Võ Văn Tạo (Danlambao) - (Hồi ức Lộc Vàng, Kim Dung – Kỳ Duyên chắp bút) - Từ khi bị internet và mạng xã hội cuốn theo, tôi đâm lười đọc sách, nhất là những cuốn vài trăm trang trở lên. Nhưng cuốn “Cung đàn số phận” - ghi chép hồi ức đẫm nước mắt anh Nguyễn Văn Lộc, tức Lộc Vàng ở Hà Nội, người bị án 10 năm tù hồi cuối thập niên 1960, xấp xỉ 200 trang, đã cuốn hút tôi một mạch bởi lối kể chuyện dung dị, tài hoa của Kim Dung – Kỳ Duyên, người chắp bút.
Hôm nghe tin cuốn sách đột ngột bị ngưng phát hành giữa chừng, điện hỏi Kim Dung (bút danh Kỳ Duyên), mới hay đây là cuốn sách đầu tay của chị - cựu phóng viên, biên tập viên cao cấp của Báo Nhân Dân, rồi mục Tuần Việt Nam trên Vietnamnet. Kim Dung bộc bạch: đồng cảm, xót thương thân phận bị vùi dập oan ức đến tột cùng của anh Lộc, một người lao động chất phác, thấp cổ bé họng, Kim Dung không viết không đành. Sách được xuất bản bởi NXB Hội Nhà văn, phát hành bởi Công ty cổ phần sách Alpha. Bản thân Kim Dung cũng bị vùi dập cay đắng mấy thập niên ở Báo Nhân Dân. Sếp và đồng nghiệp “gốc rạ” ngứa mắt, chì chiết “lập trường, quan điểm” chị qua từng tấm áo không có màu xanh công nhân, chiếc quần “loe” của cô gái Hà Nội gốc. Kệ! Chị cứ mặc những model mà chị và phần lớn thanh niên thành thị hồi ấy cho là đẹp và yêu thích, chẳng gây nguy hiểm, chẳng hại ai ấy. Kim Dung bị chèn ép, “đì”, ganh ghét đủ các kiểu... Nhưng chị chẳng thể thăng tiến bằng đầu gối.
Lộc Vàng cũng chỉ vì yêu thích và hát cùng bạn bè những ca khúc yêu thiên nhiên, con người, tình cảm lứa đôi, về thân phận, buồn vui nhân thế, có giai điệu thướt tha, ca từ chau chuốt của những Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Anh Bằng… mà ngày nay hay gọi là bolero, mà một đời tan nát. Bị khép tội truyền bá nhạc “đồi trụy, phản cách mạng”, thụ gần hết cái án 10 năm tù + 4 năm tước quyền công dân (gần giống quản chế hiện nay). Ra tù năm 1976, với phận “thằng tù chính trị”, ở thời buổi nhà nước nắm và ban phát mọi thứ thiết yếu qua tem phiếu, nắm hầu hết công ăn việc làm; xã hội, người thân, bạn bè, láng giềng bị đầu độc bởi hệ thống tuyên truyền méo mó, công an và cả hệ thồng chính trị dốt nát nhưng quyền sinh quyền sát… Lộc Vàng cơ cực biết chừng nào.
Phải chăng, hai tâm hồn yêu cái đẹp, hai số phận bị vùi dập, éo le của Kim Dung và Lộc Vàng cùng cộng hưởng, cho ta một “Cung đàn số phận” dập dìu réo rắt?
“Cung đàn số phận” không chỉ đưa ta về thập niên 1960 miền Bắc XHCN – nghèo nàn, lạc hậu, cơ cực, ngu muội, phận người chẳng bằng con sâu, cái kiến. Sự kiện Lộc Vàng vô Sài Gòn hát giao lưu với người hâm mộ ở quán cà phê hồi 2017 bị an ninh, mật vụ cấm cản, phá hỏng; ca khúc “Con đường xưa em đi” bị cấm hát… như nhắc ta: những cái đầu ngu muội, dốt nát, hống hách, tự cho mình cái quyền “Bục công an đặt giữa trái tim người / Điều khiển ngược xuôi dòng máu chạy”, hay “Bắt phanh trần, phải phanh trần / Cho may ô, mới được phần may ô” vẫn đang vênh váo đè đầu cưỡi cổ xã hội Việt Nam hôm nay.
Trích “Cung đàn số phận”:
Đối thoại tại phiên tòa xử Lộc Vàng và “đồng bọn” Toán Xồm:
“Chánh án: - Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi trụy không?
Toán Xồm: - Dạ! Thưa quý tòa, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng hòa dân chủ Đức thôi ạ!
- Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?
- Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất bản của nhà nước đã in và sân khấu của nhà nước đã có nhiều ca sĩ biểu diễn ạ!
- Vậy anh có biết “cha cha cha” là cái gì không?
- Dạ! Có ạ! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!
- Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?
- Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hóa. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều sử dụng cả ạ!
- Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!
- Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
- Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố!” để cắt lời Toán Xồm – kẻ tội lỗi.
Không hề có ai bào chữa!”
(tr 88-89)
2. Lộc Vàng bị phạt cùm vì hát nhạc… đỏ trong tù:
“…Thế nhưng tôi vẫn bị cùm, dù tôi hát… nhạc đỏ hẳn hoi. Nghĩ cũng buồn cười.
Số là sáng đó, đang làm gạch. Hứng lên, tự nhiên tôi hát tướng: “Đảng của tôi ơi, người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Của đáng tội, có lẽ vì tôi bướng bỉnh không chịu hát nhạc đỏ từ trước, mà bây giờ, vừa hát một câu, lập tức người ta suy diễn, vì… chạnh lòng. Có ai đó báo cáo giám thị, lập tức ngay ngày hôm sau tôi bị gọi lên, và bị các ông cán bộ xúm lại “dạy bảo” theo kiểu của họ: Mày thích sáng mắt sáng lòng thì cho mày sáng mắt sáng lòng này! Thích này! Thích này! Hự…hự…hự. Vừa “dạy bảo”, các ông vừa đay đi đay lại câu nói. Cái thằng tù Lộc Vàng là tôi chỉ còn biết cắn răng lại chịu đựng. Và cũng vừa buồn cười vừa tự xỉ vả chính mình. Ai bảo cơ! Ai bảo lúc cần hát thì không hát. Lúc không cần thì “rống” lên. Sau trận đòn, tôi bị các ông công an tống vào nhà cùm. Cho sáng mắt!” (tr 105)
Một số ảnh trong phụ lục ảnh của “Cung đàn số phận”.
No comments:
Post a Comment