SÓC TRĂNG, Việt Nam (NV) – Tài xế dừng xe ngay trạm thu phí Sóc Trăng phản đối bằng nhiều cách nên chủ đầu tư của trạm thu phí buộc phải “xả trạm” để giải tỏa kẹt xe kéo dài cả hai phía vào hôm Chủ Nhật, 7 Tháng Giêng, 2018.
Một số báo tại Việt Nam trong đó có tờ Thanh Niên cho hay trạm thu phí BOT Sóc Trăng đã phải xả trạm lúc 8 giờ 30 phút sáng hôm Chủ Nhật vì phản ứng bất tuân quy định đóng tiền phí gây kẹt xe nghiêm trọng cả hai phía. Sau đó, đến 2 giờ chiều cùng ngày, trạm thu phí BOT Sóc Trăng mở cửa thu phí trở lại và lập tức “vỡ trận.”
Tờ Thanh Niên kể rằng: “Một tài xế cho xe đậu ngay đầu ca bin bán vé, nhất định không mua vé, yêu cầu mở rào chắn cho xe chạy vì cho rằng trạm thu phí bất hợp lý. Một tài xế khác điều khiển xe đầu kéo dừng trước cửa ca bin rồi đóng kín cửa xe, ngả người nằm nghỉ trên ghế xe mà không nói một lời nào.”
Nguồn tin thuật lời một tài xế cũng dừng xe tại trạm thu phí, “phân trần” rằng anh ta sáng đi không phải mua vé (BOT Sóc Trăng xả trạm vào buổi sáng) nên không mang theo tiền, giờ trạm lại thu phí nên phải chờ người nhà mang tiền đến mới có tiền mua vé. Vì “Rất nhiều tài xế cho xe ngừng ngay trạm thu phí khiến cho các xe phía sau cũng bị tắc cả một đoạn dài ở cả 2 hướng.”
Tương tự như trạm thu phí BOT Cai Lậy và nhiều trạm thu phí khác, trạm thu phí BOT Sóc Trăng đặt trên QL1 (thuộc địa phận xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) thay vì đặt trên “tuyến tránh” tức con đường được xây dựng theo công thức BOT đi qua phải trả tiền sử dụng. Người dân từ chối trả phí “vì cho rằng BOT Sóc Trăng này đặt không đúng chỗ, thu phí cao. Theo các tài xế, mặc dù họ không đi tuyến tránh thành phố Sóc Trăng nhưng vẫn phải trả tiền tuyến tránh.”
Theo tờ Thanh Niên cho biết, “BOT Sóc Trăng là trạm thu phí dùng để hoàn vốn cho dự án mở rộng QL1, đoạn Km2118 + 600 thuộc địa phận xã Thuận Hòa (H. Châu Thành) đến Km2127 + 320 thuộc xã Đại Tâm (H. Mỹ Xuyên) và xây dựng tuyến tránh thành phố Sóc Trăng.”
“Dự án có tổng chiều dài khoảng 16 km, vốn đầu tư 1,419 tỷ đồng. Đơn vị đầu tư là liên danh công ty CP Đạt Phương và công ty TNHH BOT QL1 Sóc Trăng. Mức thu phí tại trạm này dao động từ 25,000 – 140,000 đồng/lượt, bắt đầu thu từ ngày 1 Tháng Sáu, 2017, thời gian thu phí 18 năm 9 tháng.”
Những ngày đầu năm 2018, trước BOT Sóc Trăng, giới tài xế đã dừng xe giữa làn thu phí để phản đối nên trạm thu phí BOT Ninh An tiếp tục xả trạm nhiều lần. Trạm thu phí BOT Ninh An trên quốc lộ 1A đặt tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Năm vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ phản đối các trạm thu phí BOT từ Bắc chí Nam. Những vụ đáng chú ý như sự phản đối tại các trạm BOT Cai Lây (Tiền Giang), BOT Bến Thủy (Hà Tĩnh), BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ , BOT Đồng Nai…
Các trạm thu phí BOT được ví “giống như tấm lưới giăng ra lùa hết xe cộ của người dân để lấy tiền,” nhiều người ví cách khác như cướp ngày được nhà cầm quyền bảo kê.
Từ những vụ chống đối, người ta mới thấy hé lộ ra chủ đầu tư của những dự án BOT tại Việt Nam đều không qua đấu thầu, mà chỉ định thầu bí mật và “chủ đầu tư” đều là những người liên quan đến một số quan chức “tay không bắt giặc” của chế độ. (TN)
No comments:
Post a Comment