HÀ NỘI (NV) – Một nửa trong 22 triệu tấn sắt thép Việt Nam nhập cảng năm 2016 là từ Trung Quốc và 11 tỉ Mỹ kim chi cho nhập cảng sắt thép thì khoảng 4.5 tỉ Mỹ kim được trả cho Trung Quốc.
Nói cách khác, bất kể Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA) liên tục khẩn cầu, Bộ Công Thương Việt Nam đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép cuộn nhập cảng vào Việt Nam (nâng mức thuế tự vệ lên 23.3% đối với phôi thép và 15.4% đối với thép dài), thép Trung Quốc vẫn có đường đổ vào Việt Nam (thay đổi mã số để né thuế nhập cảng).
Chuyện tương tự đã từng xảy ra đối với thép cuộn, trước Tháng Ba năm 2016, để hưởng thuế nhập cảng 0%, với sự tiếp sức của một số doanh nghiệp Việt Nam, giới xuất cảng thép Trung Quốc đã đổi thép cuộn thường thành thép cuộn hợp kim có chứa nguyên tố Bo hoặc Crom, Titan…
Theo những người am tường thị trường sắt thép, biện pháp tự vệ tạm thời không hữu dụng đối với giới xuất cảng thép Trung Quốc, cũng vì vậy, nhiều mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam dư khả năng sản xuất như phôi thép, tôn mạ và sơn phủ màu, thép dài vẫn tăng hàng triệu tấn so với năm 2015.
Đó cũng là lý do khiển tổng các loại sản phẩm sắt thép mà Việt Nam sản xuất năm 2016 chỉ chừng 17.5 triệu tấn. Do thép Trung Quốc khống chế thị trường Việt Nam, có khả năng mượn danh nghĩa Việt Nam để xuất cảng tiếp sang các quốc gia khác để hưởng sự ưu đãi về thuế nhập cảng, trong năm 2016, sản phẩm sắt thép của Việt Nam đã vướng phải hàng chục vụ kiện phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,… cho dù tổng kim ngạch thép xuất cảng các loại sản phẩm sắt thép của Việt Nam chỉ có 3.9 tỉ Mỹ kim.
Hồi năm 2015, VSA đã từng cảnh báo rằng, do cả nhu cầu lẫn giá thép ở Trung Quốc đều giảm nên Việt Nam trở thành túi hứng sản phẩm sắt thép của Trung Quốc và các doanh nghiệp thành viên của VSA không thể kháng cự vì giá thép của Trung Quốc càng ngày càng thấp. Nếu sắt thép Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam hoặc sẽ ngưng hoạt động, hoặc phải làm thuê cho Trung Quốc (cán, kéo phôi thép thành thanh hay cuộn).
Giới sản xuất sắt thép tại Việt Nam giải thích thêm, giá thép Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam rẻ vì: (1) Được chính quyền Trung Quốc hỗ trợ bằng thuế, tín dụng. (2) Ở sát Việt Nam nên chi phí vận chuyển không đáng kể. (3) Gần như Trung Quốc chỉ xuất cảng phôi thép sang Việt Nam, một số doanh nghiệp tại Việt Nam cán, kéo phôi thép thành thép thanh, thép cuộn nên rất ít người biết đó là thép Trung Quốc.
Cũng theo giới này, các công ty sản xuất thép của Trung Quốc đã khai thác tận tình những quy định khác nhau giữa các dòng trong biểu thuế ưu đãi theo Hiệp Định Thương Mại Tự Do ASEAN – Trung Quốc để thép Trung Quốc không phải nộp thuế nhập cảng. Cũng vì vậy họ đề nghị phải điều chỉnh các qui định. Chẳng hạn phải xác định rõ thế nào là hợp kim. Đồng thời, cần dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thép giá rẻ. Kể cả áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra – chống bán phá giá đối với một số loại thép Trung Quốc.
Hồi Tháng Mười năm 2015, VSA từng gửi một văn bản cho các bộ: Tài Chính, Công Thương, Khoa Học-Công Nghệ đề nghị lưu ý tình trạng thép Trung Quốc khai thác luật của Việt Nam để đè thép Việt Nam.
VSA cho biết, trong chín tháng đầu năm 2015 đã có khoảng một triệu tấn phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Nhờ khai thác qui định miễn thuế cho phôi thép dạng hợp kim của Việt Nam nên chỉ tính riêng lượng phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam trong hai tháng Tám và Chín, chính quyền Việt Nam đã mất khoảng hai triệu Mỹ kim tiền thuế.
Năm nào các doanh nghiệp thép của Việt Nam cũng bị các công ty sản xuất thép của Trung Quốc làm cho xính vính. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment