Cát Linh, RFA 2017-10-31
Các công nhân đang làm việc trong Công ty xuất nhập khẩu hải sản Khánh Súng, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng- AFP
Tối 30 tháng 10, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) chính thức ra mắt tại Hà Nội sau gần 1 tháng có quyết định thành lập.
Kỳ vọng nào dành cho Ban 4 đối với sự phát triển kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung theo nghị quyết phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa?
Chính phủ lắng nghe
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hiệp quốc, từ Hà Nội nói với RFA về quan điểm của ông đối với việc thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
“Đối với tôi đó là một nỗ lực, một ghi nhận đáng ghi nhận. Nó thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng, Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của những người đại diện cho kinh tế tư nhân, muốn lắng nghe những ý kiến, kiến nghị để cải thiện tình hình, môi trường kinh doanh và các điều kiện kinh doanh.”
Đối với tôi đó là một nỗ lực, một ghi nhận đáng ghi nhận. Nó thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng, Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của những người đại diện cho kinh tế tư nhân, muốn lắng nghe những ý kiến, kiến nghị để cải thiện tình hình, môi trường kinh doanh và các điều kiện kinh doanh. - TS Lê Đăng Doanh
Ban gồm 6 người, là những người được mô tả là người đứng đầu các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, có nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.
Với sự tham gia của các doanh nhân có tiếng tại Việt Nam như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin VN, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính ở vai trò Trưởng ban, ông Don Lam - Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó chủ tịch Hội đồng Nghị sự Toàn cầu về ASEAN, Diễn đàn kinh tế thế giới làm Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân được đánh giá là có sự khác biệt rất quan trọng.
Theo phân tích của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từ lâu nay, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã nghiên cứu thực tiễn và thấy rõ khó khăn của kinh tế tư nhân. Họ đã có những kiến nghị, đề nghị cải thiện về môi trường kinh doanh như cắt giảm những giấy phép con, điều kiện kinh doanh.
“Kiến nghị đó cho đến nay, việc chuyển biến thực tế kể cả nỗ lực lớn của Thủ tướng, Chính phủ cũng chưa đem lại một cái sự chuyển biến gì rõ nét. Cho nên Thủ tướng, Chính phủ có đề nghị đích thân những người đại diện cho doanh nghiệp tư nhân, bản thân kinh doanh có ý kiến nêu lên và xem có thể thực hiện để tình hình tốt hơn không?”
Do đó, theo ông, việc thành lập Ban 4 có thể xem như là một mô hình giúp cho chính phủ nghe và hiểu thêm những mong muốn của doanh nghiệp tư nhân.
Ông cho rằng điều này hứa hẹn sẽ mang đến những quyền lợi tích cực cho kinh tế tư nhân Việt Nam nói riêng và kinh tế thị trường Việt Nam nói chung.
Cùng có nhận định này là ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), nói với báo giới rằng điều này chứng tỏ vị trí và vai trò của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã và đang có những thay đổi lớn.
Nhưng vẫn là vòng lẩn quẩn?
Một vấn đề khác cũng được lưu ý là Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân được chính thức thành lập khoảng 4 tháng sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng vào ngày 3 tháng 6, 2017 ký quyết định ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trước đây, khi bình luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với RFA, Tiến sĩ Ngô Trí Long từng nhận định “đấy là một cái vòng lẩn quẩn mà kinh tế Việt Nam và Đảng cộng sản Việt Nam đang chạy quanh hơn thập kỷ nay để đi tìm một nét đặc thù, một nét riêng nào đó”.
“Trên thế giới không có một đất nước nào mà dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng tụt hậu ngày càng rõ.”
Trên thế giới không có một đất nước nào mà dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng tụt hậu ngày càng rõ. - TS Ngô Trí Long
Nghị quyết 10-NQ/TW được đưa ra sau Hội nghị Trung Ương 5, nêu rõ những giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng...
Ý kiếncủa Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam đang có quá nhiều các doanh nghiệp nhà nước lớn kinh doanh vào các lĩnh vực có tính chất thương mại. Theo ông, nhà nước nên tập trung vào những việc có hiệu quả và cần thiết. Còn các lĩnh vực thuần tuý thương mại thì nhà nước nên thoái vốn để tư nhân hoạt động.
“Việt Nam làm thì sẽ giảm bớt tham nhũng, quan liêu và các chi phí cho doanh nghiệp. Theo tôi các điều ấy rất là quan trọng.”
Nên cạnh tranh công bằng
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban của Ban 4, trong buổi ra mắt vào tối 30 tháng 10 phát biểu rằng trước mắt sẽ chọn ba lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin. Ông Bình đặt kỳ vọng vào vai trò đóng góp của kinh tế tư nhân "từ 40% GDP hiện nay lên 60%".
Đáp lại niềm kỳ vọng này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tin rằng sẽ có những thay đổi tích cực liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế chung.
“Nếu kinh tế tư nhân phát triển thì có thể nguồn thu của ngân sách tăng lên và điều đó sẽ đóng góp vào việc giảm bớt bội chi ngân sách và nợ công.”
Chuyên kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành tuy nhìn nhận đây là “một quyết định đúng đắn và cần thiết dù khá chậm so với nhu cầu phát triển kinh tế” nhưng ông cũng đưa ra quan ngại về việc nên làm thế nào để có sự công bằng về vai trò và tiếng nói của tất cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.
Đây cũng chính là một thực tế mà Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng cần phải có sự xem xét lại để có sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh.
“Đã có sự phát hiện là có những doanh nghiệp có thể sử dụng đến 100 lao động nhưng họ vẫn nói là hộ kinh tế gia đình nhỏ, không muốn đóng thuế 20% như Luật Doanh nghiệp. Đó là 1 vấn đề cần phải xem xét và xử lý để các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng và bình đẳng hơn. Bởi những doanh nghiệp này hiện nay đang cạnh tranh không lành mạnh với những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, là một bất lợi cho sự tiến bộ của kinh tế tư nhân.”
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi cuối tháng 9 năm nay đưa ra báo cáo cho thấy Việt Nam xếp hạng 60/138 nền kinh tế, so với vị trí 56/140 của năm 2015, tụt 4 hạng trên Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2016-2017.
Do đó, qua phát biểu của những chuyên gia kinh tế cũng như những người có vị trí chủ đạo của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân có thể thấy sự kỳ vọng của họ vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam khi kinh tế tư nhân thật sự được Thủ tướng, Chính phủ quan tâm.
No comments:
Post a Comment