HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Phân nửa số đơn thư khiếu nại tố cáo của dân, phần lớn liên quan đến đất đai, đã không được các cơ quan của nhà cầm quyền CSVN xem xét giải quyết.
Theo báo Thanh Niên, trong một bản báo cáo nêu ra tại Quốc Hội CSVN hôm Thứ Ba, 7 Tháng Mười Một, bà Nguyễn Thanh Hải, trưởng Ban Dân Nguyện của Quốc Hội, cho hay: “Trong thời gian từ Tháng Tám, 2016, đến Tháng Tám, 2017, Quốc Hội nhận được 42,855 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 167 đơn so với cùng kỳ), trong đó có 28,023 đơn trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung… (chiếm 65.9%). Sau khi nghiên cứu xem xét, đã có 7,121 đơn đủ điều kiện được chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, Quốc Hội chỉ nhận được 3,591/7,121 văn bản trả lời, tỷ lệ chỉ đạt 50.43%.”
Quốc Hội CSVN, trên Hiến Pháp của chế độ, được xưng tụng là “cơ quan quyền lực cao nhất nước” nhưng lại chỉ có thể đóng vai trò làm “thùng thư” để nhận rồi chuyển đến các cơ quan trung ương và địa phương của CSVN trông chờ giải quyết. Thậm chí một phân nửa bị lờ đi như không có.
Trước tình trạng này, tờ Thanh Niên cho biết Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội chỉ phàn nàn nhẹ nhàng là chính quyền các cấp “chưa quan tâm đúng mức” đến việc thông báo kết quả giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đến các đại biểu dân cử.
Trong số những đơn thư khiếu nại tố cáo mà người dân gửi đến Quốc Hội khoảng 60% đến 65% liên quan đến cưỡng chế đất đai. Con số này rất thấp so với con số thống kê từng được nêu ra trước đây.
Ngày 17 Tháng Tư, báo Thanh Niên cho hay: “Trung bình mỗi năm Quốc Hội nhận khoảng 20,000 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó 70% liên quan đến vấn đề đất đai.”
Ngày 31 Tháng Bảy, báo Tuổi Trẻ đưa tin theo tài liệu của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường thì “Thanh tra Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2017, thanh tra bộ đã nhận 1,539 lượt đơn khiếu nại, trong đó, lĩnh vực đất đai vẫn chiếm số lượng nhiều nhất là 95.26%.”
Trong một bản tin hôm Thứ Hai, 6 Tháng Mười Một, tờ Thanh Niên thuật theo một bản báo cáo của chính phủ “Chỉ rõ bên cạnh một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện thì có hàng loạt ‘lỗi’ thuộc về chủ quan. Theo đó, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn để xảy ra sai sót, không theo quy hoạch, quy định của pháp luật. Việc quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng. Một số dự án thu hồi đất làm thủ tục thiếu chặt chẽ, không đúng quy định, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thu hồi đất, giải quyết quyền lợi của dân chưa thỏa đáng…”
Nói khác, quan chức các địa phương được dung túng, thực hiện các dự án gồm cả những dự án bán đất cho nhà đầu tư để kiếm lời và cơ hội tham nhũng, đền bù rẻ mạt cho người dân, đẩy người ta vào đường cùng dẫn đến những vụ khiếu kiện tập thể và chống cưỡng chế gây rúng động dư luận trong và ngoài nước.
Trong bản tin ngày 7 Tháng Mười Một, tờ Tuổi Trẻ thuật lại lời ông Nguyễn Minh Sơn – phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội – kêu rằng: “Có những người đã bán hết tài sản mà khiếu kiện chưa xong, có trường hợp họ đã chết chuyển sang cho đời con đi kiện tiếp.”
Dịp này, ông Sơn cũng cáo buộc những người làm “đại biểu nhân dân” tại Quốc Hội không làm nhiệm vụ đại diện cho dân khi chỉ có 20 đoàn có báo cáo tiếp dân, còn 43 đoàn “không sẵn sàng tiếp công dân.”
Quốc Hội CSVN từng nhiều lần được các thông tấn quốc tế gọi là “con dấu cao su” chỉ làm theo lệnh khi “ở trên” chỉ thị xuống. (TN)
No comments:
Post a Comment