HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hội Nghị Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) đã xong. Cuộc thăm viếng Việt Nam của tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc cũng đã qua đi.
Các bài bình luận, phân tích về hội nghị và hai cuộc viếng thăm của hai lãnh đạo tự do và Cộng Sản ăn trùm thế giới về các mặt chính trị, kinh tế thấy cũng nhiều.
Dư âm còn lại với bàn dân thiên hạ không dừng ở đó mà tiếp tục tranh cãi về những chuyện khác. Những chuyện bên lề diễn tả qua một vài tấm hình.
Hai tấm hình có lẽ gây nhiều tranh cãi nhất là tấm hình Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull tự chụp hình mình với hai lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc ở Đà Nẵng rồi bỏ lên trang Twitter cá nhân của ông. Tấm hình kia là nữ ca sĩ Mai Khôi giương biểu ngữ với hàng chũ “Tè vào Trump” đi biểu tình một mình trên đường phố Hà Nội khi đoàn xe tổng thống Mỹ đến đây thăm viếng chính thức.
Khi dự Hội Nghị APEC vào các ngày 10 và 11 Tháng Mười Một, thủ tướng Úc dùng điện thoại cá nhân tự chụp hình với một nhóm lãnh đạo, trong đó gồm có ông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Thống Mỹ Donald Trump, Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang và Thủ Tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha.
Nhưng khi ông bỏ tấm hình lên trang Twitter của ông, người ta chỉ thấy có ba người là ông Turnbull, ông Tập Cận Bình và ông Trump. Ông Turnbull chú thích tấm hình là “Catching up with @realDonaldTrump & President Xi at #APEC2017; working together to secure our region’s safety & prosperity,” tạm dịch là “Chạy theo Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình; hợp tác để bảo đảm an ninh và thịnh vượng khu vực của chúng ta.”
Cho tới ngày 14 Tháng Mười Một, người ta thấy có 1,059 lượt người phản hồi lại ông Turnbull dẫn tới nhiều tranh cãi bằng nhiều thứ ngôn ngữ, không kể Anh Ngữ, cả tiếng Việt, tiếng Trung Quốc.
Không thấy ông Turnbull giải thích tại sau khi đứng chụp có năm người mà khi cho phổ biến trên Twitter thì chỉ có ba. Trang thông tin mạng Newshub thì cho là ông đã “phạm sai lầm ngớ ngẩn” trên mạng khi, một Twitter tên Jericho đưa tấm hình khác cho thấy đứng đó là năm, không phải ba.
Jericho hỏi ông Turnbull “Thế còn lãnh đạo Việt Nam đâu?” Một số người thì viết là ông thủ tướng Úc “chơi” ông chủ tịch nước CSVN.
Tấm hình gây bão mạng nhiều hơn tấm hình ông Turnbull “tự chụp” là tấm hình nữ ca sĩ Mai Khôi cầm biểu ngữ biểu tình chống tổng thống Mỹ trên đường phố Hà Nội trong khi hàng ngàn người dân đứng dọc hai bên đường chào đón ông.
Tấm biểu ngữ cô giơ cao trên đầu viết chũ “Peace” (hòa bình) bị gạch sửa thành Piss (đái, tè) nên nghĩa bị đổi thành “Piss on you Trump” (Tè vào Trump), một cách bày tỏ sự phẫn nộ, một cách bày tỏ quan điểm chính trị bằng hành động viết trên biểu ngữ.
Theo hãng tin AFP, ca sĩ Mai Khôi đã bị công an lôi về nhà nhốt, canh giữ cho đến chiều tối mới thôi nhưng cô không dám ra đường nữa vì sợ bị bắt và các sự trừng phạt có thể nặng hơn.
Trên rất nhiều trang Facebook, người ta thấy chia ra hai phe bênh và chống nhau kịch liệt về hành động của cô ca sĩ 34 tuổi từng được gặp Tổng Thống Barack Obama khi ông đến Sài Gòn hồi Tháng Năm, 2016, trong khi rất nhiều người đấu tranh dân chủ, nhân quyền bị canh gác, không cho ra khỏi nhà dù có giấy mời gặp ông.
“Miệng thì rêu rao đấu tranh nhân quyền trong khi hành động thì chống lại tổng thống do dân bầu lên không khác nào tự trét tro vào miệng. Đấu tranh kiểu giã cầy!” Một người tên Liem Do bình luận trên Facebook của ông Phùng Mai.
“Nó mà piss on Hồ thì giờ nó bị bầm dập trong đồn công an rồi,” người tên John Nguyễn bình luận cũng trên trang của ông Phùng Mai bên Úc.
“Trump là người của công chúng, mọi người được quyền chửi Trump, kể cả Mai Khôi vì những phát ngôn và hành động của Trump. Mai Khôi cũng là người của công chúng, công chúng cũng có thể chỉ trích Mai Khôi. Lý ra khi chị Mai Khôi dùng ngôn ngữ biểu đạt trên biểu ngữ phản đối Trump, chị ấy nên cân nhắc những người phản đối chị cũng có thể dùng ngôn ngữ tương đương vậy để chỉ trích chị,” Facebooker Nguyễn Hoàng Vi ở Sài Gòn viết.
“Mỗi người hãy piss/ kiss hay fuck người mà mình muốn. Tại sao quý vị lại đòi hỏi Mai Khôi phải piss người mà quý vị muốn. Quý vị phải tự làm lấy việc đó chứ? Người Việt quen thói đòi người khác phải làm cái mà mình muốn. Điều lạ nữa là ý nghĩ đó cũng có trong đầu những người cổ vũ cho tự do dân chủ,” Facebooker Mạc Việt Hồng ở Ba Lan viết. (Tư Ngộ)
No comments:
Post a Comment