Nguyễn Anh Tuấn
Theo RFA-2017-11-08
Một người dân đang cố đạp chiếc xe đạp điện trên con đường bị chặn một phần bởi gỗ và các vật liệu ngổn ngang ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội hôm 20/4/201. AFP
Sáng nay, trước Quốc Hội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết đoàn thanh tra Bộ Công an (do một Thứ trưởng dẫn đầu) đã kết luận toàn bộ quá trình chấp pháp của Công an Hà Nội trong việc bắt giữ cụ Kình ngày 15/4 là hoàn toàn đúng. Theo ông Hải, việc cụ Kình bị gãy chân là do gia đình giằng co với lực lượng thi hành nhiệm vụ, chứ không phải lỗi của công an Hà Nội.
Trước phát biểu này, những tưởng cụ Kình, vốn đang trong quá trình hồi phục và vẫn chưa đi lại được, sẽ rất sốc. Nhưng có lẽ thời gian vừa qua đã quá quen thuộc với các bài vở “đổi trắng thay đen” nên, bằng một giọng điềm tĩnh thường ngày, cụ đã chỉ ra những điểm bất ổn trong phát biểu của Đại tá Hải.
Một, đoàn thanh tra Bộ Công an mà Đại tá Hải nhắc đến là thực hiện công việc như thế nào mà chẳng hề thấy về làng gặp gỡ các nhân chứng.
Bốn nhân chứng mà cụ Kình nhắc đến, những người được các sĩ quan quân đội, công an mời ra đo mốc giới, bao gồm cụ ông Bùi Văn Vệ (cựu chiến binh, đã ngoài 80), ông Bùi Viết Hiểu (thương bình, từng là Trưởng ban Thanh tra Nhân dân xã, đã ngoài 70), ông Bùi Văn Nhạc (cựu chiến binh, nhiễm chất độc da cam, ngoài 70 tuổi), và bà Hoàng Thị Thăng (đảng viên). Họ có mặt ngay ở hiện trường lúc đó, sao đoàn thanh tra Bộ Công an không gặp họ? Sao có thể về làng triệu tập người dân cho vụ án hình sự, mà không thể mời các nhân chứng lên đối chất để tìm ra sự thật?
Hai, lúc các sĩ quan công an, quân đội mời cụ Kình và các nhân chứng ra đo mốc giới, lực lượng mặc thường phục từ trong xe nhảy ra đã bắn hai băng đạn vào bờ tường đá ong gần đó? Ông Hải có dám về gặp dân làng và khẳng định đã không có nổ súng? Đoàn thanh tra Bộ Công an có về điều tra dấu vết đạn bắn ở bờ tường đá ong ngoài đồng? Đó là chưa nói tới việc, luật pháp nào cho phép công an bắt giữ người không có lệnh, không lập biên bản như vậy?
Ba, ông Hải nói rằng cụ Kình gãy chân là do gia đình giằng co liệu có hợp lý không khi ngay ở hiện trường lúc đó chỉ có mỗi ông Lê Đình Công là con trai cụ Kình, cũng bị bắt giải đi luôn ngay lúc đó, và chỉ được thả ra vài ngày sau khi cuộc khủng hoảng giữ cán bộ xảy ra.
Bốn, lúc cụ Kình nằm ở viện 108 sau ca phẫu thuật, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Thành và Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương vào thăm. Tướng Thành có nói đại ý ghi nhận việc cụ Kình chống tham nhũng là tốt, có lợi cho dân làng. Còn Tướng Khương thì bảo rằng rất tiếc đã vào cuộc muộn nên để xảy ra sự việc như thế và xin lỗi cụ Kình. Nếu lực lượng chấp pháp của công an Hà Nội hoàn toàn đúng đắn và cụ Kình gãy chân không hề liên quan tới họ thì Tướng Khương có cần phải xin lỗi cụ Kình không? Ông Hải có dám đối chất với cụ Kình và cấp trên trực tiếp của ông là Tướng Khương không?
Không ồn ào phản ứng, trên đây là bốn điểm cụ Kình đưa ra để dư luận tự rút ra kết luận. Cụ Kình và những nhân chứng liên quan cùng dân làng sẽ sớm có clip livestream để cung cấp thông tin cho dư luận.
Một chuyện quan trọng khác ở đây lại là vấn đề xung đột lợi ích. Làm sao có thể tin rằng kết luận của đoàn thanh tra do Bộ Công an thành lập đủ khách quan khi điều tra một sự việc có liên quan trực tiếp đến lực lượng công an? Và điều đáng suy nghĩ hơn là ở nước ta hiện nay liệu có cơ quan nào đủ độc lập để đưa ra một kết luận khách quan trước một sự việc như thế này?
Nếu câu trả lời là hoàn toàn không, thì đơn giản là hệ thống quản trị quốc gia của chúng ta bị lỗi.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment