Viễn Đông
Theo VOA-16/05/2017
Đích thân Chủ tịch Trần Đại Quang kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường cho thịt heo (thịt lợn) của Việt Nam, trong khi đang có chiến dịch “giải cứu” nông dân đang “điêu đứng” vì mặt hàng này.
Truyền thông trong nước đưa tin, trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao của quốc gia tiêu thụ thịt heo nhiều nhất trên thế giới, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, nguyên thủ của Việt Nam đã “đề nghị” Trung Quốc “tiếp tục mở cửa”, “tạo thuận lợi cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam”, trong đó có “mặt hàng chiến lược” là thịt lợn.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài từ ngày 11 đến 15/5 xuất hiện trong bối cảnh đang có chiến dịch kêu gọi “nhà nhà ăn thịt lợn, người người ăn thịt lợn” để hỗ trợ các nông dân đang gặp khó khăn vì sản phẩm này rớt giá do cung vượt quá cầu sau khi Trung Quốc “đóng cửa”.
Ông Lê Quang Đức, quan chức khuyến nông của Huyện Sóc Sơn ở Hà Nội, cho VOA Việt Ngữ biết rằng “trong hơn chục năm nay, đây là lần giá rơi xuống thấp nhất”.
Ông nói thêm: “Hồi xưa thương lái nó vào nó mua. Bây giờ nó trả rẻ quá. Nó bảo Trung Quốc không nhập, cho nên giá nó mới xuống. Với giá này, đương nhiên bà con phải khó khăn, chăn nuôi thì lỗ. Bà con kêu chết dở”.
Ông Đức cũng cho rằng việc người nông dân chạy theo “bầy đàn”, “mấy năm trước làm ăn được nên làm ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu”."Hồi xưa thương lái nó vào nó mua. Bây giờ nó trả rẻ quá. Nó bảo Trung Quốc không nhập, cho nên giá nó mới xuống."Ông Đinh Quang Đức, quan chức khuyến nông, nói.
Về hiện trạng này, giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp làm việc nhiều với nông dân đồng bằng sông Cửu Long, nói với VOA Việt Ngữ: “Cái này, truy ra, thì nguyên một hệ thống có lỗi hết. Cái nào mà trúng, có kết quả thì nói là do Đảng lãnh đạo, còn cái nào mà không có hiệu quả thì nói là do dân tự phát”.
Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng trước được cổng thông tin chính phủ dẫn lời chỉ đạo “đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn, nhất là ở khu công nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang; tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt lợn trong mùa hè; giảm quy mô đàn lợn nái...”
Chiến dịch “giải cứu heo Việt” xuất hiện sau khi giá sản phẩm này rớt xuống “mức kỷ lục”, mà một phần, theo giới quan sát, là “do Trung Quốc ngưng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam”.
Dân Việt, báo điện tử của Hội Nông dân Việt Nam đầu tháng này dẫn lời một đại diện của Bộ Công Thương cho biết rằng “phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý mở cửa thị trường chính thức với thịt lợn nhập khẩu từ Việt Nam do Việt Nam vẫn nằm trong vùng dịch lở mồm, long móng”.
Giáo sư Xuân cho rằng đây là một “thảm họa”,và nhận xét thêm rằng “người nông dân không biết thị trường nằm ở đâu, mà cứ đâm đầu vào sản xuất theo sự kêu gọi của mấy thương lái người Việt, trong khi thương lái Trung Quốc lạm dụng, phá mình”.
Ông nói tiếp: "Nói thiệt chứ, người Trung Quốc đôi khi cũng có ý đồ. Dường như nó phá mình. Nó mua những cái thứ mà mình không ngờ nó mua. Nó bỏ ra số tiền lớn để mà nó mua trong giai đoạn đầu, thì thương lái mình thấy rằng cái này có lời quá. Cho nên mới bắt nông dân hùa nhau sản xuất. Khi người ta hùa nhau sản xuất một số đông lớn rồi thì Trung Quốc không mua nữa. Làm gì được nó?"
Ông Xuân dẫn ra tình trạng thừa mứa và mất giá dưa hấu hay thanh long ở Việt Nam sau khi Trung Quốc ngừng mua để chứng minh cho ý kiến của mình.
Ông cũng cho rằng thương lái Trung Quốc và Việt Nam thích mua bán qua đường tiểu ngạch trên biên giới vì “có lợi nhiều hơn”, trong khi “cả nhà nước và nông dân bị thiệt”."Nói thiệt chứ, người Trung Quốc đôi khi cũng có ý đồ. Dường như nó phá mình. Nó mua những cái thứ mà mình không ngờ nó mua. Nó bỏ ra số tiền lớn để mà nó mua trong giai đoạn đầu, thì thương lái mình thấy rằng cái này có lời quá. Cho nên mới bắt nông dân hùa nhau sản xuất. Khi người ta hùa nhau sản xuất một số đông lớn rồi thì Trung Quốc không mua nữa. Làm gì được nó?"Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.
Trao đổi với phía quan chức quốc gia đông dân nhất thế giới vừa qua, theo VOV, Chủ tịch Quang cũng kêu gọi Trung Quốc tạo điều kiện cho các mặt hàng, trong đó có thịt lợn, “thâm nhập thuận lợi vào thị trường Trung Quốc, và không chỉ đưa hàng vào các tỉnh dọc biên giới mà thậm chí sâu hơn vào các tỉnh bên trong”.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định rằng “Trung Quốc là thị trường rất là quan trọng đối với Việt Nam”, và “chính phủ hai bên phải ký kết” các thỏa thuận cụ thể.
“Các doanh nghiệp Việt Nam mình phải đi qua Trung Quốc tìm thị trường, tìm đối tác, lấy đơn đặt hàng của người ta để mà về phía nhà mình tổ chức, sản xuất, bán một cách chính thức, chứ không phải bán qua tiểu ngạch”, chuyên gia nông nghiệp này nói.
No comments:
Post a Comment