bàn Sài Gòn và một số tuyến đường ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.”
Tờ Thanh Niên kể tiếp rằng: “Để làm được những việc này, Thới và đồng phạm khai đã chung chi tiền cho một số cán bộ CSGT, TTGT ở nhiều đội, trạm trên địa bàn Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương. Khi xe quá tải có dán logo ‘Garage Thành Đô’ đi ngang qua các tuyến đường Thới đã ‘mua’ thì CSGT, TTGT sẽ làm ngơ không kiểm tra, xử lý hoặc nếu có kiểm tra, người mua logo sẽ gọi điện cho Thới can thiệp, xin không lập biên bản vi phạm.”
Báo này nói: “Khi bán logo cho các chủ xe, Thới lập sổ sách ghi lại biển số xe, số điện thoại của người mua để quản lý. Thời điểm bị bắt (Tháng Tám, 2015), Thới đã bán logo và đang quản lý 1,457 xe, thu về gần 22.8 tỉ đồng.”
Trong lời khai với cơ quan điều tra, ông Thới khai đã đưa gần 5 tỉ đồng hối lộ tất cả 79 lần cho CSGT, TTGT, mỗi lần đưa từ 9-300 triệu đồng. Còn bà Vân khai đường dây của bà thu được hơn 7.9 tỉ đồng, trong đó bà lấy 627 triệu đồng đưa hối lộ cho các CSGT, TTGT với lần đưa ít nhất là 3 triệu đồng, nhiều nhất 150 triệu đồng.
Theo tờ Thanh Niên kể, sau 2 năm điều tra, “hồ sơ vụ án cho thấy cơ quan điều tra đã triệu tập làm việc, lấy lời khai tổng cộng 80 cán bộ CSGT, TTGT liên quan.” Tức là 79 ông tuy nuốt tiền chung chi nhưng lại không bị “xử lý trước pháp luật.”
Theo tờ Tuổi Trẻ: “Cơ quan điều tra đã ghi lời khai của 62 cán bộ (CSGT) được cho là nhận hối lộ nhưng những người này khai không nhận tiền từ các đối tượng trên.” Còn các ông TTGT thì cũng “không có người nào thừa nhận đã nhận tiền của Vân, Thới để không xử phạt các xe chở hàng quá tải.”
Cuối cùng thì “ngoài lời khai của Vân, Thới, Thái thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh những cán bộ này có hành vi nhận hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ nên cơ quan điều tra không khởi tố để xử lý đối với những người này,” tờ Tuổi Trẻ viết.
CSGT và TTGT là những ông đứng đường phải “mua” với những số tiền lớn mới được xếp đặt chỗ đúng để thâu huê lợi. Báo chí trong nước từng đưa những phóng sự kèm theo cả video clip về các vụ “mãi lộ” nhưng tất cả đều giống như ném đá ao bèo. (TN)
No comments:
Post a Comment