TTTVN 2018-01-09
Ông Đinh La Thăng (giữa) trong phiên tòa tại Hà Nội hôm 8/1/2018 AFP
Phiên tòa Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đang xử tại Tòa án Hà Nội. Đây được xem là một vụ trọng án kinh tế và mang hơi hướm chính trị theo nhiều cách đánh giá khác nhau. Có thể nói đây là phiên tòa mà hầu hết người dân Việt Nam trong và ngoài nước đều quan tâm. Mức độ quan tâm và cách đánh giá có thể khác nhau, nhưng rõ ràng đây là phiên tòa đặc biệt của năm 2018 và của lịch sử cầm quyền đảng Cộng sản Việt Nam.
Dư luận phân hóa?
Theo đánh giá của một nhà văn, họa sĩ, hiện sống tại Hà Nội, ông sẵn sàng nêu tên nhưng chúng tôi xin giấu tên của ông để đảm bảo an toàn cho ông: “Không biết bởi lý do nào họ khen nọ khen kia không, theo kiểu mượn gió ấy, như là vì ghét Trọng lú nên ủng hộ Thăng. Vì sao ghét Trọng lú vì không ưa chế độ, Trọng lú là đại diện cho chế độ độc quyền, độc tài, không ưa chế độ độc tài thành ra kẻ thù của độc tài thì là ta, đại khái vậy nên đâm ra quay ra tâm tư với Thăng. Nhưng thực ra Thăng là sản phẩm của chế độ, nên việc tâm tư ấy là không ổn. Hiện nay dư luận bị phân ra, có những tâm tư như anh Thăng thế này, tốt, anh ấy thế này thế khác, anh Thăng cho... Nó lấy tiền của nhân dân đói rách ở trên miền núi rồi nó cho mấy ông ở bô, mấy thằng cán bộ, nghệ sĩ tí rượu ấy, đổ mồm ra ca ngợi, nó móc tiền của mấy đứa trẻ cởi trần trên núi, của những người dân đói khổ rồi nó cho những thằng cán bộ, nhà báo, nghệ sĩ í rồi đâm ra tâm tư.”
Nhà văn, họa sĩ này cho rằng vấn đề phân hóa thông tin hiện nay rất mạnh, nhiều người cầm bút tỏ ra khóc tiếc cho Đinh Là Thăng và xem ông Thăng như một ngôi sao bài Trung bị ngã ngựa. Nhưng ông cũng đặt dấu hỏi về những gì gọi là thất thoát do ông Thăng gây ra trong lúc người dân miền núi, thậm chí người dân thành phố Sài Gòn, ngay cái nơi ông Thăng làm bí thư thành ủy phải chịu cảnh đói khổ, lạnh lẽo, thì ông Thăng đã làm gì, đã cho rượu ngon cho ai và ai đã uống rượu ngon của ông ta đến mức cay mắt cảm động?
Từ thành phố Sài Gòn, một nhà văn gạo cội cũng sẵn sàng nêu tên nhưng chúng tôi xin phép giấu tên ông, ông chia sẻ: “Chuyện đó cũng rõ rồi, nói chung ông Trọng làm thì được Trung Quốc bật đèn xanh rồi. Chứ một người như ông Trọng, không có quá trình cách mạng, chưa từng đi lính, chỉ là được Trung Quốc yểm trợ thành ra đứng ra có quyền, chắc chắn có Trung Quốc chống lưng mới dám làm vậy, mà nó làm dữ vậy nó sẽ làm được đó, có nghĩa là sẽ động đến nhiều người cao hơn nữa, cho nên vụ này thú vị lắm đấy, chứ không phải đùa đâu.”
Theo nhà văn, vấn đề ông quan tâm nhất vẫn là làm thế nào để người dân bớt khổ vì hàng loạt sắc thuế và làm thế nào để dân trí được phát triển. Còn chính trường Việt Nam hiện tại, có thể nói rằng mọi chuyện gần như không còn gì để bàn. Vấn đề chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng cho dù có đứng trên bình diện phe nhóm chính trị đi nữa thì cũng tốt hơn nhiều so với việc không làm mà chỉ hô hào. Mọi đồng tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân, lấy được đồng nào trả về cho ngân sách quốc gia thì tốt đồng đó.
Một thầy giáo về hưu, ở Quảng Nam, chia sẻ: “Về phía nhà nước thì mình thấy có quyết tâm đó, quyết tâm lập lại trật tự, quyết tâm làm trong sạch để người dân họ tin, để chế độ tồn tại. Về mặt kinh tế thì thất thoát nhiều quá mà, thì phải làm để lấy lại được phần nào chứ.”
Theo vị nhà giáo này, vấn đề phe nhóm chính trị đánh nhau ông không quan tâm mấy, với tư cách một nhà giáo suốt đời tâm huyết với phấn trắng bảng đen, ông chỉ mong sao nhân dân được sống tốt, dân trí được phát triển và nạn tham nhũng, vơ vét không còn nữa. Chỉ có như vậy thì quốc gia mới được bình yên và nhân dân mới bớt khổ.
Với suy tư của một thầy giáo giảng văn suốt mấy chục năm, ông cho rằng những đấu đá chính trị bẩn thỉu nếu có thì không nằm trong sự quan tâm của ông. Ông chỉ quan tâm đến việc chống tham nhũng có triệt để hay không và đến bao giờ thì bộ máy nhà nước được kiện toàn, cho dù nó đứng trên bình diện chính trị hay đảng phái nào cũng không quan trọng, miễn sao đất nước phải phát triển theo đúng ý nghĩa của một quốc gia văn minh, tiến bộ, tự lực, tự cường.
Với một nghệ sĩ tại Đà Nẵng, ông nổi tiếng nói thẳng và không sợ đụng chạm, nhưng chúng tôi xin phép giấu tên, ông chia sẻ: “Cái vụ này thật ra là đấu đá nội bộ với nhau, lấy từ quyền lợi của phe này chuyển qua phe khác thôi chứ có gì đâu. Chứ như nói về dầu khí thì có biết bao nhiêu thằng, có bao nhiêu thằng mà sao nó không lôi ra, nói chung đụng là loạn.”
Có thể nói rằng phiên tòa được xem là đại án kinh tế đang diễn ra tại Hà Nội, thì trong cách đánh giá của các nghệ sĩ, trí thức, đây cũng là một đại nghi án rằng liệu cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng có đốt được hết các cây củi tham nhũng, hay chỉ đốt một số cây trong rừng nhà khác mà chừa lại cánh rừng nhà mình?
Liệu có một bàn tay khác?
Nhà văn từ Sài Gòn chia sẻ thêm: “Bây giờ nước mình nát bấy rồi, thành ra bây giờ cứ để nó đánh tham nhũng coi chơi, thành ra mình ủng hộ chống tham nhũng. Như thằng Tập Cận Bình nó xâm lược mình thì mình ghét nó chứ nếu chỉ tính tham nhũng thì nó chống tham nhũng rất tốt, tướng lãnh, ủy viên chính trị, bị bắt vài chục năm tù, nó bắn hoặc có đứa sợ quá tự tử chết. Cứ cho Trọng là tay sai của Tàu làm theo chỉ thị của Tàu cộng, nhưng nếu làm theo chỉ thị diệt tham nhũng, mặc dù diệt tham nhũng này tham nhũng khác mọc ra nhưng việc đó tính sau chứ giờ diệt tham nhũng thì mình khoái đã, đằng nào mình cũng không thể xấu hơn được nữa.”
Theo ông, câu chuyện chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay có nhiều nét rất giống với câu chuyện chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc. Và nếu chống tham nhũng một cách rốt ráo theo cách của đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện trong vài năm qua cũng là điều tốt. Vấn đề còn lại, ông vẫn mong mỏi và chờ đợi một quốc gia tốt hơn, tiến bộ hơn và dân chủ hơn. Nhưng nghe có vẻ như câu chuyện này còn quá xa vời bởi hiện tại, những gì ông nhìn thấy không cho ông một dự đoán nào về sự cải cách hay sự thay đổi nào đáng kể.
Theo ông, câu chuyện Việt Nam hiện tại không còn đơn thuần là câu chuyện đơn phương của một chế độ, một thể chế, mà đó là sự đan xen, lồng ghép và cộng hưởng của nhiều yếu tố quyền lực.
Nhà văn từ Hà Nội, chia sẻ thêm:“Đấy là một cái trọng tội, cái tội còn hạ cấp hơn cả tội ăn trộm vặt. Vì như đạo tặc thì bần cùng sinh đạo tặc, vì nó đói, do xã hội... Cái tội này vừa trọng tội mà còn hạ cấp, hèn mạt hơn tội ăn cắp thông thường, bọn này là con ông cháu cha chứ có bần cùng gì đâu, chúng sướng từ bé, vậy nên nó là tội tham lam, cái tội đặc trưng của chế độ độc tài này, thế nên Thăng này là trọng tội, đó là suy nghĩ của riêng mình.”
Nhìn chung, phiên tòa đang diễn ra tại Hà Nội để lại một ấn tượng khá mạnh về vấn đề chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay. Và phiên tòa cũng để lại những nghi vấn về vấn đề phe nhóm chính trị. Nhưng dù sao đi nữa thì hành động chống tham nhũng quyết liệt của Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam cũng tạo được ấn tượng tốt trong nhân dân. Vấn đề phát triển đến đâu thì chưa rõ!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
No comments:
Post a Comment