Wednesday, November 8, 2017

Thương Ưởng và cái Hộ khẩu

Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Thương Ưởng nhận thấy trong nước Tần, người ăn không ngồi rồi rất đông, điển hình từ giai cấp quý tộc, giới công thần có chức có quyền cho tới đám hậu duệ 5 c hay dây nhợ 6 ệ được hưởng nhiều bổng lộc, nhiều đặc lợi, đặc quyền kinh tế đến mức nghịch lý và nhất là về mặt công lý, ví dụ quý tộc hay phe cánh công thần phạm tội dù nặng tày đình vẫn được xử kín giữa họ với nhau theo lệ riêng; còn dân thường phạm tội như ăn quỵt 2 cái bánh vì quá đói, ăn cắp 3 con vịt về đánh tiết canh đưa cay thì bị xét xử cực kỳ nghiêm minh, kết án nặng nề theo luật định. Là giai cấp vô sản xuất song họ lại sở hữu u ê đất đai, biệt phủ, xe ngựa như bọn trọc phú cường hào triều Trụ. Thương Ưởng cho rằng chính cái đám “sáng sách ô đi, tối sách ô về” này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân cốt lõi khiến cho nước Tần trì trệ, không chịu phát triển”.

*

Sách Đông Châu Liệt Quốc và Sử ký Tư Mã Thiên có chép chuyện cái Hộ khẩu. Tổng lược:

Vệ Ưởng, họ tên thật là Công Tôn Ưởng thuộc quý tộc nước Vệ, là học sĩ theo phái Pháp gia (chủ trương trị nước bằng pháp luật). Ông bỏ nước Vệ sang nước Ngụy một thời gian, rồi qua nước Tần. Ở đây ông được Tần Hiếu Công trọng dụng sau khi nghe ông thuyết giảng về sách lược Bá đạo để phát triển nước Tần, phong cho chức quan Tả thứ trưởng để cải cách chế độ (biến pháp), rồi lần hồi giao quyền Tướng quốc, ban tước hầu, cấp cho 15 ấp vùng đất Thương Ư nên từ đó ông có tên là Thương Ưởng. 

Thương Ưởng nhận thấy trong nước Tần, người ăn không ngồi rồi rất đông, điển hình từ giai cấp quý tộc, giới công thần có chức có quyền cho tới đám hậu duệ “5 c” hay dây nhợ “6 ệ” (1) được hưởng nhiều bổng lộc, nhiều đặc lợi, đặc quyền kinh tế, thường khi đến mức nghịch lý và nhất là về mặt công lý, ví dụ quý tộc hay phe cánh công thần phạm tội dù nặng tày đình vẫn được xử kín giữa họ với nhau theo lệ riêng; còn bá tánh phạm tội như ăn quỵt 2 cái bánh vì quá đói, ăn cắp 3 con vịt về đánh tiết canh đưa cay thì bị xét xử cực kỳ nghiêm minh, kết án nặng nề theo luật định. Là giai cấp vô sản xuất, chẳng có công trạng, công trận gì với dân với nước song nhờ móc ngoặc họ lại sở hữu u ê đất đai, biệt phủ, xe ngựa như bọn trọc phú cường hào triều Trụ. Thương Ưởng cho rằng chính cái đám “sáng sách ô đi, tối sách ô về” này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân cốt lõi khiến cho nước Tần trì trệ, không chịu phát triển. 

Với chủ trương “giúp đời không chỉ có một con đường, trị nước không cần theo phép cũ” (trị thế bất nhất đạo, sử quốc bất pháp cổ); “đối nội dùng tra tấn, đối ngoại dùng giáp binh” (nội hành đao chính, ngoại dùng giáp binh), Thương Ưởng tu hình, biến pháp trong 2 đợt mà chế định ra nhiều pháp lệnh (sau gom lại thành sách là Thương Quân Thư), giúp nhà Tần quật khởi, trở nên phồn vinh hùng cường, ‘ổn định ở bên trong, hữu nghị rồi bành trướng lãnh thổ rộng ra bên ngoài’, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều mâu thuẫn gay gắt về lợi ích với thế lực quý tộc và công thần, cực kỳ khắc bạc với đại chúng.

