Bản phúc trình Tự do Internet năm 2017 của tổ chức Freedom House tại Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam tiếp tục lún sâu vào trong nhóm các nước không có tự do Internet. Việt Nam xếp thứ 7, sau Trung Quốc, Cu Ba… và được mô tả trên bản đồ với thanh màu xám – đất nước không có sự thay đổi về tự do Internet [No change score].
Freedom House bắt đầu khảo sát từ giữa năm 2016, được đánh dấu bởi tai họa môi trường hồi tháng 5 và vụ cá chết hàng loạt do ô nhiễm từ Nhà máy Thép Formosa ở Hà Tĩnh gây ra. Việt Nam tăng cường truy tố, bỏ tù các blogger; các ngòi bút độc lập thường bị các nhóm dân sự tấn công, sách nhiễu. Các cuộc biểu tình hay tuần hành của người dân phát động qua mạng Internet bị công an ngăn trở bằng bạo lực và đe dọa. Các quy định luật lệ đe dọa siết chặt hơn nữa quyền tự do Internet của công dân được ban hành.
Freedom House nhắc đến Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án 10 năm tù giam như là một hình phạt nặng nề nhằm đe dọa những người lên tiếng khác, cũng như cộng đồng cư dân mạng dân chủ đang phát triển của đất nước này.
Siết chặt tự do Internet được nhà cầm quyền CSVN coi như là một công cụ chính yếu trong việc bảo vệ sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Hà Nội sau 14 lần chỉnh sửa, Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Thậm chí, mới đây tại khoản 4, Điều 34 trong Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam, gây bất bình trong dư luận vì đưa ra quy định các công ty quốc tế cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt máy chủ tại Việt Nam để quản lý dự liệu người sử dụng.
Nhà hoạt động Đoàn Huy Chương nói rằng: “ Tự do Internet là một quy luật phát triển của nhân loại. Với sự phát triển hiện nay. Nếu như một quốc gia mà không có Internet nó cũng đồng nghĩa với sự thụt lùi của nhân loại. Và đưa con người trở về kỷ nguyên đồ đá!”.
Hoàng Cúc, một sinh viên đang theo học tại Sài Gòn cho biết: “ Nhìn ngoài bề mặt, Việt Nam là 1 trong những quốc gia được tự do sử dụng internet. Nhưng thật ra Internet ở Việt Nam bị kiểm duyệt gắt gao, nhất là những vấn đề liên quan đến chính trị và nhân quyền. Nhà nước Việt Nam có đủ mọi phương thức để hạn chế tốc độ băng thông, cắt quyền sử dụng (làm mạng chập chờn) hay hàng ngàn bức tường lửa được lập ra để hạn chế người dân truy cập thông tin “nhạy cảm” có hại cho chế độ. Do thế, nhìn thì thấy ở VN được dùng internet tự do, nhưng thật ra hoàn toàn là ngược lại…”
Tâm Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment