Theo VOA-04/12/2017 /Bùi Tín
Vào tháng 12 này, vấn đề nhân quyền ở Viêt Nam trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Vụ xử phúc thẩm cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có mẹ già con dại 10 năm tù giam, chỉ vì cái « tội » yêu nước tột đỉnh, thương dân tột cùng, căm thù nung nấu quân bành trướng là một cuộc tự thú của chế độ rằng chế độ này là chế độ phi pháp, bất nhân, không coi quyền con người mà họ cam kết với dân mình, với thế giới chỉ là sự lừa dối ô nhục.
Bản án anh Nguyễn Văn Hóa 22 tuổi ở Hà Tĩnh 7 năm tù chỉ vì anh đau lòng với nông dân và ngư dân trong thảm họa Frrmosa để nói lên sự thật, một phiên tòa không có luật sư, không có nhà báo, công chúng cũng là một trò cười ô nhục của một chế độ leo lẻo về cải cách nền tư pháp, xây dựng chế độ pháp quyền công minh, không để oan người ngay, không để lọt kẻ gian.
Không phải ngẫu nhiên mà đại diện Liên Âu ở Hà Nội, phụ trách nhân quyền của CHLB Đức, bộ ngoại giao Hoa Kỳ, tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International, Phóng viên không biên giới Reporters Sans Frontières, Hội nhà văn quốc tế Pen Club… lên tiếng phản đối các vụ xử án tàn bạo chà đạp pháp luật, chà đạp công pháp quốc tế này.
Thật đẹp mặt cho chế độ CHXHCN ngay khi cuộc thẩm định định kỳ về quyền con người ở Liên hợp Quốc diễn ra, phơi mặt bộ mặt rất khó coi của kẻ lừa dối, đạo đức giả, nói một đằng, làm một ngả, của một kẻ có hạnh kiểm nhân quyền và dân quyền tồi tệ loại nhất thế giới.
Qua tin tức trên báo chí công khai, không thấy nêu lên họ tên, tiểu sử và bộ mặt của Hội đồng xét xử các phiên tòa rừng rú trên đây, những lời luận án và tuyên án của họ để mọi người có thể thấy những con người tha hóa nhưng được giao cho cầm cân nảy mực đã xử sự ra sao, để báo chí, công luận sẽ chất vấn, phỏng vấn họ về công việc của họ, rằng họ vận dụng luật nào, theo lệnh ai, họ có lương tâm, đạo lý hay không mà đang tâm tuyên án tàn ác đến vậy, không sợ ác quả ác báo, làm việc thất đức ra sao? Họ cũng có gia đình, có chồng con hay vợ con, sao lại gây ác, tàn phá gia đình người khác đến vậy.
Tương phản với những con người ấy là cô « Mẹ Nấm » bình tĩnh, hiên ngang, tự tin quyết không nhận tội danh nào, ngẩng cao đầu trước cường quyền; là bà Mẹ cô xông vào phiên tòa để bênh vực bảo về con gái yêu của mình dù cho bị ngăn cản bằng vũ lực; là cô nhà báo Trịnh Kim Tiến xông xáo cùng bạn bè kéo đến phiên tòa để tường thuật tại chỗ bất chấp sự cản trở, đánh dập vũ phu của bọn bảo vệ hung hãn, tát tới tấp, thụi liên tiếp vào mặt vào ngực và lôi kéo lên xe đưa về đồn. Cô Kim Tiến một mực chất vấn bọn côn đồ nhà nước « anh là ai? » theo bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ bất khuất Việt Khang kiên cường với cách chống cường quyền bằng cách riêng của mình. Bên cạnh cô Trịnh Kim Tiến là vô số luật sư của nhân dân, chân chính của nhân dân như luật sư Võ An Đôn đến phiên tòa để làm chứng cho phiên tòa rừng rú này.
Có thể nhận định không ngoa rằng bạo quyền hung hãn đã phong anh hùng, phong thánh, tạc tượng cho cô Mẹ Nấm. Sau phiên tòa hình dáng, vẻ mặt cương nghị hiền hậu của cô in rất sâu trong lòng mọi người Việt yêu nước mình, thưong dân mình.
Các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành TƯ, các đại biểu quốc hội, thanh tra chính phủ, ủy viên Ban Kiểm tra trung ương, bà Chủ tịch quốc hội, ông bộ trưởng tư pháp - trên mỗi cương vị của mình - có theo dõi kỹ các cuộc xử án này hay không? thái độ họ ra sao? khi mồm họ cứ leo lẻo, nào là « chế độ của dân, do dân, vì dân », cái gì, ở đâu cũng « nhân dân », nào là Chính quyền nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, hội thẩm nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân… nhưng thật ra không ở đâu nhân dân có quyền sống tự do, theo pháp luật cả.
Ở một nước, đâu đâu cũng thấy 2 chữ nhân dân nhưng lại tuyệt đối vắng lặng nhân quyền và dân quyền!
Có nơi nào trên trái đất này sự giả dối, hèn hạ, hung bạo phi pháp, phản nhân dân lại ngự trị ngang ngược, hỗn hào láo xược với nhân dân mình đến vậy?
Đây hãy là sự nhận định công bằng cần thiết để mọi người Việt hãy cùng loài người tiến bộ lên tiếng và hành động mạnh mẽ vì công lý và quyền con người khắp nơi trên trái đất này.
No comments:
Post a Comment