Wednesday, December 6, 2017

Giữ hay dẹp trạm BOT Cai Lậy: ‘Rối như canh hẹ’

Người dân vui mừng vẫy tay chào tài xế lưu thông trên đường khi nghe tin nhà cầm quyền trung ương “xả trạm” hôm 4 Tháng Mười Hai. (Hình: Người Lao Động)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN đưa ra các “phương án xử lý” trạm thu phí BOT Cai Lậy hiện đang là vấn đề nóng ở Việt Nam.
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm Thứ Ba, 5 Tháng Mười Hai, Thứ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ của ông đã báo cáo với thủ tướng CSVN về dự án BOT đặt trên quốc lộ 1A thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, và các “phương án xử lý.”
Theo những gì được ông Đông nói vói một số báo, có ba “phương án” trong số nhiều “phương án” được ông nêu ra, nhiều phần sẽ dược lựa chọn để giải quyết dứt điểm vấn đề theo yêu cầu của ông thủ tướng “chính phủ kiến tạo.”
“Phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm thu phí và tăng cường tuyên truyền vận động người dân, kèm cải thiện các dịch vụ để giải đáp những thắc mắc của người dân. Phương án 2, di dời trạm thu phí về tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Để thực hiện phương án này thì phải tính toán lại và thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Phương án này rất khó khả thi bởi sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính và có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng. Phương án 3, đặt hai trạm thu phí, trong đó một trạm nằm trên quốc lộ 1 để để thu phí hoàn vốn phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư để cải tạo, nâng cấp tuyến đường và đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư BOT,” báo Dân Trí tường thuật.
Dịp này, ông Đông cũng nói thêm rằng những phương án trên không phải là “những phương án cuối cùng” mà Bộ Giao Thông Vận Tải và các bộ, ngành, địa phương “sẽ nghiên cứu thêm các phương án khác để báo cáo thủ tướng chính phủ nhằm xử lý vấn đề tại trạm BOT Cai Lậy.”
Như vậy, chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải cân nhắc chọn một giải pháp mà ông nói phải “đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư.”
Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí từ đầu Tháng Tám để hoàn vốn cho “Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26.4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11.1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12.1 km với tổng mức đầu tư 1,398 tỷ đồng.”
Hai vấn đề làm dân chúng giận dữ là phí quá cao và vị trí đặt trạm thu phí lại cố ý “nhầm chỗ.” Vừa mới bắt đầu thu phí là bị người qua trạm trả tiền bằng những đồng tiền lẻ mệnh giá thấp nhất như 200 đồng kéo dài thời gian thu phí của một người. Những lời phàn nàn, chống đối cho mỗi trường hợp thu phí dẫn đến kẹt dường nghiêm trọng buộc phải “xả trạm.”
Ba tháng sau, tức đầu Tháng Mười Hai, thu phí lại thì sự chống đối mạnh mẽ hơn, ngày 4 Tháng Mười Hai, ông thủ tướng phải yêu cầu “xả trạm” một hai tháng chờ tìm cách giải quyết.
Qua lời ông Nguyễn Ngọc Đông, người ta thấy khá khó hiểu khi ông cho biết phương án 2, tức di dời trạm thu phí về đúng vị trí của nó trên “tuyến tránh” là “rất khó khả thi” vì theo ông “sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính và có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.”
Không thấy ông cho biết “phá vỡ phương án tài chính của ai” và “ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng” của ai nhưng nhiều phần ông nói nhà đầu tư tư nhân.
Trên báo VTC News ngày 4 Tháng Mười Hai và báo VietTimes ngày 5 Tháng Mười Hai, người ta được biết “nhà đầu tư” là “Công ty BOT Đầu Tư Quốc Lộ 1 Tiền Giang” là một liên danh của hai công ty gồm “Công ty Cổ Phần Tư Vấn Đầu Tư Xây Dựng Bắc Ái” (65%) ở Vĩnh Phúc và công ty Cổ Phần Đầu Tư Thương Mại và Xây Dựng Giao Thông 1 (TRICO) (35%).”
Đầu tư vào dự án BOT Cai Lậy gần 1,400 tỷ đồng, liên danh vừa kể chỉ bỏ ra có 15%, phần còn lại 85% vay của ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam – chi nhánh Vĩnh Phúc (BIDV Vĩnh Phúc).
Ông chủ tịch Hội Đồng Quản Trị mới lộ diện của Bắc Ái là Nguyễn Tiến An mới 25 tuổi, nhà ở Vĩnh Phúc, con cháu ai đó, bị nghi ngờ chỉ là người làm bình phong cho ai đó của một thứ “liên minh ma quỷ.”
Theo tiết lộ trên VietTimes, ngoài BOT Cai Lậy, công ty Bắc Ái còn là chủ đầu tư của nhiều dự án đối tác công-tư (PPP) khác. Chẳng lẽ công ty này chuyển vị trí thu phí BOT Cai Lậy thì “vỡ phương án tài chính” và “có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng?” Đây là một điều khó hiểu người ta tin dư luận muốn biết.
Trên một bản tin của tờ Thanh Niên hôm 5 Tháng Mười Hai, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước trong văn bản trả lời chất vấn vừa gửi đại biểu, cho biết, “nhiều chủ đầu tư dự án BOT năng lực tài chính còn hạn chế, vốn chủ yếu vay ngân hàng.”
Thống Đốc Lê Minh Hưng nêu ra sự thật của các dự án BOT mà nhà đầu tư là các công ty tư nhân Việt Nam có “năng lực tài chính còn hạn chế, ít khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động, như tổng mức đầu tư tăng, giảm phí…” Không những vậy “nhà đầu tư cũng không đảm bảo vốn chủ sở hữu khi tham gia vào dự án.”
Ông Lê Minh Hưng nhìn nhận, “Tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng mức đầu tư dự án BOT chỉ cần 10-15% và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn đi vay từ các tổ chức tín dụng.”
Tại sao lại Bộ Giao Thông Vận Tải chọn những nhà đầu tư “năng lực tài chính còn hạn chế” để thực hiện các dự án công ích hàng ngàn tỉ đồng là một dấu hỏi rất lớn. Nếu có cuộc điều tra thấu đáo, vì công ích thật sự, sẽ có câu trả lời người dân muốn biết.
Chiều 4 Tháng Mười Hai, nói với phóng viên, đại biểu Bùi Đặng Dũng, phó chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội CSVN, cho rằng “việc đặt trạm thu phí OBT Cai Lậy như hiện nay chắc chắn có nhiều bên liên quan chứ không tự nhiên mà đặt được vào vị trí đó.” Ông ám chỉ đến các “liên danh ma quỷ” giữa đám quan chức nhà nước từ trung ương tới địa phương và đám tư bản đỏ dựa vào các kẻ quyền thế để kiếm chác.
Ông Bùi Đặng Dũng cho rằng việc đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy sai như hiện nay cần phải xin lỗi dân và đặt lại. Sau đó, các bên liên quan cần phải kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan, theo báo Dân Trí.
Báo Thanh Niên hôm Thứ Ba, 5 Tháng Mười Hai, mở cuộc thăm dò dư luận thấy 95% các người tham dự muốn dời trạm thu phí Cai Lậy vào đường tránh. Kết quả của báo này cũng giống như kết quả thăm dò của báo VNExpress trước đó. (TN)

No comments:

Post a Comment