RFA 2018-01-08
Cai Lậy Cảnh sát được huy động trong ngày 30/11 tại trạm BOT Cai Lậy Courtesy FB Ban Huu Duong Xa
Từ sau cuộc khủng hoảng tại BOT Cai Lậy đến nay, tại nhiều trạm BOT trên cả nước thường xuyên lặp lại tình trạng tài xế chặn xe, sử dụng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí quá cao hoặc đặt tại vị trí không phù hợp.
Phản đối BOT khắp mọi nơi
Chỉ trong tuần lễ đầu tiên của năm 2018 đã có nhiều vụ việc người dân nổi lên phản đối các trạm BOT trên cả nước, điển hình như trạm BOT Đại Yên ở Quảng Ninh, trạm BOT Sông Phan – Bình Thuận, trạm Tam Kỳ ở Quảng Nam, trạm BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp, và đến ngày 8/1 là trạm BOT Sóc Trăng.
Hàng loạt các cuộc phản đối tương tự như vậy diễn ra kể từ khi tài xế dùng tiền lẻ mua vé tại trạm BOT Cai Lậy vào những tháng cuối năm 2017 khiến trạm này liên tục thất thủ và đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo cho dừng thu phí từ 1 đến 2 tháng để tìm hướng giải quyết.
Nói với đài RFA, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng hiện tại Việt Nam chỉ có hai sự lựa chọn hoặc là chấm dứt tất cả các dự án BOT hoặc là tiếp tục làm nhưng phải giải quyết những bất cập khiến dân bất bình bấy lâu nay:
Ngân sách không đủ để mà đáp ứng thế thì hoặc là không làm thì chẳng có gì mà thu mà cũng chẳng ai thu. Không làm thì cứ đường cũ mà đi. Còn nếu muốn đi nhanh hơn thì phải làm, một khi làm không có tiền thì phải gọi tư nhân. Mà gọi tư nhân thì phải cho người ta thu hồi phí.
Nếu BOT giao thông ở đúng chỗ thì vẫn phát triển tốt thôi, không có vấn đề gì mà nhân dân cũng không phản đối. Hiện nay các đường cao tốc cũng đều phải trả phí nhưng dân họ không nói gì bởi vì muốn đi nhanh thì phải trả tiền nên người ta cũng thấy hợp lý, miễn đừng quá cao.
Nếu BOT giao thông ở đúng chỗ thì vẫn phát triển tốt thôi, không có vấn đề gì mà nhân dân cũng không phản đối.
- Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm chỉ rõ những bất cập trong các dự án BOT hiện nay đó là các trạm thu phí được đặt ở các vị trí độc đạo, ép người dân phải đi trên con đường thu phí mà không có sự lựa chọn nào khác. Thứ hai là tình trạng đầu tư trên đoạn đường này nhưng lại thu phí đoạn đường khác, mà điển hình là trường hợp BOT Cai Lậy. Thứ ba là vấn đề giá vé quá cao so với thu nhập của người dân.
Chuyện các trạm BOT thu phí quá cao có thể nói là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đa số các cuộc phản đối của cánh tài xế. Trong những bản tin được truyền thông trong nước loan đi, có nhiều người dân kêu than rằng một ngày họ phải chở con đi học và chở con về đến 4, 5 lần, tổng cộng phải trả tiền phí qua trạm lên đến gần 200.000 đồng/ ngày. Họ nói rằng tiền phí có khi còn cao hơn cả thu nhập của một số người.
Trao đổi với RFA, một tài xế ở Long An, xin giấu tên, nêu ra những vấn đề “vô lý” mà các trạm BOT cần giải quyết:
Ở Long An mình cũng chuẩn bị sẽ có 1 BOT. Nhưng người ta đầu tư toàn bộ số vốn để làm nên 1 con đường mới. Và người ta đặt vị trí BOT trên con đường mới đó thì không ai có thể chống đối hoặc phản đối. Đó là hợp lý. Còn trạm BOT Cai Lậy làm đường tránh nhưng lại thu trả con đường Quốc lộ 1 do ông cha để lại. Quá vô lý.
Tuyến đường đó, chủ đầu tư banh hết con đường, nâng cấp hoàn toàn con đường thì đặt trạm BOT hoàn toàn hợp lý. Ví dụ mình làm hoàn toàn mới, nâng cấp hoàn toàn mới thì đặt BOT người ta không phản đối. Còn nếu chỉ trải 1 lớp nhựa ngang qua rồi thu phí 2 con đường thì quá vô lý.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển cho rằng để ngành BOT giao thông Việt Nam còn có thể phát triển trong tương lai thì Nhà nước cần ngay lập tức hủy những dự án bất công với người dân và chỉ cho xây dựng những dự án được hoạch định cụ thể, hợp lý:
Tôi nghĩ rằng vì BOT đã bị biến dạng và méo mó một cách hết sức xấu như thế này thì tôi nghĩ rằng Nhà nước nên chấm dứt những chuyện như vậy và chỉ cho những dự án BOT nếu được thẩm đinh có thực lực thật. Thậm chí cho cả nước ngoài thầu cũng được, Tàu cũng được, nếu họ làm một con đường riêng và sau 15 năm gì đó trao cho chúng tôi. Nhưng tiền phải là của các ông, chứ không phải chỉ có mấy phần trăm xong rồi đi vay mượn lung tung của ngân hàng. Tức là việc thẩm định các dự án BOT phải thật nghiêm túc.
Giải thích vì sao lại gọi BOT ở Việt Nam đã bị “biến dạng, méo mó”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói rằng người ta đã lạm dụng các dự án dưới mác “BOT” để kiếm tiền một cách bất chính.
Ông cũng nhắc lại một điểm đó là các dự án BOT phải được công khai với người dân để họ biết ai là người đầu tư và người đó có khả năng hay không, kế hoạch như thế nào. Ông nhấn mạnh rằng trong một dự án BOT gồm có 3 bên là Nhà nước, chủ đầu tư và người dân thì người dân là bên quan trọng nhất. Vì vậy ông cho rằng người dân phải được quyền góp tiếng nói vào dự án mà họ phải bỏ tiền túi đển trả phí.
Tuy nhiên, tại hầu hết các dự án BOT ở Việt Nam người dân và cụ thể là giời tài xế và cả các doanh nghiệp giao thông vận tải nói rằng họ chưa bao giờ được hỏi ý kiến. Trong khi đó lẽ ra việc này phải được thực hiện như một phần của báo cáo đánh giá tác động môi trường xã hội mà Việt Nam quy định tất cả các dự án phải có.
Ngoài ra, kết luận thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 9/2017 còn nêu rõ là 100% các dự án BOT ở Việt Nam là chỉ định thầu và lý do cơ quan chức năng đưa ra là chỉ có một nhà đầu tư duy nhất tham gia.
Giải pháp trước mắt
Qua hàng loạt các cuộc phản đối của người dân tại các trạm BOT, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm đưa ra những giải pháp trước mắt để đối phó với tình trạng này:
"Anh làm dự án đường nào thì thu phí đường đó. Giá phí đừng quá cao, bình thường thôi, người ta sẽ chấp nhận được. Nhưng như thế nhà đầu tư không thu hồi được nhanh số vốn như dự định, thì Nhà nước phải đóng góp vào đó một phần tiền.
Chẳng hạn như thu phí ở con đường tránh dự định trong 10 năm để thu hồi vốn nhưng vì lượng xe ít phải mất độ 20 năm, thì Nhà nước phải bỏ vào một nửa tiền. Cách đó là hợp lý nhất và nhanh nhất."
Hiện tại các dự án BOT ở Việt Nam đều do nhà đầu tư bỏ tiền ra để xây dựng sau đó thu phí để hoàn vốn là lấy phần lãi đã dự tính. Sau khi thu được cả vốn và lời, nhà đầu tư sẽ giao cho Nhà nước quản lý. Đây cũng là mô hình Xây dựng – Vận hành –Chuyển giao theo đúng nghĩa BOT nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Tuy nhiên ở Việt Nam nhiều nhà đầu tư đã đề nghị mức phí cao để rút ngắn khoảng thời gian thu phí lại.
Tuyến đường đó, chủ đầu tư banh hết con đường, nâng cấp hoàn toàn con đường thì đặt trạm BOT hoàn toàn hợp lý.
- Tài xế
Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại để ý thấy rằng năm 2017 Chính phủ Việt Nam đã thu thuế vượt 70 ngàn tỷ so với kế hoạch. Vì vậy ông đề xuất rằng Việt Nam lấy số tiền đó hoặc lấy tiền ngân sách mua lại các dự án BOT, nhưng không mua với cái giá nhà đầu tự khai vống lên mà phải có kiểm toán độc lập, công khai về khoản tiền được chi cho dự án.
Cuộc khủng hoảng mang tên BOT đã nhiều lần được các vị lãnh đạo cấp cao nhắc đến, trong đó có ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Khi vụ việc tại trạm BOT Cai Lậy bùng nổ, bà Ngân từng công nhận rằng người dân phản đối là đúng, đồng thời Thủ tướng Phúc cũng hứa sẽ giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên cho đến giờ này đã một tháng trôi qua vẫn chưa thấy Việt Nam đưa ra giải pháp để giải quyết rốt ráo vấn đề này.
No comments:
Post a Comment