Wednesday, November 1, 2017

Tại sao Tổ chức Hội Anh em dân chủ bị đàn áp?

Kính Hòa RFA 2017-10-31 
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người được xem là quan tâm đến dân chủ và nhân quyền hơn ông Donald Trump. Ảnh chụp nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, tháng Năm, 2016.
 Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người được xem là quan tâm đến dân chủ và nhân quyền hơn ông Donald Trump. Ảnh chụp nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, tháng Năm, 2016.AFP
Giữa tháng 10, 2017, nhà văn bất đồng chính kiến Nguyễn Xuân Nghĩa, sống ở Hải Phòng bị cơ quan an ninh thành phố này thẩm vấn trong thời gian tám ngày, với những cáo buộc có liên quan đến Hội Anh em dân chủ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là người mới nhất có liên quan đến vụ trấn áp Hội Anh em dân chủ suốt một năm nay.
Có nhiều hội, nhóm hoạt động không chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản, nhưng tại sao Hội Anh em dân chủ lại bị đàn áp mạnh tay như vậy trong thời gian qua?
Đàn áp Hội Anh em dân chủ
Hội Anh em dân chủ được Luật sư Nguyễn Văn Đài và một số đồng sự thành lập vào tháng Tư năm 2013, với chủ trương đấu tranh bất bạo động cho dân chủ ở Việt Nam.
Tháng 12 năm 2015, Luật sư Nguyễn Văn Đài, và một người cộng sự là cô Lê Thu Hà bị bắt với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 luật hình sự Việt Nam.
Đến tháng Bảy, 2017 có thêm bốn thành viên của Hội Anh em dân chủ bị bắt, đó là mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Trương Minh Đức, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển, với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 luật hình sự Việt Nam.
Một tháng sau, ông Nguyễn Trung Trực, người được giao nhiệm vụ phát ngôn nhân của Hội Anh em dân chủ bị bắt, cũng theo điều luật số 79.
Đầu tháng Chín, đến phiên ông Nguyễn Văn Túc, thành viên Hội Anh em dân chủ ở Thái Bình bị bắt.
Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân là ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sau đại hội vừa rồi là những người cứng rắn.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Ngày 20 tháng 10, một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Đà Nẵng là anh Khúc Thừa Sơn bị thẩm vấn vì tình nghi có liên quan đến Hội Anh em dân chủ.
Sau khi kết thúc việc thẩm vấn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cơ quan an ninh thành phố Hải Phòng nói với ông rằng họ không bắt giam ông. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói với chúng tôi:
Họ gắn tôi vào vụ án anh Nguyễn Văn Đài và Hội anh em dân chủ. Họ biết tôi có tham gia vào Hội anh em dân chủ trong thời gian hai tháng, sau đó tôi rút. Họ qui kết Hội anh em dân chủ có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, vi phạm vào điều 79 bộ luật hình sự của nước Việt Nam. Nhưng tôi bác bỏ qui kết của họ.”
Ông Nghĩa nói rằng nếu thấy những thành viên của Hội Anh em dân chủ có tội thì hãy đưa ra bằng chứng, và để tòa án quyết định.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa tham gia Hội Anh em dân chủ trong thời gian hai tháng, từ tháng 12 năm 2015 đến tháng Giêng năm 2016, và ông xin rút lui vì lý do sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì những thành viên của Hội Anh em dân chủ là những con người rất ôn hòa. Trên trang web của Hội Anh em dân chủ người ta thấy tất cả các bài viết là nhắm vào những vụ bê bối trong quản lý kinh tế, những vấn đề an sinh xã hội tại Việt Nam.
Vậy tại sao họ lại bị đàn áp?
brotherhood.jpg
Biểu tượng của tổ chức Hội Anh em dân chủ. Hội Anh em dân chủ.
Những lý do đàn áp
Khi được đặt câu hỏi này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội trả lời:
“Nó có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân là ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sau đại hội vừa rồi là những người cứng rắn. Hoàn cảnh bây giờ làm cho họ lo sợ, vì phong trào dân chúng theo tôi đánh giá là phát triển đến mức có thay đổi về chất. Hội Anh em dân chủ lại là một hội có tổ chức chặt chẽ, của một tổ chức chính trị rất là cổ điển.”
Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức vào đầu năm 2016, một tháng sau khi Luật sư Đài bị bắt. Sau đại hội này, nhiều tướng lĩnh quân đội và công an được vào trung ương đảng và bộ chính trị, những nơi có quyền lực chính trị lớn nhất nước.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết ông không biết gì nhiều về Hội Anh em dân chủ vì thời gian hoạt động chỉ có hai tháng, nhưng ông cho rằng Hội này có tổ chức chặt chẽ, và trải rộng từ Bắc đến Nam.
Anh Lê Sơn, một cựu tù nhân chính trị, cho biết nhận định của mình về vụ đàn áp Hội Anh em dân chủ:
“Họ có đề cương rất rõ ràng, rất cụ thể, đó là Việt Nam tự do dân chủ, nhân quyền, có được đa nguyên đa đảng và hoạt động xã hội dân sự tự do. Đương nhiên với việc làm như thế thì đảng cộng sản họ không thích, và đến một lúc nào đó họ sẽ ra tay đàn áp, bắt bớ, bố ráp. Họ đã bắt bớ một loạt những người được cho là chủ đạo từ Bắc vào Nam để làm giảm sức mạnh của Hội Anh em dân chủ.”
Vào tháng Bảy năm 2015, trong một lần trao đổi với Đài Á châu tự do, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho chúng tôi biết rằng tổ chức của ông không có mục tiêu lật đổ, mà là đấu tranh bất bạo động, đi vào chiều sâu:
Theo quan sát của cá nhân tôi thì là do tình hình quốc tế, đặc biệt là tình hình Hoa Kỳ, sau khi ông Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, thì điều đó có lợi cho họ, nên họ ra tay đàn áp.
-Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
“Mình tìm kiếm những người có khả năng tham gia ứng cử để mình đào tạo, trở thành những người lãnh đạo ở cấp địa phương tới trung ương trong tương lai.”
Ông cũng kể lại rằng vào thời kỳ đầu mới thành lập, năm 2013, cơ quan an ninh liên tục gây sức ép bắt buộc Hội Anh em dân chủ phải chấm dứt hoạt động, nhưng sau đó họ đã đổi thái độ, và đối xử với Hội Anh em dân chủ một cách ôn hòa:
“Trước đây khi làm việc với nhau thì họ luôn có vẻ kể cả bề trên, luôn luôn muốn áp đặt với chúng tôi. Nhưng bây giờ thì không. Thái độ của họ thay đổi hoàn toàn, họ vẫn nói mình không nên làm cái này cái kia, hay từ từ hẳn làm, nhưng không còn kiểu áp đặt ra lệnh theo kiểu ăn sống nuốt tươi mình được.”
Khoảng thời gian 2014-2015 cũng là lúc Việt Nam đang rất nổ lực để tham gia vào Hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương do Mỹ cầm đầu, với những điều kiện ràng buộc về nhân quyền và quyền lợi lao động theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Lúc đó dư luận thậm chí đã nói đến việc thành lập nghiệp đoàn tự do tại Việt Nam.
Giải thích về việc gia tăng đàn áp Hội Anh em dân chủ trong năm 2017, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng việc đó có phần quan trọng là do ảnh hưởng của tình hình quốc tế, ông nói:
Theo quan sát của cá nhân tôi thì là do tình hình quốc tế, đặc biệt là tình hình Hoa Kỳ, sau khi ông Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, thì điều đó có lợi cho họ, nên họ ra tay đàn áp khủng bố những người hoạt động xã hội dân sự trong nước, khi mà Hoa Kỳ đã không còn quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền Việt Nam, đã tạo điều kiện cho chính quyền cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp. Thời Tổng thống Obama, việc quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền trên toàn thế giới, cũng như vấn đề dân chủ nhân quyền ở Việt Nam được chính phủ thời đó chú trọng hơn.”
Ông nói tiếp sở dĩ như vậy là do phong trào đấu tranh cho dân chủ ở trong nước còn rất ít và yếu, do vậy tình hình quốc tế rất có ảnh hưởng đến hoạt động dân chủ trong nước. Giải thích tại sao sau đến bốn năm hoạt động, Hội Anh em dân chủ mới bị đàn áp mạnh tay, ông nói tiếp:
Luật pháp của nhà nước cộng sản là như vậy, nó xử lý theo từng thời gian, theo từng trạng thái và theo từng cá nhân, chứ không phải là một thứ luật pháp nghiêm minh và sòng phẳng.”
Ông Nguyễn Quang A thấy có sự tương đồng giữa việc đàn áp Hội Anh em dân chủ với việc đàn áp tổ chức của Luật sư Lê Công Định, Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, và Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung vào năm 2009, đó là sự lo ngại của đảng cộng sản đối với những tổ chức mang khuynh hướng chính trị và có tổ chức chặt chẽ.

No comments:

Post a Comment