HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Đó là chuyện xảy ra ở thị xã Hồng Lĩnh, và bất kể các nạn nhân kêu cứu suốt từ năm 2011 đến nay, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh vẫn làm ngơ.
Tháng Bảy, 2011, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh gửi cho thủ tướng một tờ trình. Theo đó, tại phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, có 44 gia đình đang cư trú bên ngoài đê La Giang và 22 gia đình sống dọc bờ sông Minh, là những khu vực đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bão. Chính quyền tỉnh đề nghị thủ tướng cấp 90 tỷ đồng để xây dựng một khu tái định cư, thực hiện kế hoạch di dân khẩn cấp.
Đáng nói là sau khi được cấp tiền và cho phép sử dụng công thổ để xây dựng khu tái định cư, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh – nơi thay mặt chính quyền tỉnh thực hiện dự án di dân khẩn cấp này – chỉ cấp 14 lô đất cho 23 gia đình rồi thông báo bán đấu giá 52 lô còn lại.
Do bị chỉ trích kịch liệt, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh phải hoãn việc bán đấu giá và 8,500 mét vuông đất trong khu tái định cư bị bỏ hoang suốt từ 2011 đến nay.
Theo một loạt bài điều tra của báo Lao Động thì tờ trình mà chính quyền tỉnh gửi thủ tướng có nhiều điểm thiếu chính xác, 22 gia đình sống dọc bờ sông Minh được chính quyền tỉnh cho rằng cần “di tản khẩn cấp” thực ra chưa bao giờ bị mưa bão đe dọa, bởi vì nhà cửa của họ nằm phía trong đê La Giang. Đáng nói là trước nay, chưa bao giờ họ nghe bất cứ viên chức nào đề cập đến chuyện phải di dời vào khu tái định cư.
Cũng theo tờ Lao Động thì không phải căn nhà nào trong số 44 gia đình được chính quyền tỉnh xác định là gặp nguy hiểm trong mùa mưa bão vì sống bên ngoài đê cũng bị mưa bão đe dọa. Khoảng 10 căn nằm cạnh quốc lộ 1 và đã được xây dựng rất kiên cố, đất thuộc loại có giá trị cao. Hàng chục căn khác thì nằm sát chân núi – nơi mà những người bị chính quyền tỉnh Hà Tĩnh khoác cho cái vỏ “nạn dân” – khẳng định, sẽ chỉ ngập khi đê La Giang bị vô hiệu hóa.
Trong số 44 gia đình này chỉ 23 gia đình có thể phải chịu đựng cảnh ngập lụt trong mùa mưa bão. Dẫu còn dư tới 52 lô nhưng chính quyền thị xã Hồng Lĩnh chỉ cấp cho 23 gia đình này 14 lô. Cũng vì vậy, nhiều đại gia đình không đủ chỗ ở vì cha mẹ, con cái, cháu chắt đột nhiên bị dồn vào một nơi.
Bà Đậu Thị Thương, chủ của một trong 23 gia đình bị lùa vào khu tái định cư, kể với phóng viên tờ Lao Động rằng, vợ chồng bà có hai người con trai, cả hai đều đã có vợ con. Do chỉ được cấp một lô trong khu tái định cư nên hiện nay 12 người phải sống chung dưới một mái nhà.
Nhiều người dân than rằng, khi làm tờ trình gửi thủ tướng, chính quyền tỉnh phân định, liệt kê rõ ràng từng gia đình song khi xét cấp đất tái định cư, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh tự động gom các gia đình thuộc nhiều thế hệ lại thành một để có đất bán đấu giá.
Chưa kể cho đến nay, chưa ai rõ 90 tỷ đồng chi cho kế hoạch di dân khẩn cấp đã được sử dụng thế nào, bởi vì những gia đình bị buộc phải vào khu tái định cư chỉ được cấp 20 triệu đồng nên gia đình nào cũng phải vay thêm hàng trăm triệu mới đủ xây nhà.
Một điểm bất thường khác là dù xác định phía ngoài đê La Giang “nguy hiểm” nhưng sau khi lùa dân vào khu tái định cư, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh đã đem toàn bộ số đất này cho một số người thuê dài hạn. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment