SÀI GÒN (NV) – Đó là nhận định của một số chuyên gia hàng không sau khi chính phủ Việt Nam công bố kế hoạch giải quyết tình trạng quá tải cả trên trời lẫn dưới đất của phi trường Tân Sơn Nhất.
Hôm 20 Tháng Giêng, ông Trịnh Đình Dũng, phó thủ tướng đã thay mặt chính phủ Việt Nam chọn việc cải tạo phi đạo phía Bắc, xây thêm hai nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm ở phía Nam và một số đường lăn làm giải pháp cho vấn nạn quá tải của phi trường Tân Sơn Nhất.
Chính phủ Việt Nam giải thích họ quyết định như vậy bởi có thể sử dụng 21 héc ta đất mà Bộ Quốc Phòng Việt Nam giao lại thành ra chi phí xây dựng chỉ khoảng 19,700 tỉ đồng, thời gian xây dựng không quá 3 năm mà vẫn đáp ứng được lượng khách qua lại Tân Sơn Nhất từ 43 đến 45 triệu người/năm.
Tuy nhiên theo ông Lê Trọng Sành, cựu trưởng Phòng Quản Lý phi trường Tân Sơn Nhất, việc xây thêm hai nhà ga ở phía Nam sẽ vừa khiến hoạt động của Tân Sơn Nhất bị phân tán, vừa bất lợi về mặt giao thông vì đường Hoàng Hoa Thám vốn đã quá tải. Khi hai nhà ga hoàn tất, việc ra vào phi trường sẽ khiến tình trạng kẹt xe trầm trọng hơn. Còn nếu mở rộng đường Hoàng Hoa Thám thì sẽ phải giải tỏa và phí tổn sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Thiện Tống, cựu chủ nhiệm bộ môn Kỹ Thuật Hàng Không của Đại Học Bách Khoa Sài Gòn cũng cho rằng, giải pháp xây thêm hai nhà ga phía đường Hoàng Hoa Thám sẽ làm giao thông ở khu vực quanh Tân Sơn Nhất ứ nghẽn nghiêm trọng hơn. Còn nếu giải tỏa, mở rộng các đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa thì dù rất tốn kém nhưng chỉ một thời gian ngắn, đâu sẽ lại vào đó.
Cả ông Sành và ông Tống cùng cho rằng, cần thu hồi 157 héc ta ở phía Bắc phi trường Tân Sơn Nhất mà Bộ Quốc Phòng vẫn thủ giữ và cho thuê làm sân golf để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về hướng đó. Khi các nhà ga tọa lạc ở vị trí sân golf hiện nay sẽ rất dễ điều hòa giao thông ở cả khu vực cũ và mới. Chưa kể có thể tạo thêm từ 40 đến 50 chỗ cho phi cơ đậu. Trong tương lai, nếu lượng hành khách qua lại tăng lên tới 60 triệu/năm cũng vẫn không bị động.
Cả hai khẳng định, nếu vẫn tiếp tục “né” sân golf, mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất theo hướng chính phủ Việt Nam vừa chọn, chi phí sẽ vừa cao, vừa liên tục bị động. Ông Tống khuyến cáo, nếu không nhìn xa hơn thì chỉ ba hoặc bốn năm nữa, phi trường Tân Sơn Nhất sẽ lại quá tải.
‘Chiến lợi phẩm’ biến thành sân golf
Phi trường Tân Sơn Nhất khởi công năm 1930 tại xã Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Năm 1933, đón chuyến bay đầu tiên từ Pháp tới. Năm 1956, được mở rộng với phi đạo dài 3,000 mét bằng bê tông thay cho phi đạo mặt là đất nện và chiều dài chỉ chừng 1,500 mét.
Trước Tháng Tư năm 1975, khu vực Tân Sơn Nhất vừa có phi trường dân sự, vừa có một số căn cứ quân sự và phi trường quân sự. Tổng diện tích ban đầu của khu vực Tân Sơn Nhất chừng 1,900 héc ta, phần lớn được để trống vừa vì lý do an ninh, vừa nhằm có thể mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất khi cần.
Sau Tháng Tư năm 1975, các căn cứ quân sự ở khu vực Tân Sơn Nhất trở thành “chiến lợi phẩm” của Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Từ giữa thập niên 1980, Bộ Quốc Phòng Việt Nam bắt đầu phân lô, cấp đất cho các sĩ quan làm nhà và giao đất cho các đơn vị dùng thay vốn để liên doanh.
Khu vực Tân Sơn Nhất trở thành hỗn loạn trong tình trạng “vô chính phủ” – các viên chức dân sự, kể cả công an không có quyền lai vãng – khoảng một thập niên. Đến giữa thập niên 1990, Bộ Quốc Phòng Việt Nam mới giao các khu dân cư do họ tạo ra cho chính quyền thành phố Sài Gòn để chính quyền thành phố này xây dựng hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thống thoát nước, cấp hộ khẩu cho cư dân trong các khu dân cư trên đất quân sự. Bộ Quốc Phòng Việt Nam tiếp tục sở hữu phần đất còn lại.
Đó là lý do tổng diện tích phi trường Tân Sơn Nhất giảm từ 1,900 héc ta xuống còn… 850 héc ta.
Do lưu lượng phi cơ, hành khách dân sự càng ngày càng tăng mà không thể mở rộng, phi trường Tân Sơn Nhất trở thành quá tải. Cục Hàng Không Việt Nam và Tổng Công Ty Cảng Hàng Không Việt Nam trình kế hoạch vay 18.7 tỉ Mỹ kim để xây dựng một phi trường mới tại Long Thành, Đồng Nai.
Kế hoach này bị nhiều chuyên gia kinh tế và hàng không phản đối vì phí tổn quá lớn và mức độ tác động đến kinh tế-xã hội theo hướng tiêu cực rất khó lường. Chẳng hạn nợ nần của quốc gia sẽ tăng mà không có gì bảo đảm dự án phi trường Long Thành sẽ sinh lợi. Theo nhiều chuyên gia, thay vì xây dựng phi trường Long Thành thì nên mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về hướng Bắc bởi tại đó đang còn 157 héc ta đất. Tuy nhiên đề nghị đó lại bất khả thi bởi 157 héc ta đất ấy là… tài sản của Bộ Quốc Phòng.
Giống như các “khu đất quốc phòng” trên khắp Việt Nam, trước nay, Bộ Quốc Phòng có thể sử dụng các “khu đất quốc phòng” như tài sản để góp vốn, hoặc đem bán hay cho thuê, kể cả cho thuê chứa hàng buôn lậu chứ dứt khoát không giao lại để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quốc gia, Bộ Quốc Phòng cũng không chịu từ bỏ quyền sở hữu 157 héc ta đất ở cạnh phi trường Tân Sơn Nhất để mở rộng phi trường này.
Sau các chuyên gia, tới lượt dân chúng và báo giới đả kích kịch liệt việc chính phủ Việt Nam chấp nhận cho Bộ Quốc Phòng thủ giữ và đem 157 héc ta đất cạnh phi trương Tân Sơn Nhất cho thuê làm sân golf 18 lỗ, rồi đi vay 18.7 tỉ Mỹ kim xây dựng phi trường Long Thành.
Những câu hỏi như tại sao lại dùng “đất quốc phòng” làm sân golf (?), nếu Bộ Quốc Phòng không có nhu cầu, tại sao không thu hồi đất đó dùng vào các mục tiêu công ích như mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất (?), chính quyền có biết nhiều dự án sân golf không sinh lợi, đầu tư sân golf về thực chất chỉ là kiếm đất xây dựng biệt thự, nhà hàng (?), chính quyền có biết nếu có sân golf thì chủ đầu tư sẽ phải dùng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, lượng thuốc này sẽ làm môi trường ô nhiễm trầm trọng hay không (?),… đều không được trả lời.
Trước sự phẫn nộ càng lúc càng tăng, Tháng Hai năm ngoái, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam loan báo đã tính toán lại, theo đó chi phí thực hiện dự án phi trường Long Thành không tới mức 18.7 tỉ Mỹ kim mà chỉ cần vay chừng… 15.8 tỉ Mỹ kim.
Nói cách khác, dự án phi trường Long Thành vẫn được duyệt, Bộ Quốc Phòng vẫn giữ được 157 héc ta đất cạnh phi trường Long Thành.
Tuy nhiên thực tế luôn luôn không như mong muốn, khu vực Tân Sơn Nhất không chỉ bị kẹt xe, ngập lụt nặng nề vì những khu dân cư do Bộ Quốc Phòng Việt Nam tạo ra bất chấp qui hoạch hồi giữa thập niên 1980 mà phi cơ cũng bị kẹt. Theo thiết kế, vào lúc này, phi trường Tân Sơn Nhất chỉ có thể tiếp nhận khoảng 25 triệu lượt khách/năm nhưng con số khách đến và đi hiện đã khoảng 30 triệu lượt khách/năm.
Văn phòng chính phủ Việt Nam thừa nhận, do hạ tầng thiếu đủ thứ nên nhiều chuyến bay đến Tân Sơn Nhất phải lượn trên trời để chờ đáp, vừa gây thiệt hại lớn về kinh tế, vừa đe dọa an ninh, an toàn hàng không. Đó cũng là lý do phải gấp rút mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất.
Tháng Chín năm ngoái, Bộ Quốc Phòng Việt Nam lùi một bước, đồng ý giao 21 héc ta đất ở Tân Sơn Nhất! Đổi lại, Bộ Quốc Phòng Việt Nam sẽ đảm trách việc xây dựng nhà ga và “chủ trì, phối hợp với Bộ Giao Thông-Vận Tải để chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện việc cải tạo, mở rộng đường lăn, bãi đậu phi cơ.” Bộ Quốc Phòng cũng là phía “chủ trì việc nghiên cứu quy hoạch thêm các nhà ga khoảng 10-20 triệu hành khách/năm và trung tâm bảo trì, sửa chữa phi cơ”…
Chỉ riêng các diễn biến xoay quanh việc mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất và xây dựng phi trường Long Thành cũng đã đủ để cho người ta mường tượng rằng, tại Việt Nam, ngoài lãnh thổ thuộc một nhóm gọi là “nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,” ít nhất còn có lãnh thổ thuộc về một nhóm khác mang tên “quân đội nhân dân Việt Nam.” (G.Đ)
No comments:
Post a Comment