Trong Thương Quân Thư có chủ trương cải cách ruộng đất và thuế khoá; có chính sách ngu dân, chuyên chính về tư tưởng và văn hoá, đặc biệt là pháp lệnh Cấm gian tức chế độ Hộ khẩu khắc nghiệt khiến dân tình ngậm hờn oán thán, như sau:

Cứ năm nhà gọi là Ngũ, mười nhà gọi là Thập, tên chữ là Ngũ thập Liên gia. Một nhà có lỗi thì Chín nhà kia phải tố cáo – nghĩa là người người bất luận ông bà, cha me, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, hàng xóm tất tật đều phải tự ý thức có nghĩa vụ giám sát và tố cáo lẫn nhau – nếu không tố cáo thì cả Mười nhà phải chịu tội chung, cùng bị chết chém ngang lưng (yêu trảm). Cấm cha con, anh em trai trưởng thành ở chung một nhà. Mỗi người đều phải có một cái thẻ, tên chữ là "Bằng cứ”, tương tự cái Hộ khẩu giấy (2) mà triều nhà sản Việt Nam dùng để kiểm soát nhất cử nhất động của từng người dân trong nước. Không ai được tự ý dời chỗ ở, ai chứa chấp người không có thẻ Hộ khẩu (mặc định bị quy là kẻ gian) cũng bị tội chém ngang lưng. 


Tần Hiếu Công mất (338 trước Tây lịch), Tần Huệ Công nối ngôi, muốn trị tội Thương Ưởng vì trước đó Ưởng đã hành tội 2 thầy dạy mình là Công Tôn Giả (bị thích chữ vào mặt), và Công Tôn Kiển (bị cắt mũi); cọng thêm sự vùng dậy của giai cấp quý tộc nạn nhân, kẻ thù của Thương Ưởng, suốt chục năm trường. Thương Ưởng bị thất sủng, biết sẽ bị trả oán, lén về đất Thương Ư, Tần Huệ Công biết được, cho binh lính đuổi theo, Ưởng cả sợ, bèn giả dạng dân thường bỏ trốn. Chạy đến Hàm Quan thì trời chập tối, Ưởng vào nhà trọ định ngủ qua đêm. 

Chủ nhà trọ hỏi: có thẻ Hộ khẩu không?

Ưởng nói: không có vì để quên ở nhà.

Chủ nhà trọ đáp: Phép của Thương Quân (tức Thương Ưởng) nghiêm cấm chứa những người không có thẻ Hộ khẩu, ai phạm pháp đều phải chém, tôi không dám cho trọ. 

Ưởng đành đi ra, ngước mặt lên trời, than: Ta bày ra cái thẻ ấy, nay chính nó hại ta, khác nào ta đánh ta!

Rốt cuộc Tần Huệ Công cũng bắt được Thương Ưởng, đem ra chợ Dẫn Trì thuộc đất Trịnh, hành hình bằng ngũ mã phân thây để thị chúng, rồi giết sạch luôn toàn gia quyến Thương Ưởng.

*

Non một thế kỷ sau, Thừa tướng pháp gia Lý Tư áp dụng lại chính sách tàn khốc Thương Quân Thư, giúp nhà Tần dưới triều Thủy Hoàng trở nên mạnh nhất trong Thất hùng, rồi thống nhất nước Tàu. Tần Thủy Hoàng mất, Lý Tư bị hoạn quan Triệu Cao gièm pha nên bị Tần Nhị Thế khép tội, tru di tam tộc (giết cả ba họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ). Sau Triệu Cao giết Nhị Thế, lập con Phù Tô là Tử Anh lên thay. Đăng quang xong, Tử Anh giết ngay Triệu Cao, nhưng rồi không lâu sau, nhà Tần bị Lưu Bang diệt, lập ra nhà tiền Hán. 

Và kể từ khi Mao Trạch Đông đuổi Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan, độc chiếm đại lục nước Tàu vào năm 1949, nhìn chung, ảnh hưởng của Thương Ưởng còn lớn hơn cả Khổng Tử trong hầu hết đường lối, cải cách lớn ở nước Tàu cộng sản và tiếp theo xuất cảng sang nước phên giậu núi liền núi, sông liền sông, mỗi rạng đông cùng nghe tiếng gà gáy, điển hình là cái chế độ Hộ khẩu khắc nghiệt khiến dân tình khắp nơi ngậm hờn oán thán mấy chục năm qua và chưa biết đến bao giờ nó mới cụ thể và dứt khoát được bãi bỏ (3).

(Liège, 11/2017)


___________________________________

Chú thích:

(1) “5 c”: con cháu các cụ cả; “6 ệ”: tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ.


(3) Bộ Công an, 07/11/2017: Từ năm 2020 bỏ sổ hộ khẩu giấy!

Sh

No comments:

Post a Comment